Cá chép giòn của lão nông Lê Văn Dũng - Ảnh: CHÍ HẠNH |
Một góc nhỏ năm cạnh 20 bè cá trên sông Tiền của lão nông Lê Văn Dũng (60 tuổi, xã An Phong, huyện Thanh Bình, tỉnh Đồng Tháp) ngày nào cũng rôm rả tiếng người mua kẻ bán. Nơi đây mỗi ngày cung ra thị trường hàng tấn cá chép giòn, đem về hàng chục triệu đồng cho gia chủ.
Ông Dũng vốn là con của một gia đình có truyền thống nuôi cá ở Hồng Ngự. Từ nhỏ, ông đã chèo xuồng theo cha đi vớt cá tra sông về nuôi nhân giống. Là một người có thâm niên, dày dạn kinh nghiệm nuôi cá nhưng ông Dũng vẫn trắng tay vì con cá tra hơn chục năm trước.
Một lần ra Bắc, biết đến cá chép giòn, bao tâm huyết về con cá trong ông Dũng cũng trỗi dậy. Lần này ông quyết mang cá chép giòn về làm giàu ở đất miền Tây. Ông Dũng "học lóm" cách nuôi cá chép giòn từ dân bản địa. Tuy khá mới mẻ, không biết nguồn gốc kỹ thuật từ đâu, nhưng lão nông làm liều và thành công từ dạo ấy.
Để chép giòn được người miền Tây đón nhận, lão nông Lê Văn Dũng phải mất cả năm trời đưa cá đi tiếp thị khắp nơi - Ảnh: CHÍ HẠNH |
Ông chia sẻ, chép giòn thực sự cũng chỉ là giống cá chép thông thường, có ở khắp nơi. Tuy nhiên, cá được nuôi từ nhỏ, được vỗ cho béo bằng thức ăn thông thường từ 4 đến 6 tháng là đạt trọng lượng 1,5kg.
"Lúc này cá sẽ chuyển sang giai đoạn đặc biệt. Đó là giai đoạn chuyển giòn cho cá chép. Đến lúc xuất bán là chẵn 100 ngày, giá sẽ tăng gấp đôi, gấp ba loại cá thông thường, tùy thời vụ" - ông Dũng khoe.
Để thịt cá chép chuyển từ mềm, nhão, ăn không ngon thành thịt mềm dai và giòn chỉ có cách làm duy nhất là cho chúng ăn đậu tằm, một loại hạt nhập khẩu từ các nước Úc, Canada và Trung Quốc.
Bí quyết tạo nên con cá chép giòn là đậu tằm nhập khẩu từ Úc, Canada và Trung Quốc - Ảnh: CHÍ HẠNH |
"Mỗi ký đậu tằm nhập về nước có giá 20.000 đồng/kg, trước khi cho cá ăn, đậu tằm sẽ được đem ngâm trong nước khoảng 12 giờ. Sau đó bỏ đậu vào thùng, nhấn chìm dưới nước để cá tự ăn. Mỗi con cá chép ăn từ 1,5 đến 2kg đậu tằm là xuất bán được" - ông nói.
Đó là thành công của hiện tại. Trước đây, để cá chép giòn được thực khách chấp nhận là một điều không hề dễ với ông Dũng. Hằng ngày, ông phải đèo vài chục ký cá trên chiếc xe máy cà tàng đi khắp các nhà hàng để tiếp thị.
Ngoài chép giòn, ông Dũng còn nuôi "thâm canh" cá chép không vảy, hay còn gọi là cá chuỗi ngọc - Ảnh: CHÍ HẠNH |
"Tui phải dùng đủ cách để chào hàng, có lúc phải xin vào bếp tự chế biến món cá chép giòn, mang ra tận bàn đãi khách. Thực khách ăn vào mà gật đầu là tôi tặng luôn cả con. Tốn cả năm trời như vậy người miền Tây mới biết đến chép giòn, cá mới bán được ra chợ, vựa…" - ông Dũng tâm sự.
Với cách nuôi cá như trên, hằng năm ông Dũng tung ra thị trường khắp cả nước 200 tấn cá. Lão nông cũng nuôi "thâm canh" thêm nhiều loại khác có giá trị kinh tế cao như cá lăng, cá nheo Mỹ, cá chép giòn không vảy, bán ra thị trường thêm 100 tấn các loại.
"Giá trị kinh tế của chép giòn gấp đôi cá chép thường, với giá bán ổn định trên dưới 100.000 đồng/kg, có thời điểm cao xấp xỉ 200.000 đồng/kg" - ông Dũng vui vẻ nói.
Tác giả: CHÍ HẠNH
Nguồn tin: tuoitre.vn