Hải sản thân vỏ sống ven bờ là nguồn thực phẩm rất giàu dinh dưỡng như: nghêu, sò, vạng, vọp, phi, vót... mang lại nguồn lợi không nhỏ cho người dân địa phương. Trong cộng đồng thân mềm hai vỏ kể trên con vót được coi là đặc sản hàng đầu.
Trong số các loài hai vỏ như đã kể trên thì con vót lại là loài khó khai thác nhất. Nó không thể dùng cào (nạo) để bắt như nghêu vì vỏ vót mỏng tang rất dễ dập vỡ khi có vật cứng chạm vào; cũng không thể tìm “mà” (hang) để đào bắt như con phi. Con vót chỉ xuất hiện khi nước ròng rất kiệt và lặng sóng, vào thời điểm này vót đua nhau “đánh móng” – phun lên một tia nước rất nhỏ, giống như “cột nước” của một giọt mưa rào khi rơi xuống mặt biển lặng sóng.
Người bắt vót phải thật tinh mắt và nhanh tay dùng mũi dao nhọn bản to chọc dò vào đúng vị trí vót “đánh móng”, lập tức mặt cát hé ra một lỗ nhỏ; lúc đó người ta mới thọc lưỡi dao sâu xuống cát vừa nạy vừa moi cát để bắt vót. Phát hiện vót đánh móng đã khó nhưng định vị chính xác điểm của “cột nước” để chọc dò phát hiện ra “hang” của vót để bắt càng khó hơn.
Tại các làng biển Diễn Thịnh, Diễn Trung vào những ngày này có hàng trăm người ở mọi lứa tuổi cùng ra bãi biển bắt vót. Có những người bắt vót rất thiện nghệ. Trong những ngày nước ròng kiệt, lặng sóng, trên một quãng dài từ 3 - 4 km người đi bắt vót đông vui như trẩy hội. Từ thời điểm nước ròng kiệt đến lúc nước “máy” (nước lên) khoảng vài tiếng đồng hồ, một thợ vót có thể bắt được 3 - 4 kg; những thợ vót thiện nghệ có thể bắt được 5 - 10kg. Vót bán ra thị trường có giá từ 50.000 - 60.000 đồng/kg góp phần tăng thêm thu nhập cho người dân địa phương.
Theo người dân địa phương, con vót rất bổ dưỡng, là một trong những “hải vị” giúp cho bữa ăn của người dân làng biển thêm phong phú. Vót có thể chế biến bằng cách luộc chấm nước mắm tỏi, gừng hay xào với cà pháo, cà chua, dứa, nấu cháo, canh rau...
Tác giả: Trần Cảnh Yên
Nguồn tin: Báo Nghệ An
Nguồn tin: Báo Nghệ An