Eo biển xanh trong, rộn ràng bản hòa ca cuộc sống
Thoai thoải chiều dài 10km, bãi biển Ninh Chữ sở hữu bờ cát phẳng lì, uốn lượn hình cánh cung, nối liền hai làng chài yên bình nơi hai đầu bãi biển.
Bình minh là thời điểm êm ả nhất trong ngày, mặt nước không một gợn sóng, dịu dàng soi bóng chân người lữ khách. Như được ưu ái bởi tạo hóa, eo biển bình yên được chở che bởi những dãy núi già nên ít chịu thiên tai. Những tán dừa xanh và hàng dương lâu đời như rì rào đùa vui cùng sóng biển, tỏa bóng mát cho du khách xa gần.
|
Không chỉ thu hút với bãi cát dài và mịn, ngay cạnh bãi biển Ninh Chữ là những ngôi làng chài giản dị e ấp. Mỗi sáng tàu thuyền hối hả nơi cảng cá, đón đưa những thành quả lấp lánh sắc màu sau một đêm đánh bắt. Đến đây khi ngày mới lên, bạn có thể cùng ngư dân kéo lưới, quan sát bà con nhộn nhịp sắm mua các sản vật đậm đà hương vị biển cả: ghẹ xanh, cua Huỳnh Đế, tôm me, tôm hùm, mực tươi…
Đặc biệt nhất phải kể đến kỹ thuật kéo lưới “rùng y” chỉ xuất hiện tại một số vùng biển Ninh Thuận, trong đó có biển Ninh Chữ. Khi đó, ngư dân sẽ ra bãi tắm giăng những chiếc lưới cỡ lớn xuống biển rồi buộc dây ngang bụng, ngay ngắn xếp thành hàng như chuẩn bị kéo co. Bất kể già trẻ lớn bé, phụ nữ hay thanh niên trai tráng, thậm chí du khách gần xa đều có thể tham gia hỗ trợ. Từ khi mặt trời còn chưa hửng sáng, mọi người đã kiên nhẫn kéo lên từng phân lưới, đều đặn lui bước về sau, đến khi ban mai rực rỡ thì hoàn tất. Cá tôm, hải sản tươi rói vừa thu hoạch có khi vừa bán, vừa cho ngay trên bãi biển như một lời tri ân của người thợ câu.
Biển Ninh Chữ lý tưởng cho tất cả mọi người, bất kể độ tuổi và phong cách chu du. Những nhóm khách đi cùng bạn bè thường tìm đến các tour chèo thuyền trên biển, cắm trại qua đêm hay các hoạt động thể thao như chạy cano dưới nước, lướt ván, thả diều để điểm tô chút phiêu lưu cho chuyến hành trình.
Thời điểm hoàn hảo nhất để ghé biển Ninh Chữ là vào mùa khô, khoảng từ tháng 12 đến tháng 8 mỗi năm. Vào các kỳ liên quan làng biển, du khách còn được tham gia lễ hội đua thuyền của ngư dân được tổ chức ngay trên bãi biển, cùng các hoạt động đua thuyền rồng, lắc thúng, hè cù, (đá bóng trên nước)… mang đậm bản sắc văn hóa vùng duyên hải.
Nếu là một người thích kết hợp tham quan các công trình tín ngưỡng trên mỗi chuyến đi, bạn có thể đến thăm những ngôi chùa nổi tiếng như Trúc lâm Viên Ngộ, Trùng Sơn cổ tự với tượng Phật Bà Quan âm quay mặt ra đại dương xa, cầu bình an cho ngư dân miền biển.
Ngỡ ngàng đầm Nại
Lấy bãi biển Ninh Chữ làm cột mốc, du khách có thể đến thăm nhiều địa danh lân cận như quần thể Đá Chồng nổi bật. Vùng đất Ninh Thuận có nhiều thắng cảnh có tên riêng bắt đầu bằng từ “Cà” (Cà Ná, Cà Đú…) chính là để chỉ những ngọn núi như thế này - không quá cao và chen lẫn giữa những hòn non bộ lẫn màu xám trắng.
Tìm kiếm vẻ đẹp lặng lẽ nơi ruộng muối cò bay thẳng cánh? Bạn có thể xuôi về Phương Cựu, sau đó đi thuyền ngược lên Hòn Thiên, Hòn Tịnh đợi xem cảnh ngư dân thu lưới trở về sau một ngày lênh đênh sóng nước đầm Nại - khu đầm điển hình cho địa hình đầm phá nhiệt đới khô hạn ven biển.
|
Với diện tích tự nhiên 1.200 ha, đầm Nại là một trong 12 đầm phá quan trọng của Việt Nam, đóng vai trò điều hòa ngập lụt, cân bằng nguồn nước ngầm và làm sạch môi trường sinh thái. Nơi đây là “mái nhà chung” của hơn 320 loài thủy sản sinh sống, mang lại nguồn lợi kinh tế cho hàng ngàn cư dân các xã Khánh Hải, Tri Hải, Phương Hải, Hộ Hải, Tân Hải thuộc huyện Ninh Hải.
Về Đầm Nại, hãy chậm lại chuyện trò với người dân nơi này, để rồi chỉ sau đôi ba câu chào hỏi, bạn sẽ được nghe các bác, các cô thân tình kể chuyện phương pháp nuôi trồng thâm canh các loài thủy sản (tôm, ốc hương, ghẹ, hàu, rong sụn), cho đến cách chế biến những “thơm thảo” mà khu đầm mang lại…
Địa lợi, nhân hòa - hai yếu tố song hành hòa quyện, tạo nên một tổng thể hiền hòa, yên ả và là nguồn cảm hứng ra đời của nhiều tác phẩm nhiếp ảnh đắt giả.
Các tay săn ảnh lành nghề chỉ ra hai góc ảnh đẹp nhất để chụp ảnh đầm Nại: một là từ thôn Hòn Thiên (Hộ Hải) chụp về hướng bên kia đầm, và hai là chụp từ Tri Hải ngược về phía Hòn Thiên. Thật ra, chẳng phải là khung cảnh non nước hữu tình mà chính hình ảnh những người mẹ, người cha ngư dân giũ lưới, giăng câu trên những chiếc sòng đơn sơ mới là thứ níu ta ở lại đây lâu hơn, với tất cả cảm tình.
Tác giả: T.H
Nguồn tin: saostar.vn