Cúng Rằm tháng 7 nên cúng trong nhà hay ngoài trời?
Với nhiều người, việc cúng Rằm tháng 7 là rất quan trọng, bởi đây không chỉ là tháng có lễ Vu lan báo hiếu, mà còn là dịp để Xá tội vong nhân. Thế nhưng, khi thực hiện nghi thức cúng rằm mỗi nơi thực hiện một khác, nên nhiều người không biết làm sao cho chuẩn nhất.
Theo đó, một số nơi cho rằng, cúng Rằm tháng 7 cũng như những ngày rằm khác, cốt ở lòng thành, chỉ cần hương hoa, trà quả là đủ, không cần cầu kỳ. Nhưng đại đa số lại thực hiện nghi lễ cúng Rằm tháng 7 rất trọng thị với đầy đủ lễ chay, lễ mặn dâng lên tiên tổ. Thế nhưng, quá trình thực hiện nhiều nhà lại gộp chung vào một lễ, tức chỉ cúng trong ban thờ gia tiên, điều này liệu có hợp lý trong dịp Rằm tháng 7?
Đại đức Thích Trí Thịnh – Trụ trì chùa Kim Sơn Lạc Hồng, Phó ban Trị sự GHPGVN tỉnh Hòa Bình cho rằng, hiện có không ít người quá coi trọng cúng trong dịp tháng 7, điều này là đúng nhưng chưa đủ. Theo Đại đức Thích Trí Thịnh, việc thờ cúng tổ tiên, hướng về cội nguồn là việc làm thường xuyên, tất cả các ngày trong năm, chứ không chỉ Rằm tháng 7 hay chỉ dịp giỗ, Tết. Vì thế, mọi người cần bày tỏ lòng thành kính, hiếu nghĩa với cả người đã khuất, hoặc đang còn sống ở mọi lúc, mọi nơi chứ không đợi dịp mới thể hiện.
Cúng Rằm tháng 7 nên chuẩn bị cúng cả trong nhà và ngoài trời, lễ vật trong nhà để cúng thần linh, gia tiên. Ảnh minh họa. |
Đối với việc Rằm tháng 7 nên cúng trong nhà hay ngoài trời, Đại đức Thích Trí Thịnh chia sẻ, tùy mỗi nơi sẽ có sự khác nhau, như tại miền Bắc thường cúng Rằm tháng 7 sẽ có mâm cơm canh dâng lên ban thờ để cúng gia tiên, đồng thời sẽ có một mâm cúng ngoài trời để cúng chúng sinh.
“Chúng sinh ở đây hay còn gọi là các cô hồn, họ là những người đã mất, không nơi thờ cúng, không nơi nương tựa, trong dịp Xá tội vong nhân, họ về dương gian để hưởng lễ vật mọi người cúng. Tuy nhiên, do không có nơi thờ tự nên họ không vào được trong nhà, mà phải cúng ngoài trời để họ nhận được lễ vật. Thực chất, việc này cũng giống như ở trên trần, mọi người hay phát tâm từ thiện vào dịp nào đó cho người khó khăn, người lang thang, không nơi nương tựa vậy”, Đại đức Trí Thịnh chia sẻ.
Cúng cô hồn cần lưu ý điều gì?
Phong thủy sư Tam Nguyên chia sẻ thêm, cúng cô hồn là nghi thức cúng cho những vong hồn không ai thờ cúng như bị chết đói khát, bom đạn, chết nơi đất khách quê người… và nơi cúng cô hồn phải được đặt ở ngoài sân, ngoài đường chứ không cúng trong nhà hay đặt ở bậu cửa, chính giữa cửa ra vào và nên dùng lễ vật chay để cúng.
Cúng cô hồn nên cúng đồ chay và phải thực hiện ngoài sân hoặc ngoài đường. Ảnh minh họa. |
Theo phong thủy sư Tam Nguyên, khi cúng cô hồn nên chuẩn bị những lễ vật sau:
- Tiền vàng từ 15 lễ trở lên, quần áo chúng sinh từ 20 đến 50 bộ.
- Tiền chúng sinh (tiền trinh), hoa, quả 5 loại 5 màu (ngũ sắc).
- Bỏng ngô, khoai lang luộc, ngô luộc, sắn luộc.
- Kẹo bánh, tiền mặt (tiền thật, các loại mệnh giá).
- Nếu cúng thêm cháo thì thêm mâm gạo muối (5 bát, 5 đôi đũa hoặc thìa).
- Vị trí đặt lễ: Lễ cúng chúng sinh nên cúng ngoài trời, hoặc trước cửa chính ngôi nhà.
Ngoài ra cần chuẩn bị thêm ít lươn, cua, cá... để làm lễ phóng sinh. Bởi theo quan niệm, làm lễ phóng sinh cũng như tích phước, giải phóng cho những con vật đó khỏi khổ ải.
Tác giả: LÊ PHƯƠNG
Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn