Ngay từ Đại hội lần thứ IX, Đảng ta đã chỉ rõ: "Nạn tham nhũng và tệ quan liêu vẫn là một trong 4 nguy cơ tồn tại ở xã hội ta". Đây là vấn đề mà cho đến bây giờ, sau 4 kỳ đại hội, Đảng vẫn nhận định là nỗi bức xúc gay gắt và tạo sự lo lắng.
Như chống giặc
Tại Đại hội lần thứ XII, Đảng ta đánh giá: "Bốn nguy cơ mà Đảng ta chỉ ra vẫn còn tồn tại, có mặt diễn biến phức tạp. Tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống của một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên và tệ quan liêu, tham nhũng, lãng phí chưa bị đẩy lùi..." (Văn kiện Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII, Văn phòng Trung ương Đảng, Hà Nội - 2016, trang 15).
Quả thật, tình trạng tham nhũng, lãng phí, quan liêu hiện nay đã và đang tác động mạnh mẽ vào tâm tư, tình cảm của tất cả chúng ta khi đang kỳ vọng vào một tương lai tốt đẹp, một đất nước phồn vinh, giàu mạnh, sớm hiện hữu. Đồng nghĩa với việc nguy cơ trên tác động trực tiếp vào mối quan hệ sống còn của cả hệ thống chính trị và toàn dân.
Từ đầu Đại hội Đảng lần thứ XII đến nay, diễn biến thực tế cho thấy Đảng ta đã có thái độ dứt khoát, rạch ròi bằng việc coi nạn tham nhũng như một kẻ thù không đội trời chung, Đảng ta chỉ đạo xử lý tội phạm tham nhũng rất quyết liệt, không có "vùng cấm", không nhẹ tay dù người phạm tội là ai, chức vụ gì, đương chức hay nghỉ hưu; Đảng ta coi việc chống tham nhũng như chống một loại giặc hại nước, hại dân...
Sáng 26-7, Ban Chỉ đạo trung ương về Phòng chống tham nhũng họp đánh giá kết quả hoạt động 6 tháng đầu năm 2019. (Ảnh từ ubkttw.vn) |
Ba vấn đề
Vài năm trở lại đây, nhiều đại án tham nhũng lớn, nhiều cán bộ chủ chốt ở các cấp dính tham nhũng bị trừng trị. Điều đó được quần chúng nhân dân và đặc biệt là những cán bộ tâm huyết, tận tụy với công việc được giao, cũng như những Đảng viên chân chính, trung kiên tỏ rõ thái độ đồng thuận, đồng tình. Điều này rất cần được tiếp tục và tiếp tục mạnh mẽ hơn, nhằm giữ vững sự trong sạch của Đảng, giữ vững kỷ cương phép nước. Vì thế, xin bàn thêm 3 vấn đề sau đây:
Thứ nhất, mọi động thái (lời nói và việc làm) liên quan đến chống tham nhũng phải bám sát và tuân thủ sự chỉ đạo theo nguyên tắc tập trung, dân chủ của cấp ủy các cấp. Có vậy mới đạt được mục đích cuối cùng là làm trong sạch bộ máy của Đảng và chính quyền các cấp, dứt khoát "không bàn ra" khi nói đến việc chống tham nhũng.
Thứ hai, nạn tham nhũng là nguy cơ uy hiếp trực tiếp đến sự sống còn của quốc gia, dân tộc, nó là giặc nội xâm thì cũng phải xác định "một mất, một còn" với loại tội phạm này. Đảng ta đã xác định không dung túng, không bao che tham nhũng thì khi thực hành chống tham nhũng phải có thái độ dứt khoát, không nể nang, không né tránh, không dừng lại... Nhưng cũng phải quán triệt tốt quan điểm chống để xây, xây để chống chứ không phải chống - phá hoặc chống - bỏ, dễ dẫn đến sự xáo trộn xã hội không cần thiết, vô hình trung trở thành nguyên cớ để các thế lực thù địch, bọn bất mãn chế độ xuyên tạc làm điều bất lợi cho chúng ta.
Thứ ba, nhà nước đã ban hành nhiều văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến tham nhũng và thực hành chống tham nhũng. Đó là cơ sở pháp lý để trừng trị những tổ chức, cá nhân có hành vi tham nhũng, là cơ sở để tạo ra sự tập trung, thống nhất của Đảng và sự quản lý của nhà nước nhằm tránh khuynh hướng "quá tả" hoặc "quá hữu" dễ dẫn đến chệch hướng đấu tranh trong quá trình chống tham nhũng. Đồng thời, phải cảnh giác với việc lạm dụng chống tham nhũng để mưu cầu lợi ích cá nhân hay đầu cơ chính trị.
Thanh niên ta có vinh dự to thì cũng có trách nhiệm lớn. Để làm tròn trách nhiệm, thanh niên ta phải nâng cao tinh thần làm chủ tập thể, trừ bỏ chủ nghĩa cá nhân, chớ phô trương hình thức, chớ kiêu ngạo tự mãn". HỒ CHÍ MINH |
Tránh nóng vội, quy chụp Ngoài 3 vấn đề đã nêu, quá trình chống tham nhũng phải tránh sự nóng vội, quy chụp, suy diễn thiếu khoa học dễ xảy ra việc sót tội phạm hoặc gây oan sai cho người vô tội. Cẩn trọng trong việc khá nhạy cảm này không bao giờ là thừa, đặc biệt là công việc tiến hành trong môi trường kinh tế - xã hội đang phát triển ngày càng mạnh mẽ, do nền kinh tế thị trường đang đan xen nhiều yếu tố phức tạp, khó lường. |
Tác giả: MAI LỊCH
Nguồn tin: Báo Người Lao Động