GS Tạ Quang Bửu (1910-1986) là người đặt nền móng cho lĩnh vực khoa học kỹ thuật và công nghệ quân sự Việt Nam, nguyên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng và Bộ Đại học - Trung học chuyên nghiệp.
Chia sẻ với VietNamNet, Thiếu tướng Tạ Quang Chính, nguyên Cục trưởng Cục Chính trị, Tổng cục Công nghiệp Quốc phòng, con trai của GS Tạ Quang Bửu cho hay, từ ngày tham gia cách mạng đến lúc xuôi tay, Bác Hồ luôn là tấm gương cho cha ông học tập, noi theo một cách tự giác, tự nguyện và cả tự hào, rất nghiêm túc, không một chút cầu lợi cho cá nhân.
Ông Tạ Quang Chính giới thiệu phòng làm việc tại nhà của cố GS Tạ Quang Bửu |
Thiếu tướng Tạ Quang Chính kể, sau Cách mạng tháng Tám 1945, ông Tạ Quang Bửu từ Huế ra Hà Nội và được Bác giao làm Thanh nghị trưởng Bộ Ngoại giao, trực tiếp làm thư ký, giúp việc cho Bác.
Mười ngày sau khi Bác Hồ mất, GS Tạ Quang Bửu đã viết cuốn sổ tang Bác của riêng ông. Những dòng ở trang đầu tiên ông viết: “Tôi là một nhà toán học hụt. Nhờ Bác và Đảng tôi đã có giúp ích ít nhiều cho Đảng và Nhà nước. Nếu không có tư tưởng cá nhân, tôi còn có thể giúp nhiều hơn nữa”.
Về tác phong, ông Bửu thấy Bác ở đâu, làm gì cũng không để lại dấu vết vật chất, chỉ để lại tình luyến tiếc, kính phục. Người cho mình trọ cũng không nỡ và không biết gì để báo với địch.
Bác làm việc rất khoa học, không thiếu, nhưng cũng không thừa. Trên bàn làm việc chỉ có cái máy chữ, còn chai mực và quản bút thì để trong ngăn kéo. Trong sổ chỉ thấy các con số, người ngoài không hiểu gì, nhưng Bác thì không quên ý nghĩa của chúng.
Bác sinh hoạt rất sạch sẽ, vì như Bác nói, không để vết tích, vì ý thức công cộng, vì nghèo mà mỗi người sạch một tý thì đời sống sẽ dễ chịu.
Trang phục của Bác là mặc áo nâu, quần nâu lụa vì mỏng và nhẹ. 2 sợi dây để buộc quần lên khi vượt qua suốt ở Việt Bắc. Mỗi túi một kim băng để bảo vệ tài liệu. Về Hà Nội thì 2 bộ Tôn Trung Sơn cũ để tiếp khách, còn ngày thường thì maillot và quần nâu để lao động.
Một trong những trang viết trong sổ tang Bác Hồ của cố GS Tạ Quang Bửu. Ảnh: Gia đình cung cấp |
Trong đời thường, Bác đến nhà ai một lần thì nhớ. Nhớ tên, nhớ hoàn cảnh, nhất là các ông bà lớn tuổi và các cháu trẻ thơ.
Theo Thiếu tướng Tạ Quang Chính, cha ông rất khâm phục tri thức của Bác. Bác biết rất rộng và sâu cổ văn Trung Quốc, các tôn giáo, kinh thánh cũng như chủ nghĩa Mác-Lênin. Bác rất nhớ truyền thuyết của các dân tộc, những vấn đề lớn của khoa học tự nhiên đang đặt ra.
“Năm 1948, khi cha tôi viết quyển Nguyên tử, hạt nhân và vũ trụ tuyến, Bác có đặt câu hỏi: “Sao chú gọi là bom nguyên tử? Đúng ra là bom hạt nhân”, ông Chính kể.
Có hai điều về hình thức mà Bác không bỏ qua được GS Tạ Quang Bửu viết trong sổ tang: “Đang họp hội nghị, Bác vào mà không đứng dậy, không phải vì cá nhân Bác mà vì cương vị của Bác. Viết thư cho Bác mà chữ viết cẩu thả”.
Bác lấy ví dụ là hai ông T. và N., viết xong tự đọc lại không được thì ai đọc được. Bác cho 2 người mỗi người 1 quyển vở, chỉ thị phải tập viết trong 2 quyển đó và lâu lâu Bác sẽ kiểm tra.
Một số thành viên Hội đồng Chính phủ kháng chiến 1947 (ông Tạ Quang Bửu ở hàng đứng, thứ 2 từ phải sang). Ảnh: Gia đình cung cấp |
Ông Chính nói: “Với cách phê bình hoặc "mắng” của Bác, cha tôi không bao giờ tự ái bởi sự chân tình và rất có ích cho những người cầu tiến”.
Trong sổ tang Bác, GS Tạ Quang Bửu hồi tưởng lại thời khắc Bác ra đi, ông đã viết: “Nhớ Bác nhất những lúc Bác phê bình mình. Phấn khởi và yêu Bác nhất cũng là những lúc đó”.
Thực hiện Di chúc, phải làm “ra ngô ra khoai”
Thiếu tướng Tạ Quang Chính chia sẻ, có lần Bộ trưởng Tạ Quang Bửu bị Bác "chê dốt", nhưng đằng sau câu chuyện đó là những thông điệp sâu sắc.
Đó là khi Bác yêu cầu ông Tạ Quang Bửu dịch bản Tuyên ngôn độc lập sang tiếng Anh. Sau khi chỉnh sửa bản dịch, Bác bảo ông Bửu phát bản dịch tiếng Anh đó lên đài phát thanh, thì Bộ trưởng băn khoăn, đài phát thanh của ta chỉ phát xa được vài chục cây số, làm sao kẻ địch nghe được.
Nghe vậy, Bác cười: "Chú dốt thế, tai vách mạch rừng, chú cứ phát đi". Quả nhiên, chỉ một vài giờ sau khi bản Tuyên ngôn được phát đi, "kẻ địch" điên cuồng tức tối nhưng đành bất lực trước thế trận mới của nước Việt Nam mới.
GS Tạ Quang Bửu cùng Thủ tướng Phạm Văn Đồng thăm Viện Toán học (1986). Ảnh: Báo Giáo dục và Thời đại |
Theo Thiếu tướng Tạ Quang Chính, cách dùng người của Bác Hồ rất tài tình. Bác chỉ nhìn người làm việc đấy có được hay không. Như với ông Tạ Quang Bửu, thời gian tiếp xúc với Bác Hồ không nhiều nhưng ông được Đảng và Bác tin tưởng, giao những việc rất quan trọng.
Ông Chính cho hay, GS Tạ Quang Bửu đã nghiên cứu rất sâu Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Trong một quyển sổ ghi bước sang giai đoạn mới, GS Tạ Quang Bửu đã suy nghĩ và tự kiểm điểm là bây giờ mình phải làm cái gì “ra ngô ra khoai”, làm quản lý mãi rồi, giờ phải làm gì để để lại cái mang tính vật chất như khả năng khoa học của mình.
Chính vì vậy, sau khi nghỉ hưu, ông đã huy động các nhà khoa học đến nhiều nơi, một trong những mục tiêu là vấn đề môi trường. Ông cũng quy hoạch vùng trồng rau cho Quân khu 1, cho huyện Hoành Bồ (Quảng Ninh)…
“Cụ lấy gương cụ học Bác Hồ như thế nào để muốn các con nhìn vào noi theo”, Thiếu tướng Tạ Quang Chính nói.
Tác giả: Hương Quỳnh
Nguồn tin: Báo VietNamNet