Cuộc sống

Cúng ông Công ông Táo đừng làm việc này kẻo phạm đại kỵ bất kính

Lễ cúng tiễn Táo quân là một trong những nghi thức quan trọng nhất trong năm của người Việt. Bên cạnh việc lau dọn bàn thờ và không gian thờ cúng, chuẩn bị lễ cúng, đồ cúng… các gia đình cũng nên cẩn thận, nhớ tránh xa những đại kỵ sau.

Hằng năm, cứ đến ngày 23 tháng Chạp, người dân Việt Nam lại chuẩn bị mâm cơm cúng tiễn ông Công ông Táo về trời. Đây là một nét văn hóa đặc sắc, một phong tục đẹp của dân tộc Việt Nam đã được lưu truyền và gìn giữ từ bao đời nay.

Theo tín ngưỡng dân gian, ông Công ông Táo là các vị thần bếp Táo quân trông nom cuộc sống của toàn bộ gia đình. Cứ đến ngày 23 tháng Chạp, Táo quân lại cưỡi cá chép bay về trời để trình báo mọi việc xảy ra trong gia đình với Ngọc Hoàng.

Tuy nhiên, không phải gia đình nào cũng nắm được chính xác các quy trình, phong tục cúng lễ truyền thống. Để có một cái Tết Táo quân thật đẹp và ý nghĩa, cần chú ý những điều đại kỵ nên tránh làm ảnh hưởng đến tài lộc và đặc biệt cần nâng cao ý thức về bảo vệ môi trường, thiên nhiên sau lễ này.

Đặt mâm lễ sai vị trí

Nhiều người không biết nên đặt mâm lễ cúng ông Công ông Táo ở đâu, trên bàn thờ hay ở dưới bếp. Sở dĩ có sự phân vân này là do ông Táo cai quản việc bếp núc trong nhà nên người dân theo đó luận ra rằng cúng ông Táo dưới bếp.

Tuy nhiên, việc thờ cúng được coi là việc linh thiêng, không được thực hiện tùy tiện.

Nếu gia chủ có bàn thờ Táo quân thì có thể đặt mâm lễ cúng ở đây. Ngoài ra, vẫn cần làm một mâm lễ khác ở bàn thờ chính bởi theo quan niệm dân gian ông Công chính là thần Thổ công, cai quản đất đai trong nhà.

Đồ cúng không được chu đáo

Về cỗ cúng ông Công, ông Táo thì tùy thuộc vào điều kiện, gia chủ có thể lễ chay hay mặn đều được. Lễ chay gồm có giấy vàng, giấy bạc, tờ tiền, cau trầu, nước và hoa quả. Lễ mặn gồm giò chả, chân giò, xôi và các món ăn cổ truyền khác. Tuy nhiên, có một số loại thịt người ta kiêng không đem cúng, như các món làm từ vịt, chim, ngỗng, trâu, bò, dê, chó,...

Cúng lễ sau 12h trưa ngày 23 tháng Chạp

Lễ cúng ông Táo thường được tiến hành trước khi ông Táo bay về trời báo cáo Ngọc hoàng, tức là trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp. Theo quan niệm xưa thì gia chủ phải cúng báo cáo trước để Táo quân còn tổng hợp rồi lên trời báo cáo, nếu để đến giờ đi rồi mới cúng sẽ không còn ý nghĩa gì nữa.

Đặt bàn thờ ông Táo quá xa bếp nấu, nằm trên bồn rửa

Nhiều quan niệm cho rằng ngũ hành Táo quân thuộc “Hỏa”, Thủy khắc Hỏa, cho nên bàn thờ ông Táo không được đặt trên bồn rửa, không nằm quá xa khu vực bếp nấu. Tốt nhất, hướng của bàn thờ ông Táo nên trùng với hướng của bếp (hoặc song song).


Ném cá chép từ trên cao xuống

Như đã nói ở trên, cá chép cúng lễ trong dịp này là để dâng cho thần linh làm phương tiện về trời. Cá chép ở đây phần nào cũng mang tính chất tâm linh, chính vì thế khi thả cá phóng sinh càng không được tùy tiện. Cẩn thận kẻo thả cá phóng sinh không đúng cách là tạo thêm nghiệp.

Khi thả cá, nên chọn nơi nước sạch, là môi trường tốt mà cá có thể tiếp tục sinh tồn, chớ nên chọn nơi ao tù nước đọng, sông hồ ô nhiễm hay nơi mà nhìn thấy rõ những kẻ xấu bụng đang chực chờ vớt cá.

Khi thả cá nên chọn nơi gần mặt nước nhất, nhẹ nhàng thả cá xuống cho cá không bị choáng, ngất. Tuyệt đối không thả cá từ trên cao, ném từ trên cầu, đường xuống nước, cá dễ bị chết, càng không được thả nguyên bao nilon đựng cá xuống nước gây ô nhiễm môi trường. Hành động không thành tâm, không kính ngưỡng thì khó lòng được thần linh chứng giám.

Đốt vàng mã quá nhiều

Theo quan niệm dân gian, các Táo ở đây là: 2 Táo ông và 1 Táo bà, vì thế gia chủ cần chú ý chuẩn bị đủ 3 bộ mũ áo vàng mã cho 3 vị. Đồ vàng mã sẽ được hóa cho các vị thần linh sau khi lễ cúng hoàn thành. Vì vậy, không nên đốt quá nhiều vàng mã. Thông thường người dân sẽ chuẩn bị 3 con cá chép thật hoặc 3 con cá chép giấy để làm “ngựa” tiễn Táo về trời.

Cầu khấn sai ý nghĩa

Trong lễ cúng ông Công ông Táo, gia chủ chỉ nên xin các táo Táo thương tình giơ cao đánh khẽ, báo cáo các việc tốt đẹp, xin Ngọc Hoàng phù hộ cho năm mới bình an.

Ý nghĩa thực sự của lễ cúng ông Công ông Táo là tiễn các vị thần lên thiên đình báo cáo tình hình của gia đình trong suốt 1 năm qua. Cầu xin tài lộc, công danh, tình duyên trong khi làm lễ cúng này là không phù hợp.

Dưới đây là cách chuẩn bị nghi lễ một cách đầy đủ nhất

Lễ vật gồm có:

- Một chiếc lọng màu đỏ có diềm vàng để che nắng che mưa.

- Một chiếc bàn đủ lớn để đặt mâm lễ, mặt bàn được trải tấm vải đỏ sang trọng ngay ngắn.

- Một miếng vải đỏ dài trải dưới đất như miếng thảm đỏ để đưa tiễn Thần Táo Quân.

- Một mâm lễ gồm gà trống trắng, xôi đỏ. Ba chén rượu ba màu đỏ, trắng, vàng. Ba chén trà ba loại mùi vị khác nhau. Màu đỏ mang lại vận khí tốt. Màu trắng mang lại tài lộc. Màu vàng mang lại sự bình an.

- Ngoài ra mâm lễ mặn có thể thêm các món ăn khác tuỳ theo điều kiện từng gia đình.

- Một mâm hoa quả "ngũ quả" đầy đặn đẹp mắt, trên mâm quả có cài 9 bông hoa đồng tiền màu đỏ.

- Ba bộ quần áo, mũ, giày cho ba vị thần. Gồm: Màu đỏ cho thần Thổ Công Táo Quân. Màu vàng cho Thổ Thần Thổ Địa. Màu trắng, cho thần Thổ Kỳ.

- Vàng thuyền, vàng thỏi, vàng lá cho ba vị mỗi vị 99 thuyền, 99 thỏi, 99 lá.

- Cá chép 3 con, nếu mua được ba con ba màu, đỏ, vàng, trắng là tốt nhất.

- 9 cây cây nến đỏ.

Sau khi đã chuẩn bị đầy đủ lễ nghi cần thiết thì người lớn nhất trong nhà tắm rửa sạch sẽ, súc miệng bằng rượu, trước khi làm thủ tục.

- Thắp 9 nén nhang.

- Quỳ xuống lễ 9 lễ.

Lễ cúng thường diễn ra trước 12h trưa ngày 23 tháng Chạp.

* Lưu ý: không đốt tiền âm phủ vì họ là thần tiên, họ không phải là vong hồn nên nếu đốt tiền âm phủ họ sẽ không nhận.

* Thông tin mang tính chất tham khảo, chiêm nghiệm.

Tác giả: Thanh Huyền (tổng hợp)

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP