Bạn cần biết

Cảnh báo dị vật pin ở đường hô hấp và tiêu hóa

Trong 1 tháng vừa qua, Khoa Tai - Mũi - Họng Bệnh viện Quốc tế Vinh đã tiếp nhận và xử trí gắp dị vật cho rất nhiều bệnh nhi.

Điển hình là trường hợp bé trai 17 tháng tuổi, được chẩn đoán dị vật thực quản các Bác sĩ đã chỉ định gắp dị vật cấp cứu, lấy ra một viên pin ở vị trí thực quản đoạn cổ. Sau gắp kiểm tra thấy tại vị trí viên pin mắc lại, thực quản bị viêm loét. Người bệnh được đặt Sonde dạ dày và qua 2 tuần điều trị tích cực đã có thể xuất viện.

Hình ảnh pin ở thực quản cổ

Tiếp theo là bệnh nhi 4 tuổi bị hóc dị vật, bố mẹ bé đã ngay lập tức đưa vào trung tâm Y tế gần nhà nhưng không lấy được vật lạ ra. Bé được chuyển đến Bệnh viện Quốc tế Vinh và tại đây, Bác sĩ đã lấy ra từ mũi 1 viên pin nhỏ. Niêm mạc mũi bắt đầu có tổn thương viêm loét.

Pin trong hốc mũi

Trên đây chỉ là 2 trong số rất nhiều trường hợp trẻ mắc dị vật ở đường hô hấp và tiêu hóa, đặc biệt thường gặp nhất là pin. Bởi pin là vật dụng rất phổ biên trong cuộc sống hàng ngày, có mặt trong đồ chơi của trẻ, điều khiển (remote), máy móc nhỏ,…

Dị vật pin tại sao nguy hiểm hơn các loại khác?

Pin nguy hiểm hơn các loại dị vật khác rất nhiều. Nó thực sự là một cấp cứu trong Tai - Mũi - Họng vì khi pin nằm ở hốc mũi hay thực quản thì sẽ vẫn còn hoạt động và có hiện tượng kiềm hóa xảy ra cực âm dẫn tới bỏng hóa chất kiềm tại vị trí mắc. Điều này sẽ gây loét hoại tử tại chỗ dần lan rộng gây tổn thương sâu hơn, làm thủng vách ngăn mũi, hoại tử cuống mũi, loét thủng thực quản nguy hiểm tới tính mạng người bệnh.

Tổn thương niêm mạc hốc mũi.

Các triệu chứng khi mắc dị vật

Ở mũi thường gặp các triệu chứng: Ngạt mũi, chảy mũi có mùi hôi, đôi khi chảy máu mũi.
Ở thực quản: Nuốt vướng, sốt nhẹ, nôn mửa, ăn uống kém,… nặng hơn nữa là khó thở, đi ngoài phân đen do xuất huyết.

Xử trí khi phát hiện hoặc nghi ngờ trẻ có dị vật

Cần đưa ngay trẻ dến cơ sở Y tế gần nhất có chuyên khoa Tai - Mũi - Họng.

Tại cơ sở Y tế, trẻ sẽ được chụp X-quang, nội soi Tai – Mũi - Họng để xác định được vị trí, kích thước,… của dị vật.

Khi đã xác định được dị vật, đây được xem là trường hợp cấp cứu, cần lấy dị vật ra khỏi cơ thể càng sớm càng tốt để tránh các biến chứng nặng nề có thể ảnh hưởng tới tính mạng (viêm loét gây thủng thực quản, vỡ các mạch máu lớn ở trung thất, hay Apxe trung thất, rò thực quản khí quản), tổn thương lâu dài có thể gây sẹo hẹp ảnh hưởng tới ăn và thở của người bệnh.

Cách phòng tránh mắc dị vật cho trẻ

Tại nhà ở và các nhà trẻ, phụ huynh và giáo viên cần lưu ý không để trẻ chơi, tiếp xúc với các vật dụng nhỏ, đặc biệt là pin.

Giáo dục trẻ nhận thức được những thứ nguy hiểm, những đồ vật không nên ngậm, nuốt.

Chú ý quá trình vui chơi của trẻ, không để trẻ tự chơi một mình.

Thường xuyên kiểm tra pin từ các đồ dùng sinh hoạt trong gia đình: Đồ chơi của trẻ, điều khiển quạt, điều hòa, TV,…

Tác giả: Lam Giang

Nguồn tin: antt.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP