Xã hội

Chuyện buồn vui tại “xã xuất ngoại” ngày Tết

Nhắc đến xã Cương Gián (huyện Nghi Xuân, Hà Tĩnh) không chỉ người dân gần đó biết mà gần như cả tỉnh và các địa phương lân cận ở Nghệ An đều biết đó là “xã xuất ngoại”. Những câu chuyện mừng mừng, tủi tủi của người thân đón Tết nguyên đán ở quê khi người chồng, con, vợ… đang ở xứ người làm công kiếm tiền cũng mang nhiều màu sắc, cảm xúc khác nhau.

Một góc “xã xuất ngoại” Cương Gián tấp nập sầm uất

Xã có 2.700 người đi XKLĐ, mỗi năm kiều hối khoảng 500 tỷ đồng

Những ngày cận Tết Nguyên đán Kỷ Hợi (2019) có mặt tại xã Cương Gián, phóng viên đã ghi nhận được không khí đón tết sung túc, đủ đầy thì bên cạnh đó còn có những nỗi niềm của khi ngóng người thân đang ở xứ người.

Vào những năm thập niên 90 của thế kỷ trước, người dân xã Cương Gián cũng như nhiều vùng quê biển nghèo của các tỉnh miền Trung khác quanh năm bám biển, bám ruộng đồng không đủ ăn. Cái đói, cái nghèo đeo bám từng hộ dân làm nghề biển.
Từ khoảng năm 1995 trở đi, từ việc một số người dân Cương Gián mạnh dạn theo đường biển sang Hàn Quốc, Đài Loan làm ăn thì cho thu nhập ổn định hơn các ngành nghề khác. Từ đó, phong trào xuất khẩu lao động (XKLĐ) rộ lên của người dân nơi đây, đời sống của người dân khá hẳn lên.

Người người, nhà nhà rủ nhau đi XKLĐ, Cương Gián trở thành xã có số lượng người dân xuất ngoại làm việc đứng đầu trên cả nước, dần dần nở rộ ra các xã lân cận như Xuân Liên, Cổ Đạm, các xã thuộc huyện Lộc Hà như Thạch Kim, Thạch Bằng, Thạch Châu…

Những ngôi nhà khang trang ngày càng mọc nhiều lên trên xã nghèo ven biển trước kia

Cương Gián được biết đến với “xã xuất ngoại” bởi vì có đến hàng hàng người lao động tại các nước như Đài Loan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Canada… Cũng vì thế, đời sống người dân nơi đây từng bước được nâng cao khi lao động ở các nước cho nguồn thu nhập ổn đinh, người dân có cuộc sống cao hơn trước kia.

Con đường liên huyện đang trong giai đoạn hoàn thiện, bộ mặt của xã Cương Gián có một diện mạo mới khang trang hơn trước kia. Nhiều ngôi nhà cao tầng được xây dựng kiên cố đang một ngày một nhiều hơn, những hộ có xe ô tô ngày càng nhiều, học sinh trước đây đi học bằng xe đạp hay đi bộ thậm chí là bỏ học giữa chừng nay đi học bằng xe đạp điện mới… Chợ Cương Gián cũng tấp nập như một chợ lớn ở thành phố, người mua, kẻ bán, hàng hóa hết sức phong phú, sức mua ngày càng tăng vì lượng tiền kiều hối gửi về mỗi ngày một lớn.

Kinh tế xã Cương Gián ngày càng khởi sắc

Theo ông Nguyễn Văn Thanh, Chủ tịch UBND xã Cương Gián cho biết, người dân trên địa bàn xã hiện đi XKLĐ ở nhiều nước trên thế giới, toàn xã hiện có 15.000 nhân khẩu, trong đó có khoảng 2.700 người đang làm việc tại các nước. Tính bình quân mỗi năm người dân trong xã gửi về lượng tiền kiều hối khoảng 500 tỷ đồng. Đi XKLĐ cũng được xem là một hướng đi của người dân địa phương để từng bước nâng cao đời sống…

Ngóng người thân đón tết ở xứ người

Bên cạnh việc đưa về lượng kiều hối lớn mỗi năm, giúp địa phương có một bộ mặt khang trang hơn thì bên cạnh đó cũng có những nỗi niềm của người thân tại quê nhà. Cứ mỗi dịp tết đến xuân về, khi người người về quê đoàn viên bên gia đình thì người thân của họ đang mải miết cách đó hàng ngàn cây số để lao động kiếm tiền. Bố mẹ xa con, vợ xa chồng, con xa bố mẹ, anh chị em xa nhau… trong ngày tết là một nỗi buồn khó nói nên lời.

Chị Nguyễn Thị Liên, trú tại xóm Cầu Đá năm nay phải ở quê ăn tết thiếu vắng chồng. Chị cho biết, vì kinh tế khó khăn nên cũng phải để chồng đi xa kiếm tiền, ngôi nhà mới xây xong cũng là tiền chồng lao động tích cóp gửi về. “Biết là chồng xa nhà ngày tết cũng như ngày thường là buồn nhưng biết mần răng được, ai mà không muốn có chồng bên cạnh, nhưng vì điều kiện như thế rồi…”, chị Liên nói.

Một bữa cơm tất niên khu dân cư thiếu vắng những người đang lao động ở xứ người trong những ngày Tết

Cạnh đó, gia đình ông Nguyễn Văn Hải cũng đang tất tả chuẩn bị, ông cho biết, hiện con gái, con rể và một con trai đang làm việc tại Hàn Quốc, trước kia có mấy đứa nữa nhưng cũng đã về nước. “Dù biết là tết không có các con về thăm hỏi cũng tủi thân nhưng vì điều kiện kinh tế nên cũng đành chịu. Hắn mà ở nhà không có tiền mình cũng không sung sướng gì, hắn đi làm ăn xa thì có thêm tiền nhưng tết không về thì mình cũng tủi thân nhưng ít ra cũng có tiền để xây dựng cuộc sống, thi thoảng cho bố mẹ ít đồng gọi là dưỡng già cũng đỡ tủi phần nào…”, ông Hải chia sẻ.

Một hoàn cảnh khác là gia đình bà Hồ Thị Mai, khi đứa con trai đi làm ăn ở xứ người đã 3 năm nay chưa một lần về ăn tết. Mấy năm đầu, con trai sang làm ăn thì góp tiền chữa bệnh cho bố, khi bố mất đi rồi công việc cũng gặp nhiều khó khăn nên chưa có điều kiện để về quê thăm gia đình. Một mình bà Mai lủi thủi trong căn nhà cấp 4, hằng ngày bà trồng rau ra chợ bán và ngóng tin con.

Bà Mai ngóng tin con trai ở xứ người hơn 3 năm nay chưa gặp mặt

Tại xóm Ngư Tịnh cũng có đến hàng trăm người đi XKLĐ, tết này rất nhiều người không thể về quê ăn tết nên bên cạnh sự sung túc đủ đầy thì cũng còn đó những thiếu thốn về tình cảm. Năm nay chị Hồ Thị Hà vui hơn mấy năm trước, người chồng đi XKLĐ 7 năm mới về quê ăn tết, dù thế 2 người con trai đang du học và làm việc tại Nhật Bản lại không thể về quê. Trong số 2.700 người đi XKLĐ tại các nước thì có rất ít người có thể về quê ăn tết mỗi năm để ở lại mưu sinh…

Tác giả: Ngô Toàn

Nguồn tin: Báo Pháp luật Việt Nam

  Từ khóa: xã xuất ngoại ,XKLĐ

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP