Thể thao

Công Phượng: Đừng như tiếng vọng từ trần thế

Gần 4 năm từ ngày ra mắt đội U19, trải qua 4 đời HLV khác nhau ở đội tuyển nhưng Công Phượng dường như không thay đổi.

Công Phượng luôn là tâm điểm chú ý của truyền thông và người hâm mộ, bất kể anh thi đấu như thế nào. Ảnh: Lâm Thỏa.

Buổi họp báo trước và sau trận đấu với Afghanistan vừa qua, tân HLV Park Hang-seo luôn phải đối mặt với các câu hỏi liên quan đến Công Phượng. Nhưng tất cả những gì người hâm mộ nhìn thấy là Công Phượng... vẫn vậy, dù Park đã là HLV thứ tư của anh ở đội tuyển Việt Nam. Trước nhà cầm quân người Hàn Quốc, các tiền nhiệm Toshiya Miura, Nguyễn Hữu Thắng và HLV tạm quyền Mai Đức Chung đều có chung một vấn đề: trong các cuộc họp báo luôn có câu hỏi về cá nhân Công Phượng.

Đã có lúc, Miura hỏi ngược lại phóng viên rằng tại sao cứ phải đặt câu hỏi về Công Phượng trong khi đội bóng có đến 23 con người, tại sao ông gạt một cầu thủ khác thì không ai để ý, còn với Công Phượng thì bị chất vấn tới nơi tới chốn? Vậy rốt cục, chàng trai được xem là "cầu thủ quốc dân" này đã làm được những gì trong ngần ấy năm trên đội tuyển? Câu trả lời: dường như chưa có gì nổi bật. Và nếu như Phượng không thể đặt dấu ấn cụ thể dưới thời các HLV khác nhau, vấn đề là do các ông thầy đều dở hay do chính Công Phượng có vấn đề?

Năm nay, Công Phượng 22 tuổi. Vẫn còn trẻ, nhưng đã ăn cơm đội tuyển nhiều năm. Anh đã tham dự SEA Games và là trụ cột của HAGL thi đấu tại V-League. Cùng tuổi anh, Công Vinh và Văn Quyến đã giành Quả Bóng Vàng. Vinh đưa Việt Nam vào tứ kết Asian Cup, Quyến đưa U23 Việt Nam vào chung kết SEA Games. Cũng ở tuổi Phượng, Phạm Thành Lương đã góp mặt trong hành trình vô địch AFF Cup 2008.

Nếu không muốn nhìn về quá khứ, vậy hãy nói về hiện tại. Năm 2014, U19 Tottenham đến tham gia giải Tứ Hùng cùng U19 Việt Nam. Trong đội hình Tottenham ngày ấy có Harry Winks. Cuộc so tài trực tiếp giữa Winks và Công Phượng kết thúc với tỷ số 3-2 sít sao dành cho đội bóng nước Anh. Ba tháng sau, Winks lần đầu tiên có tên trong danh sách đăng ký của Tottenham ở một trận đấu thuộc Ngoại hạng Anh. Ba năm sau ngày ấy, Winks - trẻ hơn Công Phượng một tuổi - đã là trụ cột ở tuyến giữa của Tottenham, đã cùng đội nhà đánh bại Real Madrid ở Champions League, đã là một tuyển thủ quốc gia đầy hứa hẹn và đang góp sức biến "Gà trống" thành ứng viên vô địch ở giải đấu khắc nghiệt nhất hành tinh.

Winks (phải) thi đấu chững chạc trong trận thắng 3-1 của Tottenham trước Real ở vòng bảng Champions League vừa qua.

Cũng ở Gia Lai, cách đây gần 20 năm, từng có một ngôi sao trẻ được truyền thông săn đuổi và người hâm mộ hy vọng là tương lai của bóng đá nước nhà. Đó là Trần Thế Vọng.

Năm 1998, Vọng cùng đội Gia Lai dự giải Nhi đồng toàn quốc và làm nổ tung cầu trường. Họ gọi anh là Michael Owen, cầu thủ thần đồng của nước Anh lúc ấy đang nổi như cồn sau pha ghi bàn tuyệt đẹp vào lưới Argentina ở World Cup.

Cũng như Owen, Vọng có đôi chân của thần gió và gương mặt lém lỉnh. Khi Vọng dốc bóng, có cảm giác như các khán đài đều nín lặng để rồi pha bóng ấy luôn kết thúc trong những tiếng hò reo. Lần đầu tiên, một giải đấu nhi đồng mà công chúng háo hức theo dõi không thua gì các trận đấu của đội tuyển quốc gia. Và cũng là lần đầu tiên, khi giải kết thúc người ta chỉ nhớ... đội về nhì mà quên nhà vô địch. Vì đội về nhì ấy là Gia Lai của Thế Vọng. Sau giải đấu, báo đài đổ xô lên phố núi truy tìm tung tích của thần đồng. Công chúng thèm khát biết tin về cậu, truyền thông khoác cho cậu cái mác thần đồng, là "tương lai của bóng đá Việt Nam".

Thế Vọng (trái) lúc sinh thời. Ảnh: PLO.

Nhưng rồi, tất cả mau chóng ngỡ ngàng nhận ra: Thế Vọng chỉ là nhân thân giả của một chàng trai mang tên Nguyễn Minh Thành. Vì muốn Minh Thành thi đấu để mang về thành tích cho Gia Lai, người ta đã phù phép biến cậu thành một người khác. Để rồi khi cậu chơi quá xuất sắc và trở thành tâm điểm của sự chú ý, cũng chính những người lớn ấy loại câu ra khỏi đội vì sợ sự thật bị phát hiện.

Thế Vọng sau đó nghỉ học, phải đi làm phụ xe, trở thành một kẻ nghiện rượu và thuốc lá. Nhờ một nhóm phóng viên tận tụy, Vọng được HAGL nhận vào đội trẻ ở Hàm Rồng. Nhưng người ta còn chưa kịp nhìn thấy sự trở lại của Thế Vọng thì cậu đã vĩnh viễn ra đi vào chiều ngày 26/11/2005 vì tai nạn giao thông. Trên bia mộ của cậu là tên thật Nguyễn Minh Thành, với ngoặc đơn ghi tên "Thế Vọng".

Thế Vọng là một cái tên thật đẹp, nhưng lại mang một số phận thật buồn. Chàng trai ấy vĩnh viễn ra đi ở tuổi 20, nhưng tiếng vọng anh để lại từ giải đấu năm nào vẫn còn, như để nhắc nhở rằng những người lớn có thể giết chết một đứa trẻ như thế nào. Trần Thế Vọng vì thế cũng giống như tiếng vọng trần thế vậy!

Còn Công Phượng? Anh vẫn... vậy, vẫn là chàng cầu thủ ham rê dắt bóng năm nào. Anh vẫn tạo ra những cảm xúc bùng nổ với quả bóng trong chân, nếu đối thủ cho anh khoảng trống để làm việc ấy. Nhưng thường chỉ ở những giải giao hữu. Còn khi gặp những đội bóng mạnh, như Malaysia hay Thái Lan ở SEA Games vừa rồi, anh mất tích. Bởi vì Phượng, sau ngần ấy năm, chưa tập được thói quen ngẩng đầu lên khi thi đấu. Anh vẫn xem rê bóng là giải pháp tối ưu, trong khi với những cầu thủ hiện đại, đó là phương án sau cùng. Cựu danh thủ của Thể Công Vũ Mạnh Hải khi được hỏi về màn trình diễn của Công Phượng trong trận đấu với Afghanistan mới đây đã dùng bốn chữ để miêu tả là "húc đầu vào tường".

Công Phượng nổi lên trong màu áo U19 Việt Nam đã gần 4 năm. Ảnh: Đức Đồng.

Áp lực từ sự kỳ vọng khiến Phượng không bao giờ được đối xử như một cầu thủ bình thường. Điều tai hại hơn, anh ngày càng trở thành mục tiêu của những câu chuyện hoàn toàn không liên quan gì đến bóng đá. Mới đây, người ta thấy Phượng rưng rưng khi được hỏi về cô bạn gái cũ Hòa Minzy, dù họ đã chia tay nhau từ vài năm trước. Phóng viên cứ xoáy anh vào ma trận của showbiz, trong khi anh chỉ muốn nói về bóng đá.

Nhưng Phượng làm sao có được đặc quyền "chỉ nói về bóng đá". Bởi vì ngay từ đầu, anh đã là một sản phẩm của công nghệ lăng xê. Nói cho đúng, anh thực ra cũng chỉ là nạn nhân của một chiến dịch PR quy mô lớn, nơi mà người ta đã biến khả năng chơi bóng cá nhân của anh thành một nét đẹp... cứu rỗi.

Ở tuổi đôi mươi, Phượng đã xuất hiện với tần suất dày đặc trên truyền hình, ở những đoạn quảng cáo. Anh là nguồn cảm hứng của một bộ truyện tranh về bóng đá và bị kéo vào một cuộc tranh luận về gian lận tuổi. Công Phượng trở thành từ khóa của những bài báo, mặt anh xuất hiện ở trang bìa các báo thể thao nhiều hơn bất kỳ ai. Nhưng, khả năng của anh chưa bao giờ được nhìn nhận một cách đúng mực.

Phượng và Vọng, hai con người, hai số phận. Nhưng họ đều là nạn nhân của những người lớn, trong cuộc vật lộn để được sống với bản ngã của chính mình.

Tác giả: Hoài Thương

Nguồn tin: Báo VnExpress

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP