Kinh tế

Coca-Cola Việt Nam và khoản thuế 821 tỷ đồng dây dưa

Coca-Cola kinh doanh ở Việt Nam khoảng 20 năm, nhưng tự công bố chưa bao giờ có lãi. Khi bị cơ quan thuế thanh tra, yêu cầu nộp hơn 800 tỷ đồng, doanh nghiệp này bày tỏ sự bất phục mặc dù chấp nhận nộp và đòi khiếu nại tiếp.

Một gian hàng nước giải khát Coca-Cola bày bán trong siêu thị ở Việt Nam. Ảnh: Như Ý

Thái độ của “ông lớn”

Cuối năm 2020, Tổng cục Thuế ra quyết định từ chối giải quyết khiếu nại của Cty TNHH Nước giải khát Coca-Cola Việt Nam (Coca-Cola Việt Nam) về kết quả thanh tra của tổng cục này từ tháng 3/2017 - 12/2019.

Ngày 19/2/2021, xác nhận với PV Tiền Phong, đại diện truyền thông của Coca-Cola Việt Nam cho biết, công ty này không đồng thuận với quyết định của Tổng cục Thuế về các vấn đề đang tranh chấp. “Quan điểm của chúng tôi đã được thể hiện rõ ràng, được chứng minh bằng các văn bản giải trình và tài liệu nộp cho Tổng cục Thuế trong suốt quá trình thanh tra cũng như khiếu nại”, vị này nói.

Theo Tổng cục Thuế, một số dấu hiệu chuyển giá thường gặp có thể kể đến như sau: Lỗ liên tục trong thời gian dài; phát sinh chi phí dịch vụ nội bộ tập đoàn lớn nhưng không chứng minh được dịch vụ thực tế phát sinh; định giá cao máy móc, thiết bị, nguyên vật liệu và giá bán thấp khi xuất khẩu sản phẩm; trả lãi vay với lãi suất cao...

Theo Coca-Cola Việt Nam, doanh nghiệp (DN) đang nỗ lực phục hồi trước những tác động của đại dịch COVID-19. Do đó, bên cạnh số tiền thuế gốc hơn 471 tỷ đồng bị truy thu đã nộp cuối năm 2019, đến cuối năm 2020, DN này tạm nộp số tiền thuế đang gây tranh cãi trong thời gian chờ kết quả khiếu nại. Theo đó, tổng số tiền thuế đã nộp hơn 821 tỷ đồng. Tuy nhiên, đại diện Coca-Cola Việt Nam cho biết, DN vẫn giữ quan điểm rằng công ty hoạt động tuân thủ theo pháp luật.

“Coca-Cola Việt Nam không có lựa chọn nào khác ngoài việc theo đuổi mọi khả năng khiếu nại theo quy định hiện hành. Công ty sẽ tiếp tục phối hợp với các cơ quan chính phủ để giải quyết những vấn đề này phù hợp với cam kết của công ty về hoạt động kinh doanh tại Việt Nam, trên tinh thần minh bạch và tôn trọng pháp luật Việt Nam”, đại diện truyền thông Coca-Cola nói.

Cách đây 1 năm, Tiền Phong cũng đã gửi loạt câu hỏi liên quan việc nộp thuế với đại diện truyền thông Coca-Cola Việt Nam, nhưng đổi lại là những lần khất và cuối cùng rơi vào im lặng.

Sẵn sàng ra tòa

Trao đổi với PV Tiền Phong, ông Phạm Ngọc Lai, Vụ trưởng Kiểm tra Nội bộ (Tổng cục Thuế) cho biết, sau hơn 1 năm xem xét khiếu nại, cuối năm 2020, tổng cục đã ban hành quyết định giải quyết khiếu nại lần đầu với đối với Coca-Cola Việt Nam.

“Họ không đồng ý với hầu hết các quyết định của Tổng cục Thuế. Hiện chúng tôi đã giải quyết xong khiếu nại lần 1. Nếu họ không đồng thuận có thể khiếu nại lần 2 và cấp giải quyết sẽ thuộc Bộ Tài chính. Cuối cùng, nếu vẫn không chấp nhận, họ có thể khởi kiện ra tòa án”, ông Lai nói.

Trước đó, vào tháng 1/2020, sau khi nộp hết nghĩa vụ thuế cho Nhà nước, Coca-Cola Việt Nam đã nộp đơn khiếu nại lên Tổng cục Thuế với 10 nội dung, chủ yếu liên quan đến việc cơ quan thuế không chấp nhận cho công ty này đưa vào chi phí được trừ với các khoản mà trước đây Coca-Cola Việt Nam đã kê khai (trong đó có sản phẩm, vật phẩm khuyến mại; tủ lạnh cung cấp cho các tổ chức, cá nhân sử dụng; tài sản cố định như vỏ chai, két nhựa, tiền đặt cọc vỏ chai; một số chi phí mà công ty chưa cung cấp được tài liệu chứng từ...).

Theo Tổng cục Thuế, từ năm 2007 đến 2015, Coca-Cola Việt Nam đã dùng các sản phẩm (do công ty sản xuất và vật phẩm mua ngoài) để thực hiện các chương trình khuyến mãi. Công ty này có xuất hóa đơn thể hiện giá trị, số lượng các hàng hóa do Coca-Cola Việt Nam sản xuất, nhưng không xuất hóa đơn cho khách hàng với các chương trình khuyến mãi bằng các vật phẩm mua ngoài (chỉ có phiếu xuất kho).

Trong khi những vật phẩm và những sản phẩm do công ty mua ngoài được đặt tại các điểm bán hàng của nhà phân phối (dù, ghế...) và dùng để khuyến mãi được Coca-Cola Việt Nam hạch toán vào chi phí lên đến...744 tỷ đồng.

Theo Tổng cục Thuế, DN này thực hiện rất nhiều chương trình khuyến mãi trong suốt những năm 2007 - 2015 và đây chính là một trong những nguyên nhân gây thua lỗ kéo dài. Tuy nhiên, dù triển khai rất nhiều chương trình khuyến mãi nhưng Coca-Cola Việt Nam lại có rất ít thông báo khuyến mãi gửi đến sở công thương các tỉnh, thành nơi thực hiện khuyến mãi. Cụ thể, công ty chỉ có 8 thông báo gửi 7 sở công thương các tỉnh, thành phố. Không có văn bản xác nhận của các sở công thương với các thông báo khuyến mãi. Do đó không đủ căn cứ để đối chiếu, rà soát, xác định chi phí khuyến mãi hợp lý, hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp.

Từ đó, cơ quan thuế đã loại các chi phí khuyến mãi mà Coca-Cola Việt Nam không thông báo với sở công thương hoặc thông báo không hợp lệ.

Đáng chú ý, theo kết luận của Tổng cục Thuế, trong giai đoạn 2007 - 2015, Coca-Cola Việt Nam mua nhiều tủ lạnh để đặt tại các điểm bán hàng, công ty này thỏa thuận cho các điểm bán “mượn” tủ lạnh để bán hàng.

Coca-Cola Việt Nam cũng tính chi phí phát sinh (khấu hao, hủy) từ giá trị tủ lạnh cho mượn vào chi phí được trừ khi xác định thuế thu nhập doanh nghiệp qua các năm hơn 213 tỷ đồng và kê khai thuế VAT đầu vào được khấu trừ hơn 73 tỷ đồng.

Tổng cục Thuế cho rằng, Coca-Cola Việt Nam cung cấp tủ lạnh cho tổ chức, cá nhân (là khách hàng của nhà phân phối chứ không phải khách hàng của Coca-Cola) nên không được tính khoản nêu trên vào chi phí được trừ khi xác định thu nhập chịu thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN) các năm 2007-2015.

Theo luật sư Trương Anh Tú (Chủ tịch Công ty Luật TAT Law Firm), cần tăng cường kiểm toán, thanh tra, kiểm tra đối với nhóm FDI có dấu hiệu chuyển giá, đồng thời nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật của DN. Tuy nhiên, để việc thanh tra giá chuyển nhượng hiệu quả, minh bạch và quyết liệt hơn; ngành Thuế cần kiểm tra chuyên sâu hồ sơ khai thuế tại trụ sở cơ quan thuế, làm việc với người nộp thuế qua các phương tiện điện tử, điện thoại, hạn chế tiếp xúc trực tiếp dễ nảy sinh tiêu cực, nhũng nhiễu.

Coca-Cola vào Việt Nam tháng 2/1994, mặc dù doanh thu hằng năm tăng trưởng bình quân 24% nhưng đến năm 2011, báo cáo tài chính của DN ghi nhận mức lỗ lũy kế tới 3.768 tỷ đồng, vượt cả số vốn đầu tư ban đầu. Điều này đồng nghĩa, DN không phải nộp thuế thu nhập doanh nghiệp.

Từ năm 2013 công ty bắt đầu kê khai lãi. Tuy nhiên, do DN được chuyển lỗ trong vòng 5 năm nên dù có lãi trong hai năm 2013 - 2014 nhưng đến thời điểm đó Coca-Cola Việt Nam vẫn chưa phải nộp thuế TNDN.

Theo đại diện Cục Thuế TPHCM, Công ty Coca-Cola Việt Nam bị Cục Thuế thành phố xếp vào vị trí số 1 trong danh sách DN nghi vấn có dấu hiệu chuyển giá do liên tục kê khai lỗ trong nhiều năm.

Tác giả: Nhóm PV Kinh tế

Nguồn tin: Báo Tiền phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP