Kinh tế

Đặc sản Việt Nam được Trung Quốc chi gần nửa tỷ USD lùng mua, địa phương nào đang nắm "kho báu" lớn nhất?

"Báu vật" này được Trung Quốc chi gần 500 triệu USD săn đón trong 4 tháng qua.

Theo những số liệu thống kê được Hiệp hội rau quả Việt Nam tổng hợp từ hải quan cho thấy, Trung Quốc đang đẩy mạnh thu mua sầu riêng từ Việt Nam.

Cụ thể, trong tháng 4, thị trường tỷ dân này đã chi 204 triệu USD để nhập loại trái cây "vua" này từ Việt Nam. Con số này tăng gấp 6,5 lần so với cùng kỳ năm ngoái. Về giá bán, sầu riêng trong tháng 4 được bán với giá 3.972 USD/tấn, giảm so với trước đó. Tuy nhiên, tính chung cả 4 tháng, mặt hàng này vẫn đạt giá bình quân lên đến 4.207 USD/tấn.

Trung Quốc cũng là thị trường chính tiêu thụ sầu riêng của Việt Nam. Hiện, nước này chiếm 92% tỷ trọng xuất khẩu sầu riêng của Việt Nam trong 4 tháng, tăng 8% so với cùng kỳ năm ngoái. Tổng chung, 4 tháng đầu năm, Trung Quốc đã chi hơn 432 triệu USD để mua sầu riêng Việt Nam, tăng 168% so với cùng kỳ năm ngoái.

Theo số liệu công bố cuối năm ngoái của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tây Nguyên nhanh chóng vươn lên dẫn đầu với diện tích sầu riêng gần 70.000ha, tiếp đến là Đồng bằng sông Cửu Long, Đông Nam Bộ và Duyên hải miền Trung.

Tây Nguyên nhanh chóng vươn lên dẫn đầu về diện tích sầu riêng.

Diện tích sầu riêng tăng liên tục từ 2010. Bình quân mỗi năm, diện tích trồng sầu riêng tăng 24,5% - mức tăng trưởng rất cao. Đặc biệt, Tây Nguyên là khu vực có diện tích sầu riêng tăng nhanh nhất.

Tại diễn đàn về thực trạng và giải pháp cho ngành sầu riêng năm ngoái, ông Vũ Đức Côn - Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Đăk Lăk - cho biết toàn tỉnh này đã có hơn 28.600ha sầu riêng. Trong số này có gần 3.000ha trồng mới, gần 16.000ha đang giai đoạn kiến thiết và gần 10.000ha kinh doanh.

Theo ông Côn, vài năm tới, diện tích sầu riêng của tỉnh sẽ lên đến 30.000ha - đây là điều đáng lo ngại đối với ngành sầu riêng ở tỉnh này vì mức độ mở rộng quá nhanh.

Diện tích trồng sầu riêng tăng "nóng"

Diện tích sầu riêng toàn tỉnh Lâm Đồng đạt khoảng 19.700ha, tăng hơn 6.000 ha so với năm 2021, trong đó có hơn 10.800ha đã cho sản phẩm. Dự kiến sản lượng niên vụ sầu riêng năm nay của Lâm Đồng đạt khoảng 115.000 tấn.

Đến 2027, toàn tỉnh Lâm Đồng sẽ có khoảng 19.000ha sầu riêng đến kỳ cho thu hoạch, tương ứng sản lượng khoảng 225.000 tấn, gấp đôi so với mức hiện nay.

Đồng bằng sông Cửu Long nổi tiếng với nhiều giống sầu riêng như Chuồng bò, 6 Hữu... Ảnh: Đại đoàn kết.

Ở Đồng bằng sông Cửu Long, sầu riêng được trồng ở vùng đất phù sa nước ngọt không bị ngập và mặn ven sông Tiền và sông Hậu. Tập trung nhiều nhất ở tỉnh Tiền Giang, tiếp theo là tỉnh Bến Tre, Vĩnh Long, Sóc Trăng và TP Cần Thơ.

Tại Tiền Giang, sầu riêng được trồng tập trung ở huyện Cai Lậy, nổi tiếng với sầu riêng Khổ qua xanh ở cù lao Ngũ Hiệp và nhiều giống sầu riêng có chất lượng rất ngon như Chuồng bò hạt lép, 6 Hữu.

Hiện nay, diện tích trồng sầu riêng mở rộng ra thị xã Cai Lậy, huyện Châu Thành và huyện Cái Bè. Ở Bến Tre, sầu riêng trồng nhiều ở huyện Châu Thành và Chợ Lách. Ở tỉnh Vĩnh Long, sầu riêng trồng nhiều ở cù lao Bình Hòa Phước, huyện Long Hồ và cù lao Thanh Bình của huyện Vũng Liêm.

Tại TP Cần Thơ, sầu riêng trồng nhiều ở huyện Phong Điền và các vùng lân cận ở huyện Thới Lai và quận Ô Môn. Sầu riêng ở tỉnh Sóc Trăng được trồng nhiều ở huyện Kế Sách.

Tác giả: Dy Khoa

Nguồn tin: doisongphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP