Đi dọc các tỉnh miền Trung từ Đà Nẵng đến Khánh Hòa, du khách không chỉ thoải mái khám phá những địa điểm du lịch nổi tiếng mà còn được trải nghiệm văn hóa ẩm thực đa dạng, độc đáo. Dù trên những gánh hàng rong, quán ăn vỉa hè hay trong các khu chợ huyện, du khách vẫn dễ dàng tìm thấy và thưởng thức được loạt đặc sản trứ danh của mỗi địa phương.
Ngoài những món ăn nức tiếng như mì Quảng, bánh căn, bánh xèo, cơm hến,... còn có bánh đập - thức quà bình dị có cách thưởng thức đặc biệt đã gắn bó với biết bao thế hệ người con của vùng đất đầy nắng và gió này.
Bánh đập - thức quà bình dị của miền Trung (Ảnh: @mebimsuakoi). |
Bánh đập gồm 2 thành phần chính là lớp bánh ướt bên trong và phần bánh tráng (bánh đa) nướng bên ngoài. Sở dĩ có tên gọi này là vì khi thưởng thức món bánh trên, thực khách phải "đập" cho bánh tráng vỡ ra, dính vào lớp bánh ướt rồi ăn kèm nước chấm đặc trưng.
Bánh đập gồm 2 thành phần là lớp bánh đa giòn bên ngoài và lớp bánh ướt mềm mịn bên trong (Ảnh: @kawai.food). |
Tuy là món ăn đơn giản, bình dân nhưng bánh đập cũng đòi hỏi sự khéo léo, kỳ công trong khâu chế biến. Phần bánh ướt được làm từ bột gạo. Gạo ngâm rồi xay nhuyễn để lấy bột làm bánh. Bột gạo trước khi đem đi tráng sẽ được pha với nước theo tỉ lệ chuẩn để bột không quá loãng hoặc quá đặc. Khi tráng, khuấy bột đều tay để bánh ướt mềm dẻo.
Nồi hơi tráng bánh cũng được giữ nóng ở nhiệt độ thích hợp. Trước khi đổ bột, thoa một lớp nước lọc cho phần vải thấm mềm, thoáng hơi để bột không bị dính lại. Khi khách gọi món, người bán mới bắt đầu làm bánh. Đôi tay thoăn thoắt múc bột, dàn đều trên miếng vải bọc nồi hơi rồi đậy nắp lại. Khoảng 1-2 phút là bánh chín. Người thợ khéo léo dùng que tre mỏng dỡ bánh lên.
Để chế biến được món bánh đập thơm ngon đòi hỏi người làm bánh phải khéo léo, có nhiều kinh nghiệm chế biến (Ảnh: @xxidanielgn). |
Bánh ướt sau đó được trải lên mặt bánh tráng nướng còn nóng hổi, cho thêm chút thịt băm, tôm và mỡ hành vào rồi từ từ gấp lại.
Tùy theo đặc trưng và thói quen mỗi địa phương mà có nơi làm bánh đập nhân mỡ hành, có nơi chế biến nhân đầy đặn hơn cùng thịt lợn băm, hến xào,... hay tráng bánh kèm trứng để tăng hương vị cho món ăn.
Để thưởng thức, thực khách dùng tay đập bánh vỡ thành nhiều miếng. Cách ăn thú vị cũng là lý do làm nên tên gọi đặc biệt của món ăn (Ảnh: @buncatran). |
Để thưởng thức, thực khách lấy tay đập nhẹ vào chiếc bánh, vừa làm bánh vỡ thành nhiều miếng nhỏ, vừa khiến lớp bánh đa dính chặt vào phần bánh ướt bên trong. Thực khách có thể ăn bánh đập trực tiếp mà không cần dùng đũa.
Ngoài quá trình chế biến đòi hỏi khéo léo, một yếu tố khác góp phần làm nên nét tinh hoa, góp phần quyết định hương vị cho món ăn chính là nước chấm. Bánh đập muốn ngon thì nước chấm phải hấp dẫn.
Nước chấm là yếu tố quan trọng làm nên hương vị đặc trưng cho món ăn (Ảnh: @vietnamese_food). |
Thực khách có thể thưởng thức bánh đập với mắm nêm sền sệt hoặc nước mắm pha chua ngọt. Mỗi loại nước chấm lại có hương vị riêng để người ăn lựa chọn phù hợp với khẩu vị của mình.
Bánh ngon nhất khi ăn nóng. Độ giòn tan của bánh đa kết hợp độ dẻo mịn của bánh ướt với phần nhân mỡ hành đậm đà khiến thực khách ăn một lần nhớ mãi (Ảnh: @kawai.food). |
Bánh đập ngon nhất là khi ăn nóng. Khi ấy, thực khách mới cảm nhận được độ giòn tan của lớp bánh tráng bên ngoài và độ dẻo mịn của phần bánh ướt bên trong. Phần nhân đậm đà, béo ngậy hòa quyện với hai lớp bánh khiến món ăn trở nên đặc biệt, giúp du khách cảm nhận tròn vị bánh đập bằng nhiều giác quan.
Bánh đập là thức quà dân dã, có thể thưởng thức vào bất kỳ thời điểm nào trong ngày (Ảnh: @le_hien1001). |
Ghé thăm miền Trung, du khách có thể dễ dàng tìm kiếm và thưởng thức bánh đập tại nhiều quán ven đường, trên gánh hàng rong hay trong các khu chợ huyện ở Nha Trang, Quảng Ngãi hay Hội An,...
Mỗi suất bánh đập khá rẻ, khoảng 10.000 - 15.000 đồng tùy theo số lượng và loại nhân ăn kèm. Trong khi ăn, du khách còn được chiêm ngưỡng quá trình làm bánh khéo léo của người đầu bếp cũng rất thú vị.
Tác giả: Thảo Trinh
Nguồn tin: Báo Dân trí