Giáo dục

Có nên bỏ thi giáo viên dạy giỏi?

Tại buổi tọa đàm về việc công nhận giáo viên dạy giỏi, chủ nhiệm lớp giỏi trong bối cảnh hiện nay do Bộ GD&ĐT và Trường ĐH Sư phạm Hà Nội tổ chức, nhiều ý kiến đồng tình về chủ trương xét thay vì thi giáo viên dạy giỏi như hiện nay. Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến vẫn còn thấy băn khoăn về chủ trương này, nhất là những tiêu chí mang tính định lượng.

Một buổi thi giáo viên dạy giỏi năm 2018 tại quận Tây Hồ, Hà Nội Ảnh: Nghiêm Huê

Ông Trần Đức Cường, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đông Hưng, Thái Bình nhận xét, ưu điểm của hình thức thi hiện nay, đặc biệt ở cấp huyện cấp tỉnh, là đánh giá được tương đối toàn diện năng lực của giáo viên, so sánh được giáo viên ở đơn vị này với đơn vị khác. Tuy nhiên, vì thi nên có nhược điểm là dễ dẫn đến việc ôn luyện - đào tạo “gà nòi”.
Thứ hai, bài thi không thể lột tả hết quá trình, năng lực, hiệu quả công tác của giáo viên. Thứ ba, vì áp lực liên quan đến thi đua các cấp, nên cấp phòng áp lực cho trường, cấp trường áp lực lên giáo viên để thi đua với trường khác. Áp lực do chính các cấp quản lý đang đè nặng lên đội ngũ giáo viên.

Bà Nguyễn Thị My, Phó Hiệu trưởng trường Archimedes (Hà Nội) cho rằng, ở trường mình vẫn ưu tiên xét giáo viên giỏi theo đánh giá quá trình. Theo bà My, hiện nay chúng ta đang đánh giá học sinh theo quá trình thì giáo viên cũng phải được đánh giá theo quá trình.

Ông Nguyễn Văn Đầm, Trưởng phòng Giáo dục Trung học, sở GD&ĐT tỉnh Thái Bình cho rằng từ khi có thông tư 21 (Điều lệ Hội thi giáo viên dạy giỏi, năm 2010), đã tổ chức 3 hội thi giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh. Qua 3 hội thi, sở rút ra nhận xét: Thông tư yêu cầu khả năng và năng lực của giáo viên dạy giỏi không mâu thuẫn.

Nhưng mâu thuẫn lại xuất phát từ nội tại của Thông tư. 3 nội dung thi, Thông tư yêu cầu phải có sáng kiến kinh nghiệm, thi năng lực và thi thực hành. Tuy nhiên, sáng kiến kinh nghiệm của giáo viên chỉ cần áp dụng được trong nhà trường, tổ nhóm chứ áp dụng cho toàn tỉnh trong 4 năm như Thông tư quy định là rất khó.

Ngay cả đề tài tiến sỹ đưa ra áp dụng còn không thực hiện được, huống hồ giáo viên. Thêm nữa, trong nội hàm sáng kiến kinh nghiệm thể hiện rõ tên giáo viên, tên đơn vị, người chấm cũng không thể nào khách quan được. Trong 5 năm thực hiện, ông Đầm cho hay, bây giờ chỉ cần gõ Google cũng tìm ra rất nhiều nội dung, qua đó người ta có thể sao chép. Cho nên, sáng kiến kinh nghiệm dễ tạo nên áp lực, không thực tiễn, nhưng lại buộc phải có.

“Qua 3 kỳ hội giảng, chúng tôi thấy chất lượng giảng dạy sau mỗi lần nâng lên rất cao, thầy cô giáo hào hứng tham dự. Cuối cùng, khi xét kết quả, giáo viên lại bị áp lực, áp lực để được danh hiệu, áp lực của đơn vị giao nhiệm vụ, chứ không phải áp lực giữa trình độ giáo viên với lại yêu cầu đạt được” - ông Nguyễn Văn Đầm phân tích.

Cuộc thi đã bị biến tướng, lệch chuẩn

Tại buổi tọa đàm, GS. Nguyễn Văn Minh, Hiệu trưởng trường ĐH Sư phạm Hà Nội cho rằng, phong trào giáo viên giỏi, giáo viên chủ nhiệm giỏi tuy có nhiều thành tích, hiệu quả. Nhưng do cách thức tổ chức thực hiện còn bất cập, thậm chí có nơi chỉ đạt hình thức còn bản chất đã bị biến tướng, lệch khỏi chuẩn mực, nên tác dụng phần nào đã bị giảm sút. Bản chất của thi đua, danh hiệu là sự tự nỗ lực, vươn lên trong dạy học chứ không phải khoa trương thành tích.

Tuy nhiên, với các tiêu chí mà Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đưa ra để thực hiện xét giáo viên dạy giỏi, cần phải có điều chỉnh cho phù hợp hơn. Ông Trần Đức Cường, trưởng phòng Giáo dục huyện Đông Hưng, Thái Bình băn khoăn, tiêu chí “Được học sinh đồng nghiệp, cha mẹ học sinh tín nhiệm” sẽ phải lượng hóa ra sao, phải có phương thức để đánh giá tiêu chí này.

Với đồng nghiệp có thể thông qua dự giờ, bỏ phiếu, giới thiệu tín nhiệm. Với học sinh cũng vậy, nhưng tín nhiệm với các em là gì thì còn khó quá. Với phụ huynh thì có tổ chức để lấy tín nhiệm. “Các nội dung này nêu ra rất đúng, nhưng thực hiện nó thế nào thì tôi hơi băn khoăn” - ông Cường chia sẻ.

Bà Nguyễn Thị My, Phó hiệu trưởng trường Archimedes cũng băn khoăn về nội dung lấy ý kiến cha mẹ học sinh. Vì khi đã là các tiêu chí thì phải có minh chứng, chúng ta không thể xét trên định tính, bắt buộc phải có định lượng.

“Nếu định lượng mà công khai để phụ huynh có quyền đánh giá giáo viên, trong bối cảnh giá trị tôn sư trọng đạo của xã hội hiện nay đang bị suy giảm, phụ huynh được trao quyền ngày càng lớn thì giáo viên sẽ phải chịu sự soi xét quá nhiều” - bà My lo ngại. Một vấn đề nữa mà bà My băn khoăn, đó là tỷ lệ giáo viên giỏi cấp trường là 15% liệu có hợp lý và tại sao phải giới hạn ? Nếu mục tiêu của việc này là ghi nhận năng lực giáo viên, động viên thầy cô, thì không thể “ép” các trường vào một tỉ lệ 15%.

Bà Bùi Thị Thu Hằng, Trưởng phòng GD&ĐT huyện Đan Phượng (Hà Nội) cũng cho rằng, nổi cộm nhất trong vấn đề xét giáo viên chủ nhiệm giỏi, giáo viên dạy giỏi là các minh chứng, tiêu chí để xét danh hiệu này. Nếu chỉ thông qua một bộ hồ sơ và 30 phút báo cáo thì mới đánh giá được phần nào năng lực của giáo viên.

Chính vì vậy, ông Nguyễn Viết Hiển, Giám đốc Sở GD&ĐT Thái Bình đề xuất, nên chăng Cục Nhà giáo và Cán bộ Quản lý giáo dục cần tham mưu cho Bộ tổ chức hội thảo để nhìn nhận lại việc tổ chức thi giáo viên dạy giỏi, từ đó tìm ra mô hình mới, tránh áp lực không cần thiết lên đội ngũ giáo viên.

Tác giả: NGHIÊM HUÊ - VIỆT LINH

Nguồn tin: Báo Tiền Phong

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP