Du lịch

"Cò" tiền lẻ ngang nhiên hoành hành tại đền ông Hoàng Mười

Ngân hàng Nhà nước đã ban hành nghị định về việc xử phạt hành vi đổi tiền lẻ nhưng nhiều chủ kinh doanh vẫn thực hiện đổi cho khách để ăn tiền chênh. Việc này diễn ra công khai tại đền ông Hoàng Mười, tỉnh Hà Tĩnh.

Những ngày đầu năm mới, rất đông du khách thập phương đã tới đền ông Hoàng Mười (hay còn gọi là đền Chợ Củi) ở xã Xuân Hồng, huyện Nghi Xuân, tỉnh Hà Tĩnh để dâng hương. Mọi người khi đến đây thường dâng các lễ vật để cầu tài cầu lộc, cầu mong bình yên, cầu mong cho con em được đỗ đạt khoa cử, thành tài để làm rạng danh tổ tông…

Lợi dụng nhu cầu đổi tiền lẻ của du khách khi đến dâng hương, một số quán trước cổng đền đã tổ chức việc đổi tiền lẻ “ăn chênh”. Việc làm này không những trái pháp luật, còn gây mất trật tự an ninh, tạo nên hình ảnh xấu tại đền Hoàng Mười.

Rất đông du khách đến đền ông Hoàng Mười để cầu lộc.

Không khó để có thể thấy những cọc tiền mệnh giá 1.000 đồng, 2.000 đồng, 5.000 đồng,… được trưng bày tràn lan. Khi vừa thấy chúng tôi bước vào, một chủ sạp đon đả mời chào mua đồ cúng lễ. Ngoài ra, người này còn nhiệt tình giới thiệu về việc đổi tiền mới để vào đền.

Theo đó, nếu du khách muốn đổi 100.000 đồng tiền chẵn thì sẽ nhận được 80.000 đồng, còn đổi 50.000 đồng thì được 40.000 đồng tiền lẻ,… Giải thích về sự chênh lệch này, người chủ cho hay: “Ở đây ai cũng đổi như vậy cả, tiền đổi mới tinh liền seri luôn. Như vậy thì lộc mới được nhiều. Các cô chú muốn đổi bao nhiêu?”.

Tình trạng đổi tiền lẻ vẫn ngang nhiên hoạt động.

Từ chối khéo để sang hàng khác, chúng tôi cũng bắt gặp tình trạng tương tự. Không những các đồng tiền mệnh giá nhỏ, thậm chí muốn đổi tiền polyme ở các mệnh giá lớn hơn cũng có.

Qua ghi nhận của Người Đưa Tin, có hơn chục sạp hàng ở trước cổng trưng bày tiền lẻ đổi ăn chênh lệch. Theo các chủ cửa hàng, chỉ cần du khách có nhu cầu thì bao nhiêu tiền họ cũng có thể đổi. “Có cung thì có cầu thôi, anh chị muốn đổi tiền như thế nào thì đưa cho tôi đổi cho”, một chủ cửa hàng nói.

Những cọc tiền được để công khai.

Điều đáng nói, khi hỏi một số người du khách đến dâng hương thì phần lớn mọi người đều cho hay, không biết việc đổi tiền lẻ bị Nhà nước cấm. Anh Nguyễn Bảng, trú tỉnh Thanh Hóa cho biết, anh nghe nhiều người truyền tụng rằng ngôi đền này rất linh thiêng nên đầu năm muốn đến du xuân.

“Tôi đến đền nhưng không có tiền lẻ, nên đã đi đổi 550.000 đồng lấy 500.000 đồng. Khi đến hỏi chủ tiệm thì họ chỉ nói là tiền này tiền của Nhà nước nguyên bản mới đổi ra không phải tiền giả”, anh Bảng nói.

Anh Bảng thừa nhận không biết quy định cấm nào về việc đổi tiền lẻ. Chỉ vì muốn công đức cho những người tàn tật khó khăn nên anh Bảng chấp nhận đổi tiền. Mặc dù vậy, anh Bảng cũng cho biết hơi khó chịu khi mức chênh lệch quá lớn (10 "ăn" 8) của các chủ sạp trước cổng.

Tuy dịch vụ đổi tiền lẻ tại đền ông Hoàng Mười diễn ra một cách công khai nhưng tại thời điểm chúng tôi có mặt, tuyệt nhiên không thấy lực lượng chức năng kiểm tra, xử lý.

Việc đổi tiền hưởng chênh lệch ngay tại cổng đền.

Ông Nguyễn Long Thiên, Trưởng ban quản lý đền ông Hoàng Mười (đền Chợ Củi) thừa nhận mặc dù đã kiểm tra thường xuyên nhưng nạn đổi tiền lẻ vẫn còn. “Trung bình, mỗi ngày có khoảng 2.000 lượt khách về đền cầu lộc đầu năm. Trong đó, rất nhiều người có nhu cầu đổi tiền lẻ, đây là nguyên nhân khiến dịch vụ này vẫn còn tồn tại”, ông Thiên nói.

Theo vị Trưởng ban quản lý, dù đã đặt nhiều thùng công đức dọc các khu thờ song việc nhét tiền lẻ lên tượng, bàn thờ không hề giảm. “Họ đổi tiền lẻ sau đó nhét vào các khe tượng, ban thờ, cạnh bát hương hay trên mâm cúng... gây phản cảm. Chúng tôi sẽ tích cực nhắc nhở để giảm tình trạng này”, ông Thiên nói.

Đền ông Hoàng Mười được xây dựng từ cuối triều Lê sơ với kiến trúc gồm có 3 tòa: hạ điện, chính điện và thượng điện, với các cung thờ tam tòa Thánh Mẫu (mẫu tam phủ), Ngũ vị Tôn ông, cung Hoàng Mười, cung Chầu Mười, cung Trần Triều (thờ Đức Thánh Trần).

Đền nằm bên dòng sông Lam có phong cảnh rất hữu tình và được truyền tụng rất linh thiêng về ban phát lộc tài sự nghiệp, an bình thu hút hàng nghìn du khách thập phương. Đền ông Hoàng Mười được Bộ Văn hóa - Thể thao và Du lịch xếp hạng là di tích lịch sử văn hóa cấp quốc gia từ năm 1993.

Tác giả: Kiều Oanh – Ngân Mai

Nguồn tin: Báo Người đưa tin

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP