Giáo dục

Có nên đưa “chảnh”, “nổ” vào từ vựng tiếng Việt?

Giới trẻ với đặc trưng cố hữu là năng động, nhanh nhạy, ham thích cái mới cũng đang góp phần làm phong phú thêm tiếng Việt qua cách sử dụng từ ngữ một cách sáng tạo, linh hoạt trong những ngữ cảnh cụ thể.

Thời gian gần đây, trên các diễn đàn truyền thông và các hội thảo khoa học có nhiều ý kiến cho rằng tiếng Việt ngày càng mất chuẩn, sai chuẩn, đang bị “vẩn đục” và kêu gọi mọi người tìm cách, hiến kế để “cứu” tiếng Việt.
Giới trẻ đang góp phần làm phong phú thêm tiếng Việt (Ảnh Lê Huyền)

Nhiều nhà chuyên môn cũng lên tiếng cảnh báo hiện tượng dùng từ tiếng Việt tùy tiện, làm méo mó, lệch chuẩn tiếng Việt với những từ ngữ như: máu, sung, vãi, lộ hàng, tự sướng...

Thậm chí có nhà chuyên môn còn cho rằng tiếng Việt đang trong tình trạng “đáng báo động về việc giữ gìn sự trong sáng của tiếng Việt”, và quy kết một trong những nguyên nhân là do “giới trẻ”, “ngôn ngữ tuổi teen”...

Hàng loạt từ mới đã xuất hiện

Quả nhiên, hiện nay tình trạng sử dụng tiếng Việt một cách tùy tiện - đặc biệt là trong một bộ phận giới trẻ - là không thể chối cãi, phủ nhận.

Tuy nhiên, theo tôi, giới trẻ với đặc trưng cố hữu là năng động, nhanh nhạy, ham thích cái mới cũng đang góp phần làm phong phú thêm tiếng Việt qua cách sử dụng từ ngữ một cách sáng tạo, linh hoạt trong những ngữ cảnh cụ thể.

Và sẽ thật là bất công nếu chúng ta cứ khăng khăng phiến diện, khe khắt nhìn nhận giới trẻ chỉ ở góc độ là “thủ phạm” làm “vẩn đục” tiếng mẹ đẻ, mà không hề nhìn thấy những đóng góp của họ trong việc đang từng ngày làm giàu đẹp thêm tiếng Việt.

Nhiều từ ngữ được giới trẻ dùng với nét nghĩa mới hết sức thú vị, độc đáo, nên chăng cần phải ghi nhận, xem xét bổ sung vào từ vựng tiếng Việt?

Một số từ ngữ tuy mới xuất hiện trong thời gian ngắn, nhưng tần số sử dụng tăng vọt đến kinh ngạc, không chỉ hạn hẹp trong phạm vi giới trẻ, mà lan tỏa đến mọi giới trong xã hội, hầu như không mấy ai là không hiểu theo nét nghĩa chuyển mới định hình ấy.

Chẳng hạn như từ “teens” khi gia nhập vào vốn từ tiếng Việt thì đều được hiểu nghĩa rộng hơn, chỉ chung cho cả giới trẻ chứ không hạn định như nghĩa nguyên gốc trong tiếng Anh là tuổi thanh thiếu niên, tuổi thanh xuân (từ 13 - 19) tuổi.

“Nổ”, “bệnh nổ” với nghĩa là nói khoác, khoe khoang dối trá, ba xạo, khoe mẽ, thậm xưng về những cái mình không có.

Hay từ “chảnh” - tự phụ, kênh kiệu, kiêu căng, cho mình là hơn người, coi thường người khác. Đi kèm theo từ “chảnh” còn có “chảnh chó” (nghĩa phê phán, tiêu cực), “sang chảnh” (nghĩa khen ngợi, tích cực).

Ngoài ra còn nhiều từ ngữ khác được dùng với nghĩa mới, có liên quan hoặc hoàn toàn thoát ly với nghĩa gốc của từ/ yếu tố tạo từ như: “sống ảo” - khoe khoang (đồ vật, nhan sắc, cuộc sống...) thái quá trên mạng internet, trong khi thực tế hoàn toàn không phải như vậy, thậm chí còn ngược lại.

“Sửu nhi” (trẻ trâu) là một từ Hán – Việt, chỉ người có tính cách trẻ con, thiếu chín chắn, thích thể hiện ra vẻ người lớn, hành động thái quá, đôi khi là lố bịch… trước một hoàn cảnh, sự vật – hiện tượng nào đó.

“Bá đạo” là một từ Hán – Việt mang ý nghĩa: không có đối thủ, không ai sánh bằng (bá chủ một vùng).

“Ném đá” là hành động gay gắt, kịch liệt phản đối một người, một vấn đề hay một hành động nào đó với thái độ bất bình, bức xúc cao độ, hoặc chỉ sự đả kích tập thể vào một đối tượng cụ thể, có những hành động làm trái ý, chướng mắt (thông thường là ở trên mạng) bằng cách nói móc mỉa, miệt thị, chửi bới.

“Chém gió” chỉ cách nói chuyện huyên thuyên, phét lác, nói không có cơ sở, mục đích mua vui cho mọi người hoặc nhằm cường điệu một sự việc nào đó (Có ý kiến cho rằng xuất phát từ hình ảnh người nói thường kèm hành động tay vung lên, chém xuống theo nhịp điệu lời nói, như là chém trong không khí.).

Từ “tám” hay tổ hợp “bà tám” để chỉ việc tán gẫu kéo dài, chỉ người nhiều chuyện, lắm lời.

“Gấu” (người yêu), “diễn/ diễn sâu” (đóng kịch một cách giả tạo, làm ra vẻ tựa như người thật, việc thật), “của chùa” (đồ vật, của cải không phải của mình, nên dùng tự nhiên, thoải mái, không biết tiếc, không có trách nhiệm), “chặt chém/ chặt đẹp/ chém đẹp” (bán giá quá đắt, bán với giá cắt cổ), “bèo” (giá cả quá rẻ, quá thấp, ví như bèo, hàm ý coi thường), “cháy chợ” (chợ hết sạch loại hàng nào đó, không còn để bán ra trong khi còn nhiều người muốn mua)…

Ảnh Đinh Quang Tuấn

Nên công bằng với giới trẻ

Những từ ngữ với cách hiểu sáng tạo, cách chuyển nghĩa phong phú dựa vào nhiều biện pháp tu từ như ẩn dụ, hoán dụ, thậm xưng... mà giới trẻ đang sử dụng nêu trên, hiện có thể đang là từ tiếng lóng được sử dụng phổ biến chỉ trong phong cách ngôn ngữ sinh hoạt (khẩu ngữ).

Nhưng tôi tin chắc rằng - theo quy luật tiếp biến và đào thải tất yếu của mọi ngôn ngữ - qua quá trình sàng lọc của thời gian, chắc chắn sẽ có nhiều từ đang dần từng bước gia nhập một cách tự nhiên vào vốn từ của chúng ta, tham gia vào các phong cách chức năng ngôn ngữ khác (đặc biệt là phong cách ngôn ngữ nghệ thuật), góp phần phát triển từ vựng tiếng Việt.

Cho nên, để cho thỏa đáng, xã hội và giới chuyên môn bên cạnh việc phê phán, cảnh báo những từ ngữ/ cách dùng từ theo nghĩa chuyển có tính dung tục, phản cảm, làm méo mó tiếng Việt…, cũng nên nhìn nhận giới trẻ nước nhà ngày nay dưới góc độ là một trong những nhân tố đang ngày ngày góp phần làm đẹp giàu thêm tiếng Việt.

Họ đang trên hành trình tiếp cận với lời nhắn nhủ, kỳ vọng của Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam - trong một Hội thảo khoa học Quốc gia về tiếng Việt trong thời gian gần đây: “Giữ gìn sự trong sáng đi đôi với phát triển, làm mới tiếng Việt. Tuy nhiên, sự tiếp thu phải có chọn lọc và không đánh mất bản sắc”.

Tác giả bài viết: ThS. Đỗ Thành Dương (Trưởng bộ môn Ngôn ngữ, Trường Dự bị Đại học Dân tộc Trung ương Nha Trang)

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP