Đây là phát biểu mới đây của Lê Công Vinh trên cương vị quyền Chủ tịch CLB bóng đá TP.HCM, được nhiều tờ báo điện tử dẫn lại. “Mọi người thường nói cầu thủ Việt Nam nhận lương 50 triệu đồng thì không hẳn đúng, chỉ một số ít được mức đãi ngộ như thế. Phần nhiều các cầu thủ mới lên đội một chỉ 3 đến 5 triệu đồng, cao nhất là 10 triệu đồng”-Công Vinh nói thêm.
Cựu tiền đạo đội tuyển Việt Nam đồng thời cho biết, nếu so sánh với cầu thủ Việt Nam, các đồng nghiệp trong khu vực Đông Nam Á có mức lương cao hơn rất nhiều. Ví dụ Công Vinh nêu ra là Malaysia, mức lương cầu thủ dao động từ 2.000 USD-10.000 USD/tháng, cá biệt có người tới 30.000 USD/tháng.
Công Vinh nói không sai, nhưng chưa đầy đủ.
Trên thực tế số lượng cầu thủ Việt Nam nhận mức lương trên dưới 50 triệu đồng/tháng không nhiều. Số này đều thuộc diện “sao số”, có vai vế ở đội bóng. Thời còn thi đấu, Công Vinh cũng là một trong những cầu thủ nhận mức lương cực cao ở các CLB đầu quân, từ Hà Nội T&T tới CLB Hà Nội hay B.Bình Dương. Bên cạnh đấy, anh cũng nhận được khoản “lót tay” cực lớn mỗi lần ký hợp đồng mới. Một trong những lý do Công Vinh chia tay Sông Lam Nghệ An để đầu quân cho B.Bình Dương cách đây ít năm cũng bởi đội bóng xứ Nghệ không đáp ứng được yêu cầu về tiền “lót tay” cũng như lương, các khoản “mềm” khác cho mình.
Phần đông cầu thủ ở V.League nhận mức lương thấp hơn nhiều con số 50 triệu đồng/tháng nói trên. Tuy nhiên nói đi cũng phải nói lại, nếu nhiều cầu thủ chưa nhận được đãi ngộ tương xứng với công sức bỏ ra, thì một bộ phận nhiều hơn khác có lẽ đang nhận sự đãi ngộ quá với những gì mình đóng góp. Hãy lấy luôn đội bóng quê hương của Công Vinh, Sông Lam Nghệ An làm ví dụ. Lương của các cầu thủ thuộc tốp đầu ở đội bóng này không thấp hơn 15-20 triệu đồng/tháng. Đấy là chưa kể, mỗi trận thắng Sông Lam Nghệ An đều được thưởng thêm. Tuy nhiên, thành tích của đội bóng xứ Nghệ các năm gần đây thì thực sự gây thất vọng.
Mùa giải năm nay, qua 11 trận Sông Lam Nghệ An mới kiếm được 13 điểm, đứng thứ 11 trên bảng xếp hạng. Chuyên môn sa sút, đội bóng xứ Nghệ còn khiến CĐV nhà buồn lòng vì những trận đấu bị đặt vấn đề. Sân Vinh nổi tiếng là “chảo lửa” trong quá khứ giờ trở nên vắng hoe. Trong khi đó năm nào UBND tỉnh cũng phải trích vài chục tỉ đồng ngân sách để nuôi đội bóng.
Công Vinh cũng đúng khi cho rằng đời cầu thủ ngắn, chỉ 10 đến 20 năm. Tuy nhiên trong từng đấy thời gian, thu nhập của các cầu thủ đá bóng có thể khiến người lao động bình thường, dù làm việc cả đời vẫn phải thèm muốn. Chỉ đáng tiếc là nhiều cầu thủ, tiền kiếm quá dễ nên chi tiêu cũng phung phí. Mới đây, trung vệ Như Thành gây sốc khi tiết lộ có lúc chỉ sau một đêm đã cho “bay” cả tỉ đồng. Hạng sao cỡ Như Thành “chơi” như vậy, cầu thủ kém hơn chút cũng không vừa. Một lần chuyển CLB, số tiền “lót tay” một cầu thủ nhận được, rẻ thì dăm trăm triệu, nhiều hàng tỉ đồng, thực sự là niềm mơ ước của nhiều người.
Đương nhiên, cầu thủ đá bóng có quyền cho rằng, mình cống hiến thì phải được nhận thù lao xứng đáng. Nhưng nhìn vào hiện trạng bóng đá Việt Nam hiện nay, thật khó ai dám bảo các CLB, cầu thủ đang làm tốt công việc của mình. V.League ngày càng vắng khán giả, niềm vui của giới mộ điệu ngày một giảm. Rất ít CLB ở V.League có thể tự sống được bằng bóng đá, gần hết đều phải dựa vào ngân sách địa phương. Nếu “thẳng băng” ra, CLB hiện nay được coi như một doanh nghiệp độc lập, thì HLV, cầu thủ và cả quan chức đội bóng chỉ xứng đáng được nhận thu nhập từ những gì mình kiếm được. Theo tiêu chuẩn này, ắt thu nhập của những người làm bóng đá ở Việt Nam, gồm các cầu thủ, còn có thể giảm hơn.
Bảo Công Vinh nói đúng, nhưng mới chỉ một nửa sự thực là vì vậy!
Tác giả bài viết: Tiểu Phùng
Nguồn tin: