Cũng từng đó ngày tháng anh lết khắp các xó nhà chịu đủ cơ cực để tồn tại và giờ đây tấm thân thiệt thòi ấy lại trở thành chỗ dựa duy nhất cho người mẹ đã ngoài 90 tuổi và em gái cũng không thể đi lại được vì căn bệnh dị tật bẩm sinh kèm theo động kinh.
Nhà anh ở phía sâu trong xóm nhỏ vùng quê biển xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, Nghệ An. “Tôi nghe mẹ tôi kể lại rằng, lúc đó sinh tôi ra ai cũng khiếp vì nhìn tay chân tôi dường như không có, chỉ có phần đầu và người thôi.
Rồi nuôi mãi tôi chỉ phát triển phần đầu và người nhưng tay chân vẫn cứ ngắn củn. Thế nên bố mẹ tôi đặt cho tôi cái tên là Què”, người đàn ông đã 55 tuổi cố đưa đôi bàn tay dị dạng lên vừa nói vừa như chứng minh.
Khoảng 4 năm sau bà Hồ Thị Thoa (91 tuổi, mẹ anh Què) lại một lần vượt cạn, lần này bà sinh thêm một người con gái đặt tên là Trần Thị Hài (SN 1968). Cũng giống như anh trai, chị Hài cũng mang tứ chi không phát triển, thậm chí tình trạng còn nặng hơn anh của mình. Đặc biệt, mỗi lúc trái gió trở trời chị Hài lại lên cơn động kinh, toàn thân co quắp khiến cho ai cũng phải kinh sợ. Cơ thể chị Hài yếu ớt nên thường xuyên hay bị ốm, đau thần kinh.
Cuộc sống ở vùng quê nghèo vốn khó khăn, gia đình đông con và hơn hết lại có hai người bị dị tật bẩm sinh, nên bà Thoa và chồng phải rất vất vả mới chạy đủ cái ăn thường ngày. Những người con lớn lần lượt đi lấy chồng ở xa, còn hai người em tàn tật vẫn ở nhà sống nương nhờ vào bố mẹ già yếu.
Mỗi lúc nhìn các con lê lết khắp căn nhà bà Thoa và chồng không cầm nổi nước mắt. Nhìn những đứa con dị tật, bà chỉ biết im lặng nuốt nước mắt vào trong cố gắng làm lụng để chữa trị cho con, nhưng đi đến đâu vợ chồng bà cũng chỉ nhận được cái lắc đầu không thuê không mướn. Rồi cuộc đời bà như cay nghiệt hơn, cách đây không lâu do tuổi cao sức yếu chồng cũng đã từ trần.
Cái thân già bà Thoa lúc này cũng không còn minh mẫn, bà chỉ ngồi lặng lẽ một nơi không nghe thấy, không nói chuyện với ai. Dường như trong sâu thẳm của người mẹ già, bà đang lo lắng đang sợ một điều gì đó rất khủng khiếp mà không thể nói thành lời. Bà sợ khi mình mất đi hai đứa con tật nguyền sẽ sống thế nào.
Khuôn mặt khắc khổ, hằn rõ những nỗi vất vả trong cuộc đời từng trải, bà ngước lên nhìn chúng tôi rồi lại lặng lẽ đưa ánh mắt sang các con. Đôi tay bà run lên bần bật. Người con gái cũng cố lết lại cạnh mẹ tựa vào bà như một niềm an ủi.
Từ ngày bố mất đi, mẹ lại không còn minh mẫn anh Què bỗng trở thành trụ cột của gia đình. Mỗi ngày trôi qua cái tấm thân khốn khổ ấy lại lết đi khắp căn nhà lo từng bữa ăn đạm bạc, rồi đến công việc trong nhà. “Đôi chân” anh lại thêm nhiều vết chai sần, nhiều lúc lết từ thềm cao xuống không được anh bị ngã dúi xuống đất, anh cũng cố gắng gượng dậy.
“Mình biết kêu ai giúp được, có khi cả xóm đi vắng cả. Khổ nhất là lúc em gái lên cơn động kinh, nó co giật rồi sùi cả bọt mép tôi chỉ biết la hét thật to để gọi người đến giúp. Mỗi tháng cả ba người được chút tiền trợ cấp thì cũng chia một phần ra để mua thuốc cho mẹ và em còn lại mua gạo, con cá, cái rau về ăn … Thấy thương cảm, bà con hàng xóm người đưa sang cho tô canh, con cá, hay phụ giúp công việc vặt trong nhà”, anh Què chia sẻ.
Căn nhà nhỏ dưới ánh chiều chạng vạng như xiêu vẹo đi, anh Què cố lết đến bên bàn thờ của người cha thắp nén hương. Anh nhìn lên di ảnh của cha mình thật lâu rồi những giọt nước mắt cứ tuôn trào trong lặng lẽ, rơi xuống đôi chân tật nguyền, khiến chúng tôi cũng không cầm nổi nước mắt.
Chúng tôi ra về, căn nhà nhỏ lại chìm trong im lặng, chỉ có tiếng đôi chân anh Què lết trên nền nhà loẹt xoẹt. Cái nhìn u buồn lặng lẽ của người mẹ già dõi theo từng bước chân của con mà không nói nên lời. Đêm nay trời lại trở gió mong cho chị Hài không lên cơn động kinh để anh Què không còn phải hét lên trong tuyệt vọng.
Mọi đóng góp hảo tâm xin gửi về:
Anh Trần Què, trú tại xóm 2, xã Diễn Hùng, huyện Diễn Châu, Nghệ An
Điện thoại liên hệ : 01662.463.977 chị Lan cháu ngoại bà Thoa (mẹ của anh Què)
Tác giả bài viết: Nguyễn Duy
Nguồn tin: