Giáo dục

Cắt giảm 110 điều kiện kinh doanh giáo dục: Liệu đã đủ?

Theo báo cáo của Bộ GD-ĐT, tổng số điều kiện kinh doanh được đề nghị cắt giảm và đơn giản hóa tới hơn một nửa so với hiện hành. Song, nhiều ý kiến kiến nghị nên tiếp tục cắt giảm để tạo hành lang đầu tư và phát triển giáo dục thông thoáng hơn.

Đó là những nội dung được đưa ra mổ xẻ tại hội thảo “Về cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo” do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) phối hợp với Bộ GD-ĐT tổ chức ngày 15/5.

Cắt giảm nhiều điều kiện kinh doanh chung chung, không rõ ràng

Theo phương án của Bộ GD-ĐT, nhiều điều kiện kinh doanh (ĐKKD) trong 2 Nghị định số 73/2012/NĐ-CP và Nghị định số 46/2017/NĐ-CP sẽ được cắt giảm, đơn giản hoá.

Bà Vũ Thị Thu Hà, Trưởng phòng Kiểm soát thủ tục hành chính, Văn phòng Bộ GD-ĐT cho hay, tổng số ĐKKD được đề nghị cắt giảm, đơn giản hóa là 110 trên tổng số 212 điều kiện ban đầu (chiếm 51,9%).

Trong đó, tổng số điều kiện đề nghị bãi bỏ cắt giảm là 81 (chiếm 38,2%) và số được đề nghị đơn giản hóa là 29 (chiếm 13,7%).

“Có những lĩnh vực như với điều kiện thành lập và hoạt động trung tâm phát triển giáo dục cộng đồng thì chúng tôi đã đề xuất cắt bỏ hoàn toàn các điều kiện liên quan (tức đạt tỷ lệ 100%)”, bà Hà nói.

Bà Mai Thị Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế cho hay, trong quá trình soạn thảo văn bản quy phạm pháp luật, Bộ cũng tiếp thu, nghiên cứu những ý kiến để đảm bảo việc cắt giảm và đơn giản hóa thủ tục hành chính ở mức tối thiểu nhất, không gây ảnh hưởng của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đồng thời vẫn phải đảm bảo mục tiêu về quản lý nhà nước.

“Về việc dự kiến cắt giảm điều kiện cho phép thành lập các trường mẫu giáo, mầm non nhà trẻ, trường tiểu học, THCS, THPT, trưởng phổ thông có nhiều cấp học, trường trung học chuyên, chúng tôi bỏ các điều kiện phù hợp với quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục địa phương. Dự kiến bỏ hoàn toàn các điều kiện đó bởi không còn phù hợp với luật quy hoạch 2017 có hiệu lực từ 1/7/2019. Đồng thời các điều kiện đề án thành lập được chuyển thành nội dung trong hồ sơ thành lập trường.

Một số nội dung cắt giảm 100% như toàn bộ điều kiện thành lập trung tâm học tập cộng đồng, trung tâm ngoại ngữ, tin học. Trong quá trình rà soát, chúng tôi thấy không cần thiết phải quy định điều kiện thành lập của các trung tâm này. Song để đảm bảo chất lượng thì chúng tôi sẽ thắt chặt các điều kiện hoạt động”.

Các đại biểu tham dự hội thảo

Ngoài ra, theo bà Anh, Bộ cũng dự kiến cắt giảm một số điều kiện trong các văn bản hiện hành còn chung chung, chưa rõ ràng.

“Cụ thể trong các điều kiện cho phép hoạt động các nhà đầu tư, doanh nghiệp có các ý như “có đủ nguồn lực tài chính theo quy định bảo đảm duy trì và phát triển hoạt động giáo dục”, “có quy chế tổ chức hoạt động của nhà trường”, “có đội ngũ nhà giáo đủ về số lượng đồng bộ”,… đó là những thuật ngữ chung chung và khó khi đưa vào các điều kiện thành lập. Cùng đó, Bộ cũng cắt giảm một số điều kiện trong thành phần các hồ sơ để tránh sự trùng lặp,…”

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Nhóm công tác giáo dục và đào tạo của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam cho rằng một số thủ tục điều kiện kinh doanh tiếp tục cần được xem xét để tạo hành lang pháp lý thông thoáng cho các cơ sở giáo dục phát triển.

“Trong quá trình thực hiện các thủ tục cập phép, tuân thủ các điều kiện theo quy định của pháp luật, nhà đầu tư chúng tôi có gặp phải một số trở ngại khi một số điều kiện kinh doanh chưa thực tế”.

Bà Nguyễn Thị Kim Dung, đại diện Nhóm công tác giáo dục và đào tạo của Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam.

Bà Dung kiến nghị Bộ GD-ĐT, bên cạnh việc đơn giản hóa, cắt giảm điều kiện kinh doanh, cần xem xét đơn giản hóa thủ tục cấp phép.

“Cắt giảm điều kiện kinh doanh mà không cắt giảm thủ tục hành chính song hành thì hiệu quả sẽ không cao. Thậm chí đôi lúc vì thủ tục quy định trong luật và văn bản dưới luật dẫn tới ý định tạo điều kiện thông thoáng cho nhà đầu tư không còn hiệu quả”

Ngoài ra, bà Dung cho rằng cần thống nhất cách hiểu và áp dụng các điều kiện đầu tư kinh doanh. Để việc cắt giảm thực sự hữu ích trong thực tế, Bộ cần có các phương án giám sát việc áp dụng luật đối với các đơn vị, sở ngành được giao cấp phép. “Việc các cơ quan cấp phép áp dụng luật không đồng nhất cũng là một trong các rào cản cản trở hoạt động kinh doanh”.

Bà Dung cũng đề xuất cắt giảm thêm các điều kiện kinh doanh và thủ tục cấp phép.

Điều 90 về thủ tục để trường ĐH hoạt động đào tạo, có yêu cầu hồ sơ gồm danh sách trích ngang cán bộ giảng viên cơ hữu và cán bộ quản lý và Thống kê cơ sở vật chất phục vụ đào tạo chung toàn trường,… cần “có xác nhận của UBND cấp tỉnh.

"Điều này làm phát sinh thêm thủ tục hành chính, vì để đảm bảo việc xác nhận này thì UBND sẽ không thực hiện việc kiểm tra đó mà cần một thủ tục ủy quyền giao cho sở GD-ĐT và sở sẽ phải thẩm tra một lần nữa tại các cơ sở giáo dục. Sau đó có thủ tục là báo cáo lên UBND để ra được một ý kiến gửi ngược trở lại với Bộ GD-ĐT để ra quyết định hoạt động. Để thực hiện các thủ tục hành chính đó mất rất nhiều thời gian. Trong khi vụ chức năng của Bộ GD-ĐT vẫn thẩm tra 2 hạng mục này. Như vậy là thủ tục trùng thủ tục”.

Do đó, vị này đề xuất việc thẩm tra nên quy về một đầu mối và có thể bỏ phần mục “có xác nhận của UBND cấp tỉnh”.

Ông Hoàng Anh Đức, đại diện Công ty CP giáo dục Edufit cho rằng ở tầm vĩ mô, những gì luật không cấm thì nên tạo cơ chế mở cho trường làm, thay vì việc chỉ được làm theo những gì luật cho phép.

“Ví dụ như việc bổ nhiệm người nước ngoài làm hiệu trưởng. Hiện tại không có văn bản quy phạm pháp luật nào cấm điều này, nhưng vì chưa có thông tư hướng dẫn nên các trường hoàn toàn bị bó chân, có hiệu trưởng nước ngoài để vận hành nhưng vẫn phải duy trì hiệu trưởng người Việt Nam để đảm bảo không bị làm khó dễ. Hiện chúng tôi vẫn phải duy trì cả 2 hệ thống hiệu trưởng dẫn tới sự cồng kềnh trong bộ máy và hoạt động không hề hiệu quả”, ông Đức nói.

Ông Hoàng Anh Đức, đại diện Công ty CP giáo dục Edufit.

Hay tương tự các tiêu chuẩn yêu cầu cho đội ngũ quản lý. “Các trường tư thục hoạt động hoàn toàn tự chủ về tài chính, không hưởng ngân sách nhà nước và tự chịu trách nhiệm về hiệu quả hoạt động của mình, nhưng tiêu chuẩn yêu cầu đối với đội ngũ quản lý hiện vẫn phải tuân thủ theo tiêu chuẩn nhà nước đề ra, Nhiều khi các tiêu chuẩn không khớp với nhau, mà không thể linh hoạt theo tình hình nhà trường”

Về mặt chương trình đào tạo, theo ông Đức, không nên yêu cầu các trường tư thục phải thực hiện chương trình do Bộ GD-ĐT ban hành chung cho hệ thống công lập.

“Chúng tôi vẫn phải làm 2 việc, một mặt chúng tôi dạy chương trình mà cho rằng đổi mới phù hợp với nhu cầu phụ huynh, mặt khác vẫn phải tìm ra những gì của Bộ GD-ĐT. Việc này không chỉ dẫn đến rề rà về mặt hành chính mà còn khó khăn cho cả thầy và trò, khiến việc dạy học không được hiệu quả”.

Bộ nên đưa ra yêu cầu, mục tiêu kỳ vọng về chuẩn đầu ra cơ bản, còn việc thực hiện thì do cơ sở giáo dục tự lựa chọn các hình thức, làm sao đảm bảo chất lượng cơ bản, đồng thời cập nhật linh hoạt và hiệu quả các tiến bộ giáo dục thế giới.

Thay vì việc Bộ vừa đưa ra tiêu chuẩn vừa yêu cầu phải thực hiện giảng dạy theo từng bài, từng tiết. “Có thể những hoạt động dạy học tích hợp, không nhất thiết phải dạy bài 1, bài 2 rồi mới đến 3 mà có thể dạy các bài song song cùng lúc. Nhưng khi sở, phòng về kiểm tra thì yêu cầu ngày hôm nay có dạy đúng bài này theo phân công hay không. Và nếu không làm theo thì bị đánh giá đó là một việc rất …to lớn”, vị này nói.

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT

Ông Lê Trường Tùng, Chủ tịch HĐQT ĐH FPT chia sẻ: “Các thủ tục càng ngày càng nhiều. Nếu như cách đây hơn 10 năm, từ thời điểm nhận giấy phép đồng ý về mặt chủ trương thành lập ĐH FPT cho đến khi khai giảng khóa đầu tiên, chúng tôi chỉ mất khoảng 9 tháng, thì bây giờ chỉ thủ tục để thành lập một phân hiệu thôi ít nhất cũng phải mất 3 năm. Thay đổi về điều kiện kinh doanh tốt nhất là đưa vào hành lang pháp lý, hành lang chất lượng và kiểm tra trong quá trình hoạt động và có sự hậu kiểm của nhà nước”.

Đại diện các vụ, cục chức năng của Bộ GD-ĐT cho hay sẽ tiếp thu, xem xét hoàn thiện, bổ sung việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục đào tạo.

Tuy nhiên, đại diện các đơn vị thuộc Bộ GD-ĐT cũng nêu quan điểm nếu góc độ của các nhà đầu tư chỉ nhìn sao tiện nhất cho đầu tư, nhưng với công tác quản lý giáo dục thì phải cân nhắc đảm bảo về mặt quản lý chất lượng.

“Nếu những đơn vị làm ăn tốt không sao nhưng những đơn vị làm ăn thiếu nghiêm túc thì sẽ ảnh hưởng đến chất lượng. Nếu để giám sát tất cả các cơ sở thì liệu có đủ khả năng để giám sát không”.

Đại diện Bộ GD-ĐT cho rằng, nếu quy định quá mở, không có những quy định cụ thể về mặt đảm bảo chất lượng thì rất khó trong việc kiểm soát nếu các đơn vị làm thiếu trách nhiệm hay khi có vấn đề phát sinh.

Do đó trong quá trình cắt giảm các thủ tục hành chính phải đảm bảo cân bằng chất lượng và hành lang pháp lý, tức song hành cùng nhau.

Tại Nghị định 46, Bộ GD-ĐT dự kiến cắt giảm tổng số 72 điều kiện và đơn giản hóa 22 điều kiện.

Cụ thể, lĩnh vực giáo dục mầm non, cắt giảm 7 điều kiện và đơn giản hóa 2 điều kiện. Về giáo dục phổ thông cắt giảm 16 điều kiện và đơn giản hóa 4 điều kiện.

Đối với giáo dục thường xuyên cắt giảm 11 điều kiện và đơn giản hóa 2 điều kiện. Với các trường chuyên biệt, cắt giảm 16 điều kiện và đơn giản hóa 3 điều kiện.

Trong hoạt động của các trường ĐH, trường CĐ, TC sư phạm cắt giảm 15 điều kiện và đơn giản hóa 10 điều kiện. Trong lĩnh vực kiểm định chất lượng giáo dục, cắt giảm 4 điều kiện và đơn giản hóa 1 điều kiện. Lĩnh vực tư vấn du học, cắt giảm 3 điều kiện.

Tại Nghị định 73/2012/NĐ-CP đề xuất cắt giảm 9 điều kiện và đơn giản hóa 7 điều kiện. Đối với lĩnh vực cho phép mở phân hiệu của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cắt giảm 5 điều kiện. Đối với điều kiện cho phép hoạt động của cơ sở giáo dục có vốn đầu tư nước ngoài cắt giảm 2 điều kiện kinh doanh. Đối với điều kiện cho phép thành lập văn phòng đại diện giáo dục nước ngoài cắt giảm 1 điều kiện kinh doanh.

Tác giả: Thanh Hùng

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP