Xe

Cách nào để không rơi xuống vực khi đánh lái qua đèo?

Đường đèo, dốc vẫn luôn là thử thách với cánh lái xe, bởi chỉ 1 chút sơ sẩy là rất dễ lao xuống vực. Vậy làm thế nào để đánh lái an toàn qua những cung đường đèo, dốc?

Với địa hình ¾ là đồi núi, Việt Nam được xem là quốc gia có những cung đường nguy hiểm, dễ gây tai nạn cho người tham gia giao thông. Đặc biệt, trong những ngày thời tiết mưa phùn, độ ẩm cao, tầm nhìn bị hạn chế việc điều khiển trên những cung đường đèo, đường dốc càng khó khăn hơn.

Lái xe đường đèo núi, đặc biệt là đổ đèo, là kỹ năng khác biệt hoàn toàn với việc lái xe trên đường cao tốc hay trong thành phố, những sai lầm có thể phải trả giá rất đắt. Để lái xe an toàn trên đường đèo núi liên tục đổ cua, xuống dốc, người lái xe cần trang bị cho các kỹ năng cần có.

Lái xe đường đèo sẽ trở nên nguy hiểm nếu không có những kỹ năng cần thiết.

Dưới đây là những kỹ năng cần thiết cho các lái xe khi đi đường đèo:

1. Kiểm tra phanh, lốp xe

Nên kiểm tra xe trước khi đổ đèo, để chắc chắn nó ở trong trạng thái tốt nhất và an toàn nhất. Hãy bảo dưỡng xe đúng thời hạn để có thể kiểm soát được chất lượng hệ thống má phanh hay lốp xe của bạn, sửa chữa và thay thế kịp thời những nơi hỏng hóc. Đảm bảo dầu phanh và dầu hệ dẫn động đầy đủ. Kiểm tra áp suất lốp, độ mòn của lốp xe, nước làm mát, hệ thống đèn trên xe… trước khi lên đường.

2. Tuân thủ đúng luật giao thông và các biển báo

Vì lý do an toàn, các đoạn đèo dốc luôn có một hệ thống biển báo, gương lồi san sát nhau. Đi đúng tốc độ cho phép, tuân thủ các biển báo, xem xét đánh giá tầm nhìn, khoảng trống, tốc độ khi muốn vượt xe trước. Xi nhan để xin vượt xe.

3. Giữ tốc độ hợp lý

Đi trên đường đèo, hãy đi với tốc độ mà mình cảm thấy an toàn, có thể xử lý vào cua được, giảm tốc nếu thấy có cảm giác chiếc xe lao hơi nhanh.

Tốc độ khi đổ đèo hợp lý nhất là tốc độ mà tài xế có thể làm chủ mà ít phải dùng phanh nhất, lúc đó xe sẽ xuống dốc bằng ga và dựa vào quán tính của xe là chính.

4. Nắm rõ kỹ thuật phanh

Kỹ thuật phanh mà các chuyên gia khuyên dùng là kiểu phanh giữ tốc snubbing. Khi bắt đầu đổ đèo, thiết lập tốc độ và cấp số phù hợp với độ dài và độ dốc của đèo. Ví dụ tốc độ 40 km/h ở số 3. Bắt đầu thả dốc, không dùng chân ga và chân côn, chỉ dùng chân phanh. Khi xe trôi xuống dốc máy sẽ kêu to hơn và trôi nhanh dần, lúc này nhấp giữ phanh khoảng 3 giây để về lại tốc độ cần thiết rồi thả ra để xe tự trôi, tiếp tục như thế cho những đoạn đường còn lại.

Tuyệt đối không được rà phanh liên tục. Sử dụng các hệ thống khác của xe để điều khiển xe giảm tốc độ. Khi rà phanh liên tục và nhiều, má phanh bị ma sát, hệ thống phanh nóng lên, dầu phanh sôi lên gây ra nhiều nguy hiểm cho xe và người lái xe.

5. Kết hợp phanh cơ và phanh bằng hộp số

Đây là một trong những kỹ thuật đã được nhiều lái xe kinh nghiệm truyền lại. Nhiều xe đời mới trang bị hệ thống số tự động thay vì số sàn, nhưng cả hai loại xe đều được hỗ trợ chức năng phanh động cơ khi xuống dốc. Chính vì thế, khi đi những đoạn đường đèo dốc dài, lái xe không nên để số cao nhất, và kết hợp sử dụng phanh cơ.

6. Chạy ở số phù hợp

Để lái xe an toàn trên đường đèo núi liên tục đổ cua, xuống dốc, người lái xe cần trang bị cho các kỹ năng cần có. (Ảnh minh họa. Nguồn: ANTĐ)

Nên chạy xe ở vị trí số phù hợp, thứ mà các lái xe kinh nghiệm gọi là: “lên dốc số nào, xuống dốc số đó”. Với những đoạn đường đèo hay gặp ở Việt Nam, số 2 và số 3 là 2 vị trí số phù hợp nhất. Với những đoạn đèo dài, thoáng và độ dốc đã giảm, có thể đi ở số 4 hoặc 5. Chỉ có 1 số cung đường cực khó hay đường offroad là đi ở vị trí số 1. Với xe số tự động, bạn có thể đặt vị trí số tương tự như số sàn (số ảo), được báo hiệu bằng S hoặc L tùy loại xe.

Chạy xe số phù hợp, và không cần đạp ga, nhằm mục đích sử dụng lực cản của máy để hãm chiếc xe chạy theo tốc độ mà mình muốn khi đổ đèo. Với cách đổ đèo bằng số, xe sẽ xuống dốc ổn định, bạn sẽ đổ đèo nhẹ nhàng và an toàn, ít thao tác nhất.

7. Luôn đi bám vào phần đường bên phải

Khi xe xuống dốc khúc quanh (dốc cua “tay áo”): xe luôn đi bám vào phần đường bên phải của mình, chớ chạy nhanh để hạn chế lực ly tâm đẩy ra làm lật xe hoặc xử lý phanh không kịp thời dẫn đến sự cố phóng xe xuống vực.

Luôn đi đúng làn đường của mình khi chạy xe đường đèo. Đặc biệt, tránh cắt cua ở những nơi có vạch kẻ liền, đây là những góc cua khuất tầm nhìn và rất dễ xảy ra tai nạn.

8. Đừng ôm vạch chia đường

Hầu hết đường đèo núi hẹp hơn đường quốc lộ ở đồng bằng. Một số lái xe có xu hướng bám vạch chia giữa đường để chạy, nhưng kỹ thuật này sẽ không an toàn nếu đường có nhiều xe di chuyển, gây khó chịu cho xe khác, trường hợp xấu dẫn đến tai nạn mà không kịp xử lý, đặc biệt với xe ngược chiều khi vào cua.

9. Luôn nhường đường cho xe khác

Đặc biệt với những xe đang lên dốc mà có xu hướng vượt, cần nhường đường trong điều kiện an toàn và dành một khoảng thời gian đủ để xe đó trở lại đúng làn sau khi vượt. Độ dốc của đường núi hạn chế sức mạnh động cơ, vì thế thời gian để vượt cũng như trở lại làn sẽ lâu hơn so với đường bằng.

10. Cẩn thận khi gặp sương mù, mưa, gió

Khi gặp sương mù, cần đi chậm, quan sát nhiều hơn, bật đèn sương mù và luôn nhớ bám vạch kẻ đường. Thời tiết xấu dẫn tới mất độ bám đường và có thể dẫn tới sạt lở, vì thế luôn cảnh giác, có thể dừng lại nếu cảm thấy nguy hiểm.

Khi trời mưa mà phải lái xe trên đường đèo cũng rất nguy hiểm đến tính mạng, đặc biệt khi trời giông bão, bạn phải bật đèn, giảm tốc độ, lái cẩn thận, phải tránh xe máy, xe đạp.

Tác giả: Hạnh Nguyên (Tổng hợp)

Nguồn tin: Báo VietNamNet

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP