Gặp một nạn nhân của bạo hành
Sân bay Quốc tế Nội Bài (Hà Nội) vẫn nhộn nhịp và hối hả dù đã 23h. Sau khi hoàn tất các bước kiểm tra, tôi được phép lên máy bay cho hành trình Nội Bài - Inchoen (Hàn Quốc). Khi đã ổn định chỗ ngồi, tôi chú ý đến người phụ nữ đang dỗ dành đứa bé trên tay bằng tiếng Hàn ở hàng ghế phía trước. Ở ghế bên cạnh, một đứa trẻ khoảng 3 tuổi nữa đang nghẹo đầu trên ghế ngủ ngon lành.
Qua câu chuyện được biết, chị là gái Hà Nội gốc, lấy chồng Hàn Quốc đã mấy năm.“Chồng em là kỹ sư xây dựng, sang Việt Nam thi công công trình tòa nhà Keangnam nên chúng em quen nhau”. Khi được hỏi về cuộc hôn nhân vượt biên giới của mình, chị kể: “Để hòa nhập được với xã hội và gia đình nhà chồng người Hàn Quốc, các cô dâu Việt Nam sẽ phải đối mặt với rất nhiều khó khăn. Bản thân em trước khi theo chồng sang bên kia đã phải dành rất nhiều thời gian để học tiếng, tìm hiểu kỹ về phong tục, tập quán của người Hàn.
Thế nhưng cũng không tránh được sự hụt hẫng, bất hòa với nhà chồng do có quá nhiều sự khác biệt trong cuộc sống. Chỉ có vợ chồng yêu nhau thật lòng, thì mới giúp em vượt qua được những trở ngại ở xứ người đến bây giờ”. Chị cho biết thêm, đây là lần đầu tiên sau bốn năm làm dâu xứ người, chị cùng hai con trở về Việt Nam thăm cha mẹ. Khi máy bay cất cánh, chị nhìn ra ngoài ô cửa sổ máy bay với đôi mắt buồn vời vợi..
Sau gần 5 giờ bay, ngoài trời đã sáng rõ. Sân bay quốc tế Incheon hiện ra dưới cánh máy bay. Theo thông báo, nhiệt độ ngoài trời lúc này khoảng âm 2 độ C. Dù là lần thứ hai tôi nhập cảnh vào nước này, nhưng các nhân viên kiểm soát vẫn kiểm tra giấy tờ, nhân thân của tôi rất kỹ lưỡng. Tôi cũng đã từng gặp, nhiều người Việt Nam bị từ chối nhập cảnh vào Hàn Quốc ngay tại sân bay dù họ đã được Đại sứ quán Hàn Quốc tại Việt Nam đồng ý cấp visa, cho phép nhập cảnh vào đất nước họ.
Không biết những cô dâu Việt Nam, một mình tay xách nách mang lặn lội về nhà chồng lần đầu tiên đến đây có hụt hẫng, bối rối, lẫn hối hận khi gặp ngay cái lạnh tái tê người của thời tiết. Tôi cố gắng hình dung, nhưng không thể. Ra khỏi sân bay, tôi bước vội lên taxi. Sau khi đưa danh thiếp có địa chỉ cần đến cho tài xế, tôi lặng im ngó ra ngoài đường suốt hai giờ đồng hồ xe chạy. Biết nói gì khi cả hai đều bất đồng ngôn ngữ. Dọc đường từ sân bay về thủ đô Seoul, những hàng cây hai bên đường đều trơ trụi trong giá lạnh. Tuyết rơi nhưng không nhiều, chỉ đủ để đọng từng đám trên những gốc rạ trên cánh đồng lúa đã thu hoạch xong.
Đón tôi ở Seoul là chị Trần Lam Giang, quê ở Nghệ An. Chị đi xuất khẩu lao động, lấy chồng rồi ở lại đất nước này hơn 20 năm qua. Hiện chị và người chồng Hàn Quốc đang làm chủ một xưởng sản xuất cơ khí hạng vừa, tại trung tâm thủ đô Seoul. Ngoài thời gian làm quản lý xưởng cơ khí, chị Giang còn được chính quyền sở tại mời làm phiên dịch, tham gia vào những buổi hòa giải cho những “cô dâu Việt” bị bạo hành.
Chính vì làm công việc này suốt nhiều năm qua, nên chị biết rất nhiều những hoàn cảnh các cô dâu Việt ở đất nước này, cũng như nguyên nhân đổ vỡ và bất hạnh của họ. Nhờ sự sắp xếp của Giang, tôi được gặp Lan, sinh năm 1989 quê ở huyện Cẩm Xuyên, tỉnh Hà Tĩnh. Lan có làn da trắng, dáng chuẩn. Lan nhập cảnh vào Hàn Quốc diện hôn nhân được 4 năm. Thế nhưng hơn ba năm qua, Lan là nạn nhân bạo hành từ người chồng.
Khi biết tôi từ Việt Nam sang để tìm hiểu về cuộc sống hôn nhân của các cô dâu Việt, Lan đã khóc: “Từ khi về sống với chồng, em trở thành người câm, điếc bởi không biết tiếng Hàn. Suốt ngày thu lu một góc, lầm lũi ra vào dưới sự khó chịu của bố mẹ chồng. Tối nằm bên cạnh chồng nhưng hoàn toàn xa lạ, vì cả hai đâu biết ngôn ngữ của nhau. Rồi dần dà em mắc chứng bệnh sợ gặp chồng, nên ông ta nghi ngờ em không chung thủy.
hính vì vậy ông ta đánh đập em suốt”... Ngước khuôn mặt thảng thốt, vô định nhìn ra làn tuyết trắng ngoài cửa sổ, Lan nói: “Gần hai năm ở với chồng, em chỉ thèm được nghe, được nói tiếng Việt. Nỗi thèm khát bình thường đó khiến em như điên dại. Muốn có chiếc điện thoại gọi về cho gia đình nhưng cũng không có…”.
Chị Giang cho tôi biết, hiện Lan đã ly thân, rời khỏi nhà chồng ra ngoài sống hơn một năm nay. Cô vừa đi làm vừa tranh thủ học tiếng Hàn, thuê luật sư làm thủ tục giải quyết ly hôn ở Tòa án. Trong thời gian này, cứ ba tháng một lần, Lan phải đến chính quyền trình diện và xin gia hạn thêm visa.
Thấy tôi có vẻ ngạc nhiên, chị Giang giải thích: “Lan đến được đất nước này nhờ vào hôn nhân, nên muốn được chính phủ Hàn Quốc cho phép ở lại đất nước này sau khi ly hôn với chồng, thì Lan phải chứng minh được cho Tòa án thấy bị chồng bạo hành, việc ly hôn là bắt buộc. Còn nếu không chứng minh được điều đó, cô ấy sẽ phải trở về Việt Nam”. Lan giãi bày: “Tất cả tiền lương em đi làm, chỉ đủ để trả chi phí cho luật sư giải quyết việc ly hôn”. Trải qua hai lần xét xử, nhưng phán quyết có lợi của Tòa án vẫn chưa đến được với cô.
Lần theo sự đổ vỡ
Ngày hôm sau, chị Giang lái xe đưa tôi đi gặp thêm một “cô dâu Việt Nam trên đất Hàn Quốc”. Cô tên Hương, sinh năm 1978 ở Cửa Lò, Nghệ An. Qua lời kể của chị Giang, thì Hương đã từng sống và làm việc ở Hàn Quốc trước khi lấy chồng Hàn. Thế nhưng, cuộc sống hôn nhân của cô cũng không hạnh phúc. Hiện Hương đang làm phiên dịch tiếng Việt Nam - Hàn Quốc cho tập đoàn mỹ phẩm Atomy.
Nhờ nói được tiếng Hàn giỏi nên cô biết nhiều về hệ thống các cơ quan pháp luật, cũng như những quyền cơ bản của các cô dâu tại Hàn Quốc. Vì thế nên ông chồng không dám bạo hành với cô, dù tình cảm vợ chồng theo như lời cô là “đã đóng băng từ rất lâu rồi”. Để đến được điểm hẹn chúng tôi phải đi khá xa, chừng 3 giờ xe chạy. Sau một lúc chờ đợi Hương xuất hiện và chạy ào vào xe chúng tôi nói trong hơi thở gấp gáp: “Về nhà em luôn chị Giang, chúng ta vừa đi vừa nói chuyện luôn nhé”.
Hương nói, hiện tại công việc của cô khá bận rộn. Cô “cày” từ sáng sớm đến tận 22h. “Trước đây em đi xuất khẩu lao động ở đây 5 năm, rồi trở về Việt Nam khi hết hạn hợp đồng lao động. Nhưng do hoàn cảnh gia đình ở quê nhà khó khăn, nên em chấp nhận lấy chồng Hàn để quay lại nơi đây. Nơi em đến làm dâu, là một vùng nông thôn cách xa thủ đô Seoul gần 200 km. Cũng như những gia đình nông dân khác, nhà chồng em không khá giả gì.
Thời gian đầu vợ chồng em sống chung với mẹ chồng và 3 người em nữa. Hơn một năm sau em sinh em bé, vợ chồng em buộc phải ra ở riêng bởi có quá nhiều bất tiện vì sự chung đụng. Lúc đó vợ chồng em phải sống trong chiếc container. Mùa đông lạnh giá, phải kiếm rễ và gốc cây đốt phía dưới để xua đi giá lạnh. Qua nhiều năm ở đất nước này nên em biết và dám khẳng định sự thiếu thốn chỉ ghé thăm người lười biếng mà thôi”.
Theo sự hướng dẫn của Hương, xe dừng lại trước một căn nhà nhỏ có hàng rào bằng cây xanh. Vừa tra chìa khóa vào ổ, Hương nói: “Nhà em thuê, chứ chưa đủ tiền để mua. Hiện chỉ ba mẹ con em ở tại đây thôi”. Rồi Hương vội vàng lấy thực phẩm trong tủ lạnh ra và xuống bếp nấu nướng. Chúng tôi ngồi trên tấm đệm ở căn phòng phía ngoài, có lẽ là phòng khách. Tôi tranh thủ quan sát toàn bộ căn nhà, có tất thảy 3 căn phòng nhỏ liền kề bao gồm bếp và vệ sinh. Tuy nhỏ, nhưng căn nhà khá ngăn nắp.
Buổi ngày các con của Hương đi học và ăn trưa tại trường, nên cô tranh thủ về nhà nấu cơm chuẩn bị bữa tối cho con, bởi buổi chiều cô thường về nhà rất muộn do công việc. Hương cho biết rất ít khi ba mẹ con có dịp chuyện trò với nhau, bởi “Khi em đi làm về, hai cháu đã đi ngủ sau khi tự ăn và học bài với nhau”. Thế nhưng theo Hương thì cô khá hài lòng với cuộc sống không có mặt của chồng.
Tôi hỏi chị Giang “Chẳng lẽ các cô dâu Việt Nam tại Hàn Quốc đều có kết cục như nhau?”. Chị Giang lắc đầu, rồi nói: “Dù không là tất cả, nhưng hầu hết những cặp vợ chồng quen biết nhau, rồi đi tới hôn nhân đều có cuộc sống hạnh phúc và thành đạt bởi họ đã có sẵn tình yêu làm nền tảng. Nhất là những người đi XKLĐ rồi lấy chồng tại Hàn Quốc. Bởi họ đã được trang bị cơ bản về ngôn ngữ, phong tục tập quán của nhau khi họ đang làm việc ở Hàn Quốc và Việt Nam. Còn hôn nhân đổ vỡ và bất hạnh, đều rơi vào những cô dâu Việt kết hôn qua môi giới. Tất nhiên nguyên nhân thì có nhiều”...
(Còn tiếp)
“Hôn nhân luôn cần phải có sự chia sẻ và thấu hiểu từ hai phía. Thế nhưng họ (cô dâu và chú rể) chỉ gặp nhau trước ngày cưới mấy ngày, để chú rể Hàn xem mặt cô dâu và thỏa thuận các điều kiện kết hôn. Trong khi đó các ông cò bà mối và các bên tham gia vào những cuộc hôn nhân này đều chứa đầy mục đích vật chất. Như vậy thì làm sao có được nền tảng tình cảm làm gốc? Và một điều rất quan trọng nữa là trước khi đi đến hôn nhân, không hề có một tổ chức nào đào tạo, huấn luyện, hướng dẫn họ về những điều kiện tối thiểu như ngôn ngữ, phong tục tập quán và văn hóa của vùng đất mà họ sẽ đến. Chính những lẽ đó đổ vỡ và bất hạnh là điều không thể tránh khỏi”. Chị Trần Lam Giang |
Tác giả bài viết: Thế Sơn
Nguồn tin: