Xã hội

Chuyện tình của nữ thợ may phố cổ 4 lần trả trầu cau dạm hỏi

Đôi mắt nhìn chồng trìu mến, bà Quyến kể về cuộc hôn nhân của mình. Bà lấý chồng từ năm 1958, khi mới 17 tuổi. Đến nay đã 60 năm trôi qua nhưng hai vợ chồng bà vẫn dành cho nhau những tình cảm vẹn nguyên như thuở ban đầu.

Trong những ngày đi tìm hiểu về nét đẹp con gái Hà thành xưa, chúng tôi gặp vợ chồng ông bà Lê Thành Vinh (SN 1936) và Lê Thị Quyến (SN 1941), chủ tiệm may áo dài gia truyền ở phố cổ.

Vợ chồng ông bà Lê Thành Vinh, Lê Thị Quyến. Ảnh: Nhật Linh

Theo lời bà Quyến, người Hà Nội có văn hóa mặc rất đặc trưng, đẹp nền nã, kín đáo. Xuyên suốt thế kỷ 20, bất kể ở thời kỳ nào người Hà Nội vẫn gìn giữ nét mặc đó, ngay cả thời kỳ chiến tranh khó khăn, thiếu thốn nhất.

Bà Quyến kể, gia đình bà là một trong những tiệm may áo dài đầu tiên ở phố cổ. Ngày nhỏ, bà sinh sống ở làng Trạch Xá, Ứng Hòa, Hà Nội. Năm bà lên 8 tuổi cha mẹ mới chuyển về ngõ Phất Lộc. Khi đó, tiệm may ở Hà Nội rất ít, chỉ đếm trên đầu ngón tay.

Bà Quyến đang đo áo dài cho người khách ở Hải Phòng. Ảnh: Nhật Linh

“Các cụ nhà tôi thường nói, con gái ‘thắt đáy lưng ong’ là người con gái đẹp, mà chiếc áo dài lại tôn lên được tấm lưng ong, khiến người mặc trở nên thướt tha, dịu dàng vô cùng”, bà Quyến nói.

Nói về nghề may áo dài gia truyền, bà Quyến cho biết, chiếc áo dài qua mỗi thời kỳ lại có một sự thay đổi về mẫu mã khác nhau. Việc may áo dài ở cửa hàng của bà từ 4 đời nay chủ yếu là được khâu thủ công bằng tay, rất hạn chế việc may bằng máy.

Để có một chiếc áo dài đẹp, đòi hỏi người thợ phải kỹ lưỡng từ việc lựa chọn kiểu dáng, màu sắc, chất liệu vải đến những họa tiết trang trí.

Tuy nhiên bà Quyến cho hay, quan trọng nhất vẫn là nắm bắt được thần thái của khách để cắt được bộ áo dài vừa vặn, phù hợp, che được khuyết điểm ở ngoại hình cho họ.

Mọi công đoạn may áo dài phải được chăm chút, tỉ mỉ. Khi đã đo xong, người thợ phải dùng tay cầm kim dọc sao cho không bị lệch hướng để khâu đường tà đều tăm tắp và đường chỉ nhỏ xíu. Gấu áo dài thường được may trên mắt cá khoảng 20cm và được mặc với quần trắng

Bà Quyến chia sẻ, trước năm 1950, phụ nữ trong các gia đình trí thức, tư sản bước ra đường là mặc áo dài dù đi chợ, đi chơi hay đi dạo phố.

Phụ nữ xưa dịu dàng trong tà áo dài. Ảnh: tư liệu

Tà áo dài khi đó hiện hữu trong mọi khoảnh khắc của cuộc sống thường nhật. Thậm chí ở những gia đình kinh doanh buôn bán ở Hàng Ngang, Hàng Đào… luôn có khách ra vào thì người phụ nữ trong gia đình đó khi ở nhà cũng mặc áo dài. Dịp lễ, Tết lại có những chiếc áo riêng, đẹp và sang trọng hơn.

“Lúc nhỏ, mỗi lần đi học về tôi đều phụ giúp cha mẹ may áo dài. Vì thế, đam mê và tình yêu với nghề cứ thế ngấm vào máu thịt. Cha tôi dạy con học nghề rất nghiêm khắc, ngồi may phải đúng tư thế. Nếu sai cụ nhắc nhở ngay.

Ngày đó, cha tôi là một thợ may giỏi, được nhiều gia đình giàu có ở Hà Nội và các tỉnh cho người giúp việc, mang xe đến rước về nhà cắt may", bà Quyến bồi hồi nhớ lại.

Người thợ may 77 tuổi còn cho biết, trước đây cha bà hay may áo cho rạp hát Kim Chung, được các nghệ sĩ rất quý mến, mỗi lần đến ngày giỗ tổ nghề, họ đều mang biếu gia đình bà món thịt bò nướng - món ăn được cho là xa xỉ thời bấy giờ.

Ông Lê Thành Vinh tiếp lời vợ, những năm 1970, tà áo dài ít xuất hiện trên đường phố, thay bằng các loại áo kép, áo cánh, mặc với quần đen ống rộng, quần lụa ống đứng…

“Thời kỳ này, 1 bộ áo dài có giá trị bằng cả tháng lương, trung bình khoảng 35 đồng. 35 đồng đó nuôi được cả nhà mấy miệng ăn nên dần dần áo dài chỉ còn được dùng trong các dịp trọng đại”, thợ may sinh năm 1936 kể tiếp.

Vẫn theo lời ông Vinh, cô dâu thường mặc áo dài trong ngày trọng đại, nhà nào có điều kiện mới may, ai khó khăn thì chỉ đi thuê.

"Khách đặt may áo dài cưới nhiều nhất là ở làng Triều Khúc, Thanh Trì, Hà Nội. Có lẽ, thời đó người dân ở đấy có kinh tế khá giả hơn. Mùa đông thì tôi may áo dài cưới bằng gấm, nhung đỏ, mùa hè thì may bằng vải lụa Hà Đông, tơ tằm.

Khách tìm đến cửa hàng tôi may rất đông, nếu cô dâu ưng ý, họ còn tặng cho thợ thêm chút tiền gọi là cảm ơn”, ông Lê Thành Vinh nói.

Chuyện tình của cô gái 4 lần trả trầu cau dạm hỏi

Đôi mắt nhìn chồng trìu mến, bà Quyến kể về cuộc hôn nhân của mình. Bà lấý chồng từ năm 1958, khi mới 17 tuổi. Đến nay đã 60 năm trôi qua nhưng hai vợ chồng bà vẫn dành cho nhau những tình cảm vẹn nguyên như thưở ban đầu.

Bà Quyến sinh ra trong gia đình làm nghề may nên sớm tháo vát, đảm đang, lại có nhan sắc vì vậy đến tuổi cập kê, bà được nhiều người để ý, mang trầu cau đến dạm hỏi.

Bà kể tiếp: “Ngày xưa nhiều nhà thấy cha mẹ tôi có con gái lớn nên đến đặt cơi trầu ở phòng khách, tôi không nhận lời thì mang trả lại. Trước khi về làm vợ ông nhà tôi bây giờ, tôi từng mang trầu cau trả cho 4 người vì thấy không phù hợp”.

Nhà ông Vinh vốn là hàng xóm của bà ở quê, cũng có truyền thống may mặc. Ông Vinh lại là người nổi tiếng cần cù, chịu khó nên khi cha mẹ chồng mang trầu đến hỏi bà Quyến đã đồng ý.

“Ngày cưới, tôi mặc chiếc áo dài màu tím do chính tay chồng tôi may, chất liệu bằng vải lụa Vạn Phúc, đội chiếc nón trắng, bẽn lẽn về nhà chồng. Đám cưới của tôi được cho là to thời bấy giờ, tổ chức 2 ngày, làm vài chục mâm cỗ. Tiệc ngọt được tổ chức ở hội trường, tiệc mặn tổ chức ở Trạch Xá” - bà Quyến nói.

Vợ chồng bà Quyến chia sẻ thêm, mấy chục năm bên nhau ông bà chưa từng xảy ra cãi vã, nặng lời. Bí quyết giữ gìn hạnh phúc của ông bà là luôn nhường nhịn, tôn trọng lẫn nhau.

“Mình nhịn một thì sẽ được mười. Ông nhà tôi là người hiền lành, ít nói nhưng rất chiều vợ con. Hiện, các con tôi lập gia đình cũng nhìn gương bố mẹ mà cư xử nên các con đều thành đạt, có cuộc sống hạnh phúc. Vợ chồng tôi vừa là bạn đời, là đồng nghiệp mà cũng là tri kỷ”, bà Quyến trải lòng.

Tác giả: Nhật Linh - Thanh Hải

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP