Trong tỉnh

Chuyện kể ở Truông Bồn

Về Truông Bồn là câu nói được nhắc đến nhiều trong những ngày này. 'Về' chứ không phải 'đến', vì Truông Bồn dường như đã trở thành quê chung.

Chuyện của Hà

6h sáng, Nguyễn Công Hà thức dậy, làm vệ sinh cá nhân, chọn mặc chiếc áo sơmi trắng tinh tươm và chiếc quần tây đã là thẳng thớm. Cậu bước chân ra khỏi nhà vào lúc 6h30’.

Hà đi bộ. Nơi cậu đến cách nhà chỉ vài trăm mét. Con đường buổi sáng rợp bóng cây và tiếng chim ríu rít. Một buổi sáng thật đẹp trời!

Năm nay Hà 23 tuổi. Chỉ vài ngày nữa, cậu thực hiện một trong ba việc quan trọng nhất trong cuộc đời người đàn ông: lấy vợ. Sáng nay, vợ chưa cưới bận đi làm xa, một mình Hà chọn ngày lành để đến dâng hương cho các cô, các chú. Mấy chục năm nay, việc làm này đã trở thành nếp quen mà nhiều người dân ở xã Mỹ Sơn, huyện Đô Lương thực hiện mỗi khi trong nhà có việc trọng đại.

Ngôi mộ chung nằm trang nghiêm trong quần thể Khu di tích lịch sử Truông Bồn. Không có vẻ lạnh lẽo như những mộ phần ở nghĩa trang truyền thống, ngôi mộ chung ấm áp, quanh năm vấn vít khói hương.

Hà kính cẩn đặt lên ngôi mộ một bó cúc trắng và thắp 3 nén hương, khấn cầu trước vong linh của các cô, các chú về sự kiện quan trọng của đời mình. Cậu gửi gắm ước nguyện bình an, hạnh phúc.

Tiểu đội thép

Bình an, hạnh phúc. 49 năm về trước, chính tại địa điểm nơi Hà đang đứng, có 13 con người trẻ tuổi có thể cũng đã nói về điều đó, khát khao về điều đó.

13 con người, 13 cái tên mà dường như mỗi một người dân ở mảnh đất này đều thuộc nằm lòng: Nguyễn Thị Văn, Nguyễn Thị Hoài, Phan Thị Dung, Nguyễn Thị Tâm, Hà Thị Đang, Hoàng Thị Nhung, Nguyễn Thị Phúc, Vũ Thị Hiên, Đàm Thị Bốn, Trần Thị Doãn, Đinh Thị Vinh, Trần Văn Hạp, Cao Ngọc Hòa.

13 con người đến từ nhiều miền quê khác nhau, trong đó có 9 người ở huyện Yên Thành, còn lại là con em quê Hưng Nguyên, Đô Lương, Diễn Châu, TP Vinh… Mỗi người một quê, một thói quen, một giọng nói… nhưng khi về Truông Bồn, tất cả đều có chung một tên gọi: chiến sỹ TNXP của “tiểu đội thép”, Đại đội 317 - N65 - Tổng đội TNXP chống Mỹ cứu nước.

Gọi là “tiểu đội thép”, vì những chàng trai, cô gái, trẻ nhất chỉ mới 17, lớn nhất cũng chỉ vừa 22 tuổi ấy rất gan dạ, kiên trung. Ngày hối hả san lấp hố bom, đêm làm “cọc tiêu sống” dẫn đường cho những đoàn xe nối đuôi nhau vào tiền tuyến. Sống giữa đạn bom, sống cạnh đạn bom, chưa một phút sợ hãi, ngơi tay.

Buổi sáng cuối cùng của tháng Mười năm 1968, trời trong veo, “tiểu đội thép” ríu rít gọi nhau ra trận địa. Trước ngày này, họ dự định tổ chức một bữa cơm thân mật - bữa cơm mà những người con trai, con gái ấy gọi đùa là để “tạm biệt cuốc xẻng” bởi ngày mai, 8 người trong số họ sẽ được trở về quê hương với những kế hoạch riêng cho cuộc đời mình.

Chị Trần Thị Doãn, chị Hà Thị Đang, chị Nguyễn Thị Phúc, chị Phan Thị Dung, chị Vũ Thị Hiên đã cầm trên tay giấy báo nhập học trung cấp; anh Cao Ngọc Hòa và chị Nguyễn Thị Tâm trở về quê làm đám cưới; chị Đàm Thị Bốn về chăm sóc người mẹ già ngày đêm trông ngóng…

Hành lý đã soạn xong, nhưng nghe tiếng kẻng trực ban gióng giả, họ vẫn tươi cười khoác vai đồng đội cùng ra thông đường lần cuối. Họ đã tiến lên vì tâm niệm “Còn ở lại đơn vị một giờ là còn chiến đấu”, vì “Tim có thể ngừng đập nhưng đường không thể tắc!”

Dốc Kỳ Lợn - nơi các chiến sỹ của “tiểu đội thép” quen thuộc suốt những năm tháng ấy không ngày nào ngơi tiếng đạn bom. Nhưng sáng hôm đó, trận bom của giặc Mỹ ập đến trái quy luật thường thấy. 6h10’, cơn mưa bom dữ dội ném xuống, chia cắt tiếng cười, tiếng hát giòn tan. Họ chạy vội vào hầm trú ẩn, nhưng đã không còn kịp nữa. Những tiếng động kinh hoàng, những cột khói và quầng lửa cứ bốc mãi lên cao trùm lên khu vực dốc Kỳ Lợn.

Những tiếng thét gào trong vô vọng

Hố bom nối tiếp hố bom sâu hoắm. Bầu trời bạc phếch điêu tàn sau trận bão lửa kinh hoàng. Tiếng than khóc xé lòng của những người đồng đội và những người dân Mỹ Sơn (Đô Lương). Đó là những hình ảnh mà suốt cuộc đời, bà Đặng Thị Quế không thể nào quên được.

Bà Quế là một trong những nhân chứng hiếm hoi của sự kiện ngày 31/10/1968 còn sống. Nguyên là Phó Chủ tịch xã Mỹ Sơn giai đoạn 1967 - 1970, buổi sáng định mệnh ấy, bà đang ở trụ sở xã thì nghe tin báo 13 TNXP của Đại đội 317 gặp nạn.

Chân thấp chân cao chạy ra dốc Kỳ Lợn, đập vào mắt là cảnh tượng đau thương. Đồng đội và người dân Mỹ Sơn đang kiếm tìm hy vọng trong từng thớ đất, máy móc có hạn, họ dùng đôi tay trần. Những đôi bàn tay ra sức cào từng vạt đất, lật từng tảng đá. Những tiếng thét gào trong vô vọng: “Có ai còn sống không! Trời ơi, có ai còn sống không?!” “Đang ơi, Hoài ơi, Dung, Bốn, Doãn, Vinh… ơi!”.

Không một tiếng rên hồi đáp. Không có phép màu nào cho những người con trai, con gái Truông Bồn. Tiếng thét tuyệt vọng rơi vào khoảng không thinh lặng của bầu trời sau trận chiến, và đến nay, 49 năm đã trôi qua, vẫn dội vào lòng bà như một nỗi đau nhức nhối.

13 cuộc đời tươi trẻ với biết bao ước mơ, hoài bão, khát vọng…, có chung một bức thư nhà, một manh áo ấm, một chùm bồ kết, một mảnh gương soi… giờ lại chung cả thời khắc cuối cùng của sự sống! Chỉ một ngày nữa thôi, Hiệp định Paris sẽ được ký kết, bầu trời miền Bắc sẽ xanh yên ả, nhưng họ đã không kịp bước chân về phía hòa bình.

Ngày giỗ chung

Từ đó, trên mảnh đất Truông Bồn, người dân có một ngày giỗ chung - ngày giỗ không tính theo lịch Vạn niên như truyền thống mà theo Dương lịch - ngày 31/10. Ngày giỗ được tổ chức theo nhiều cấp: xã tổ chức theo quy mô xã, xóm tổ chức theo quy mô xóm, và mỗi gia đình nơi đây chưa bao giờ quên đặt một mâm lễ trang trọng, thắp một nén tâm hương tưởng nhớ “các cô, các chú”.

Những ngày này, Nguyễn Công Hà khá bận rộn, phần vì việc riêng, phần lo việc chung. Hà vừa nhậm chức Phó Bí thư Chi bộ kiêm Trưởng Ban Công tác Mặt trận xóm 10, xã Mỹ Sơn - một trong những cán bộ, đảng viên trẻ nhất của địa phương này.

Năm nay, như thường niên, vào tối 30/10 cho đến sáng 31/10, người dân xóm 10 - khu vực có địa điểm hy sinh của các chiến sỹ TNXP năm xưa sẽ soạn sửa một mâm cỗ cúng, tập trung về khu mộ chung để làm lễ dâng hương, dâng hoa. Trong ngày giỗ thiêng liêng này, từ người già đến trẻ con của xóm không ai vắng mặt.

Hà nói, thanh niên xóm đi làm ăn xa, nhưng nếu thu xếp được, nhiều người vẫn trở về vào dịp cuối tháng 10 hàng năm. Trở về, như một ý niệm giục giã, như một trách nhiệm với quá khứ, như một sự tri ân mà nếu không, hai tiếng Truông Bồn cứ day dứt mãi trong lòng.

Về Truông Bồn cũng là câu nói được nhắc đến nhiều trong những ngày này. “Về” chứ không phải “đến”, vì Truông Bồn dường như đã trở thành quê chung, là một trong những trang sử bi tráng nhất trong cuốn sử vàng chói lọi của cuộc trường kỳ chống Mỹ cứu nước. Chứng tích Truông Bồn sừng sững tồn tại, băng qua nửa thế kỷ và quy luật lãng quên của trí nhớ con người, luôn nhắc nhớ mỗi thế hệ về sự hy sinh trong quá khứ, trách nhiệm với hiện tại và khát vọng tốt đẹp vào tương lai.

Ảnh: Sỹ Minh - Thành Cường

Thiết kế: Hà Giang

Tác giả: Phước Anh

Nguồn tin: Báo Nghệ An

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP