Xã hội

Cần làm rõ nội dung người dân "tố" gây thất thoát hàng chục tỷ đồng

Một dự án lớn, mang tầm quan trọng và ý nghĩa không hề nhỏ, nhưng lại đã và đang có nhiều “điểm đen”, nhiều sự không minh bạch khiến người dân địa phương hết sức bức xúc. Hơn nữa, đề án nêu rõ quyền lợi mà họ sẽ được hưởng nếu nhà nước thu hồi đất làm dự án rõ ràng là khác xa so với thực tế hiện nay Ban đền bù GPMB TP Vinh đang thực hiện. Điều đó gây nên sự phản ứng mạnh mẽ từ phía người dân.

Nghệ An: Người dân chưa chịu bàn giao mặt bằng, vì cho rằng Ban đền bù GPMB gây thất thoát hàng chục tỷ đồng?

Đề án vẫn chưa ráo mực!


Tháng 8-2008 đề án giao nhận, đấu thầu đất nuôi trồng thủy sản tại xã Hưng Lộc ra đời dựa trên Quyết định 3978/QĐ-UBND ngày 22-10-2004 của UBND tỉnh Nghệ An về việc phê duyệt dự án đầu tư xây dựng khu nuôi cá rô phi đơn tính xuất khẩu tại xã Hưng Lộc. Kèm theo Quyết định đó là hàng loạt các quyết định khác hết sức chặt chẽ, có kỳ vọng của các cơ quan ban ngành liên quan về một dự án giúp nhân dân ấm no được ra đời nhanh chóng, khẩn trương. Song song với các phương án, kế hoạch đầu tư, triển khai…đó là những chính sách hỗ trợ giúp người dân có thể từ từ tiếp cận mô hình kinh tế mới đầy thách thức này.

Điều 4 đề án nuôi trồng thủy sản của UBND xã Hưng Lộc nêu rõ quyền lợi hộ nhận giao khoán được hưởng trong đó có đền bù giá trị đất khi bị thu hồi.


Nhằm khuyến khích nhân dân tích cực tham gia thực hiện dự án theo chủ trương chung, UBND xã Hưng Lộc cũng đã cụ thể hóa từ đề án với nhiều việc làm thiết thực trong công tác xây dựng cơ chế chính sách giao khoán, phương án thực hiện dân chủ công khai. Quy hoạch tổng thể vùng nuôi trồng thủy sản này trong đề án của UBND xã Hưng Lộc thì tổng toàn bộ diện tích quy hoạch là hơn 43 héc ta. Toàn bộ diện tích đó được đào đắp lên thành 86 ao và chia làm 3 vùng. Tổng kinh phí thực hiện lên tới gần 3,7 tỷ đồng. Trong đó nêu rõ, các hộ nhận ao nuôi trồng sẽ đóng góp 3 triệu đồng bao gồm chi phí đào đắp bờ, cống cấp nước, đường điện hạ thế...

Đề án này nêu rõ, quyền lợi của hộ dân nhận ao gồm: Được đưa vào diện tích 100% ao giao khoán và đề nghị UBND Tp Vinh cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nông nghiệp theo quy định; Khi nhà nước thu hồi thì được đền bù giá trị đất và tài sản trên đất, cũng như các hỗ trợ khác theo quy định; Được quyền thế chấp, vay vốn, đầu tư cải tạo, lựa chọn phương thức nuôi hợp lý…; Khi xảy ra rủi ro thì chủ ao phải báo cáo lên cơ quan quản lý để xác minh rõ thiệt hại đồng thời đề nghị cấp trên hỗ trợ nếu có…

Đề án rõ ràng là vậy, dường như vẫn còn chưa kịp ráo mực bởi lẽ người dân cũng mới chỉ nhận giao khoán được 7 năm trong khi đó theo chủ trương là 20 năm. Vậy mà giờ đây, khi thực hiện dự án hồ điều hòa, Ủy ban xã Hưng Lộc và UBND TP Vinh lại không làm đúng như những gì đã cam kết với nhân dân, trực tiếp là các hộ dân nhận giao khoán ao nuôi trồng thủy sản.

“Vào thời điểm đó, tiếp nhận đề án dự án, nhận thấy sự hỗ trợ mạnh mẽ từ chính quyền xã, chúng tôi đã mạnh dạn đi trước, mạnh dạn tham gia nhận khoán. Vay mượn tiền của để đầu tư bài bản, chắc chắn, vì nghĩ sẽ được cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất cũng như việc nếu sau này có thu hồi thì cũng sẽ được đền bù đầy đủ. Ai ngờ, giờ làm hồ điều hòa, người ta lại không xem xét lại, cứ đền bù kiểu đâu đâu. Cần phải bám theo đề án mà thương thỏa, thỏa thuận với chúng tôi cho hợp lý, ai kiểu đề án một đường, nay lại làm một nẻo. Hỏi sao chúng tôi không chịu bàn giao mặt bằng, hỏi sao không bức xúc được...”, nhiều hộ dân bức cho biết.

Như vậy, có thể khẳng định, việc nhiều hộ dân bức xúc chưa chịu bàn giao mặt bằng cho đơn vị thực hiện dự án cũng là điều dễ hiểu. Và việc họ làm rõ ràng là có cơ sở, và cơ sở ấy không phải do họ tự vẽ ra mà do chính các cấp chính quyền sở tại nhất trí ngay từ ban đầu khi dự án nuôi trồng thủy sản ra đời. Quyền lợi của người nhận khoán được thiết lập rõ ràng như vậy, bây giờ chối làm sao được. Và việc không đền bù giá trị đất cho họ rõ ràng là chưa đúng, chưa minh bạch.

Dân tố cáo... UBND TP “né” trả lời

Trong đơn thư và hồ sơ gửi báo PL&XH, ông Nguyễn Quang Uy (An 1949, xóm Hòa Tiến, Hưng Lộc, Tp Vinh) nguyên là Chủ nhiệm hợp tác xá xã Hưng Lộc trước năm 1996, và cũng nguyên là phó chủ tịch UBND xã Hưng Lộc khẳng định rằng bản thân ông từng nắm hồ sơ đất đai của địa phương, và khi dự án hồ điều hòa triển khai. Ông cho rằng, trong dự án này, việc đền bù giải phóng mặt bằng, nhiều cá nhân đã lợi dụng khai khống hồ sơ không đúng với thực tế để tư lợi bất chính. Để vạch rõ những nội dung tố cáo, ông Uy đã tìm lại những hồ sơ, tư liệu cũ vẫn còn thể hiện rõ.

Theo đó, ông Uy viện dẫn một loạt nội dung mà ông cho rằng có sai phạm, cụ thể: Thửa đất số 260 diện tích 984,7 mét vuông và thửa số 274 diện tích 797,2 mét vuông tại tờ bản đồ số 42 đo vẽ năm 2001 là đất khai hoang của ông Nguyễn Văn Diên đội 3 thuộc hợp tác xã Hưng Lộc cho một người tên Ngân và 1 số cán bộ thôn Mậu Lâm đứng tên, xác nhận là đất giao khoán lâu năm của hợp tác xã để được hưởng bồi thường giá trị đất và giải quyết việc làm 300 nghìn/mét vuông. Tổng số tiền nhận được từ kê khai không đúng thực tế lên tới gần 540 triệu đồng.

Ông Lê Quang Uy khẩn thiết mong mỏi các cơ quan liên quan vào cuộc làm sang tỏ những nội dung ông tố cáo về việc khai khống nhận tiền không đúng thực tế.


Đất thuộc khu vực Biền Soi đã giao khoán cho xã viên đội 3 thuộc hợp tác xã từ năm 1993 đến 1997, từ năm 1998 thì bỏ hoang hóa. Thế nhưng, chủ tịch UBND xã Hưng Lộc là ông Nguyễn Văn Hà lại xác nhận diện tích 18330 mét vuông là đất giao khoán ổn định lâu dài để được bồi thường tiền giá trị đất và tiền hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề 300 nghìn/mét vuông. Việc làm đó gây thất thoát cho tiền dự án lên tới gần 4,7 tỷ đồng.

Năm 1993, đất thuộc khu vực Bền Nhà Hà đã được hợp tác xã giao khoán cho đội 2, nhưng xã viên không nhận, bỏ hoang. Vậy mà chủ tịch UBND xã Hưng Lộc lại ký xác nhận 9500 mét vuông là đất giao khoán ổn định lâu dài để được hưởng đền bù, gây thất thoát lên tới trên 2,4 tỷ đồng.

Đặc biệt, tại khu vực đất Đồng Thừ, hợp tác xã đã giao khoán từ năm 1993 cho đội 3, đội 4, đội 5, đội 6 và đội 8 tới năm 1998 thì bỏ hoang hóa. Sau đó bán lại cho các cá nhân khác làm đất lò gạch từ năm 1999 đến 2007 Tuy nhiên, hồ sơ thì ông chủ tịch xã Hưng Lộc vẫn ký xác nhận 70.000 mét vuông là đất giao khoán lâu dài, ổn định canh tác nhằm trục. Việc làm này đã gây thất thoát cho dự án lên tới trên 20 tỷ đồng.

“là một Đảng viên, lại làm việc trong hợp tác xã, Phó chủ tịch xã…tôi hết sức đau lòng khi nhìn thấy hiện tượng làm trái tại địa phương. Chủ tịch cũ cùng vì tham lam, làm trái, tôi tố cáo đến mức phải đi tù chịu sự trừng trị của Luật pháp. Nay lại mọc ra ung nhọt mới, liệu rằng dân còn tin được nữa không. Tôi sẽ đấu tranh tới cùng về vụ việc này, hồ sơ nắm rõ vì tôi từng cương qua nhiệm vụ hợp tác xã. Hơn nữa nhân dân lại ủng hộ nên tôi sẽ làm tới nơi tới chốn. Vừa qua, sau khi tôi có đơn gửi Công an tỉnh, UBND TP Vinh, và ủy ban xã Hưng Lộc thì họ có yêu cầu họp đối thoại. Giữa cuộc họp đối thoại, tôi đã vạch rõ từng nội dung tố cáo, và ông Hà chủ tịch không nói được lời nào, người dân tham gia thì hoan nghênh vô cùng. Sai thì phải sửa, dự án này cũng là mong mỏi của nhân dân vì nó làm đẹp quê hương. Nhưng không phải vì điều đó để sâu mọt đục khoét…” – Ông Uy nói.

Không riêng gì hộ ông Uy, mà cả các hộ khác tại xã Hưng Lộc cũng đã có những tố cáo cụ thể về những việc làm bất thường của UBND xã khi xác nhận cho nhiều trường hợp được hưởng tiền đất, tiền đền bù mà thực tế thì những hộ đó không có công lao khai hoang, không có công tôn tạo hay sản xuất. Thậm chí còn diễn ra cả sự việc, từ xưa tới nay xưng quanh vùng ao đầm ấy có một kênh nước chảy để tưới tiêu, một số hộ trồng rau muống dưới lòng kênh, nay cũng được ban đền bù GPMB cho nhận tiền đề bù.

Để rộng đường hơn nữa về những tố cáo của ông Uy và các hộ dân tại xã Hưng Lộc, PV đã liên hệ làm việc với ông Nguyễn Văn Hà – Chủ tịch UBND xã Hưng Lộc, tuy nhiên ông Hà đùn đẩy cho PV làm việc với Ban đền bù GPMB TP Vinh. Tiếp tục tìm tới Ban đền bù GPMB TP Vinh để nắm rõ sự tình này thì PV được ông Nguyễn Tất Hoài Nam – Phó ban lại cho rằng: “Việc áp dụng đền bù là hết sức thỏa đáng, nhiều hộ tố cáo không có cơ sở, chúng tôi cũng đã làm hết trách nhiệm, hết sức cụ thể.” Nói là vậy, nhưng khi PV viện dẫn một số nội dung người dân tố cáo thì ông Nam lại cho rằng chỗ này, chỗ kia chúng tôi vẫn đang xem xét lại hồ sơ.

Người dân cũng hết sức bức xúc phương pháp làm việc của UBND xã Hưng Lộc, UBND TP Vinh và Ban đền bù GPMB dự án hồ điều hòa xã Hưng Lộc. Những cuộc đối thoại, những buổi làm việc dường như chỉ mang tính biện minh thiếu thuyết phục, và cơ bản là “né tránh” những câu hỏi mà người dân muốn sáng tỏ đó là việc đền bù đã đúng, đã thỏa đáng theo chủ trương cũng như Pháp luật?. Những tố cáo của người dân được đưa vào những cuộc đối thoại, tuy nhiên những người chủ chốt chịu trách nhiệm được UBND TP Vinh yêu cầu trực tiếp trả lời sáng tỏ cho dân như Ủy ban xã Hưng Lộc, Ban đền bù GPMB hồ điều hòa lại cứ cố tình “né” những vấn đề cốt lõi dân quan tâm.

Để rộng đường dư luận về nội dung có hay không tiền dự án đã bị trục lợi hàng chục tỷ như người dân tố cáo cùng với những hồ sơ, tài liệu xác thực, PV đã liên hệ với chủ tịch UBND TP Vinh, ông Nguyễn Hoài An, qua trao đổi ông An cũng chỉ nói “ UBND TP cũng làm hết sức để bảo đảm quyền lợi cho dân theo đúng quy định, Có một số cái khác cũng phải xin tỉnh hỗ trợ cho nhân dân. Mong các đơn vị phối hợp để dự án được thực hiện thành công.”.

Thiết nghĩ, để minh bạch trong công tác đầu tư, kiên quyết xử lý đối với tình trạng tham ô, tham nhũng nảy sinh trong đầu tư dự án như trong nhiều các vụ việc đã từng bị phanh phui, UBND tỉnh Nghệ An cần vào cuộc, chỉ đạo cơ quan chức năng nhanh chóng làm sáng tỏ nhằm ổn định tình hình trong nhân dân.

Tác giả bài viết: Hoàng Phạm

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP