|
Cuộc sống mưu sinh nơi đất khách
Cuộc gặp gỡ tình cờ vào một đêm trời Hà Nội trở gió, ông Tài chỉ khoác trên người một chiếc áo gió mỏng đang ngồi cặm cụi tìm trong đống rác vài đồ phế liệu người ta bỏ đi.
Chiếc xe đạp cọc cạch dựng bên cạnh chất một tập bìa các-tông và vài túi vải để ông đựng vỏ chai nhựa hay ít đồ linh tinh có thể bán sắt vụn được.
"Tôi làm nghề này được 7 năm rồi. Ngày nào tôi cũng đi từ trưa đến 2, 3 giờ sáng mới nghỉ" - Vừa nói, khuôn mặt khắc khổ với đôi mắt trũng sâu của ông vừa cau lại khi ông gồng mình vặn mấy chiếc ốc-vít bằng sắt trên cái ghế văn phòng vứt trong đống rác.
Chìa thành quả vừa lấy được ra trước mặt, ông Tài thở dài: "Ngày trước cái này là 7 ngàn đồng một cân, giờ thì chỉ còn 3 ngàn rưỡi thôi. Thế nên ngày nào tôi cũng phải cố đi để kiếm một ít. Giờ còn khỏe phải cố gắng mà làm, chắt chiu vài đồng để khi già yếu còn lo chuyện về sau".
Rồi đôi bàn tay gầy nhăn nheo của ông lại tiếp tục công việc đang dang dở.
Ai cũng có cuộc sống riêng
Vợ mất, con cái vào miền Nam lập nghiệp, ông Tài cũng rời bỏ mảnh đất Nam Định để lên Hà Nội mưu sinh với cả gia tài lúc đó là chiếc xe đạp cũ đã hoen gỉ. Ông bảo ở quê đi lao động không đủ ăn. Có hôm ông vừa làm vừa đói đến run rẩy chân tay.
Chiếc xe đạp là bạn đồng hành của ông Tài đã 7 năm. |
Khi được hỏi về con cái, ông chỉ cười khẽ và lắc đầu: "Tôi không phiền đến chúng nó. Chúng nó cũng không dư dả gì, lại còn phải lo cho vợ con".
Suốt 7 năm qua ông không nhận một đồng chu cấp từ con, các con ông cũng không hề biết ông bỏ quê lên Hà Nội vì?: "Mỗi người đều có cuộc sống riêng. Miễn sao nó chăm lo tốt cho vợ con nó là được".
Chỉ khi nào ông mượn được ai đó chiếc điện thoại để lắp chiếc thẻ sim điện thoại mà con ông đưa thì ông mới liên lạc được với các con, 2 đến 3 tháng một lần.
Ông không muốn trở thành gánh nặng của con cái khi bản thân vẫn còn sức lao động. |
Tình người giữa lòng Hà Nội
Một thân một mình nơi đất khách quê người, lại mang đôi bàn chân tật nguyền khiến ông không thể lao động như những người bình thường khác.
Đôi chân tật nguyền của người đàn ông nhặt phế liệu |
Đôi dép tự chế đặc biệt của ông để tiện cho việc đi lại hằng ngày. |
Khó khăn vất vả là thế nhưng ông tâm sự với giọng vui vẻ: "Cuộc sống của tôi được như ngày hôm nay cũng là nhờ có mọi người xung quanh và xã hội giúp đỡ đấy!".
Ông kể chuyện ông chủ xóm trọ thương tình đã giảm tiền phòng cho ông rẻ hơn những người khác. Bữa cơm hàng ngày ông cũng được người dân xung quanh giúp đỡ, người thì cho gạo, người thì cho ruốc, rồi muối vừng, vài quả trứng...
|
Bữa cơm đạm bạc "ai cho gì ăn nấy" của ông Tài. |
Ông còn khoe: "Có đêm, thấy tôi trên đường mấy anh thanh niên lao động còn cho tôi hẳn một suất cơm. Cũng có hôm gặp các bạn sinh viên thì các bạn ấy nhường tôi cả cái bánh mì với hộp sữa".
Đến thăm căn phòng trọ chật hẹp của ông, ông hồ hởi mời tôi ăn trưa cùng dù bữa cơm chỉ có đĩa cá rán mới được người ta cho từ hôm qua với cơm trắng.
"Ở trên Hà Nội này người ta tốt lắm! Cả mấy anh cảnh sát giao thông ở trên đường tôi hay đi qua (đường Láng) quen mặt tôi rồi, thi thoảng các anh cũng hỏi thăm rồi giúp đỡ nhiều lắm" - Uống cốc nước xong ông cười khà khà.
Căn phòng trọ lụp xụp chứa đầy những vật dụng mà người ta để lại cho ông. |
Chiếc giường với hai mảnh chiếu không lành lặn là nơi duy nhất ông trở về ngả lưng. |
Gặp ông Phạm Văn Sáu (53 tuổi, lao động tự do) là hàng xóm cùng khu trọ với ông Tài, tôi nghe ông Sáu nói:
"Xóm trọ thì toàn là người lao động nghèo nên sống đùm bọc, thương yêu nhau thôi. Chúng tôi cũng không có điều kiện để giúp đỡ ông ấy về vật chất được gì nhiều, chỉ có lúc ông ấy ốm đau thì mua hộ viên thuốc. Nghèo, khổ mà giàu tình cảm còn hơn cô ạ!".
Khi dắt xe ra khỏi cổng xóm trọ nghèo, dưới cơn mưa lất phất, tôi thấy ông Tài với tay lấy chiếc áo mưa cũ để chuẩn bị cho buổi đi nhặt phế liệu chiều nay.
Loáng thoáng tiếng ông Sáu nói với ông tài điều gì đó, tôi đoán là ông ấy nhắc ông Tài mặc thêm áo, vì Hà Nội những ngày này gió mùa về thêm lạnh hơn.
Tác giả: Quỳnh Mai
Nguồn tin: Báo Trí Thức Trẻ