►Bài 1: Uống cà phê hay “bắp + đậu nành pha nước mắm”?
►Bài 2: Trong vòng vây cà phê độc, bẩn: Trăm dâu đổ đầu… người uống (!)
►Lạnh người, cà phê rởm với thành phần bắp, đậu, hóa chất
►Hơn 1/3 cà phê trên thị trường hàm lượng cafeine rất thấp: Người dùng cần… thông minh!
Tuy nhiên, tại Lễ ký cam kết minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê diễn ra tại Hà Nội ngày 25/7chỉ có hai doanh nghiệp là Vinacafé Biên Hoà và Nescafé ký cam kết sẽ sản xuất cà phê nguyên chất và minh bạch thành phần, còn Trung Nguyên – “gã khổng lồ” của cà phê Việt và nhiều doanh nghiệp cà phê khác vẫn “im ắng”, Mê Trang thì đến tham dự và không tham gia ký kết.
Tại sao chỉ có 2 trong rất nhiều doanh nghiệp cà phê ký cam kết? Phải chăng việc minh bạch thành phần cà phê là điều không thể với nhiều doanh nghiệp? Nếu doanh nghiệp cho rằng, việc độn thêm các thành phần khác vào cà phê là vô hại, liệu doanh nghiệp có thể công khai các thành phần khác ấy trên bao bì sản phẩm? Cuối cùng là trách nhiệm của những “ông lớn”ở đâu trong vai trò dẫn dắt thị trường và xây dựng uy tín cho ngành cà phê Việt?
Cà phê nguyên liệu tại một cơ sở sản xuất cà phê bột
Vì sao chỉ có Vinacafé, Nescafé ký cam kết?
Ngày 20/7, trong buổi tọa đàm có tên Cà phê bẩn – Thực trạng và Giải pháp do Hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Việt Nam (Vinastas) và Báo Tuổi Trẻ đồng tổ chức tại TP.HCM, ông Nguyễn Tân Kỷ - giám đốc Vinacafe Biên Hòa đã mạnh miệng tuyên bố: “Từ sau tọa đàm này, Vinacafe sẽ nghiên cứu và sản xuất cà phê được làm từ 100% hạt cà phê nguyên chất”.
Ngày 25/7, Vinacafe là doanh nghiệp tiên phong trong ngành cà phê tham gia Lễ ký Cam kết minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê diễn ra tại Hà Nội do Vinastas tổ chức. Đơn vị này cũng cho biết, kể từ ngày 1/8 sẽ đưa ra thị trường một giải pháp mới để phục hưng hương vị nguyên bản của cà phê với các sản phẩm cà phê nguyên chất 100%. Sự cam kết của Vinacafe như một “cú hích” tích cực trong ngành sản xuất cà phê sạch tại Việt Nam, tạo động lực cạnh tranh, lấy lại uy tín thương hiệu và tôn trọng quyền lợi của người tiêu dùng.
Cùng tham gia ký cam kết của Vinastas còn có một ông lớn khác là Nescafé, vốn là một thương hiệu quốc tế đến từ Thụy Sĩ.
Tuy nhiên, trong cuộc tọa đàm ngày 20/7, trước câu hỏi của các khách mời, Nescafé đã buộc phải thừa nhận sản phẩm cà phê Việt của mình có độn đậu nành với lý do là để phù hợp với khẩu vị và sở thích của người Việt Nam. “Nếu chúng ta chỉ cho ra đời loại cà phê nguyên chất 100% mà quên đi khẩu vị, gu thưởng thức của người Việt Nam thì liệu có phải là một định hướng nên theo đuổi hay không?” - cách trả lời của đại diện Nescafé cho thấy rõ ràng họ đang coi trọng gu tiêu thụ hơn. Như vậy, họ sẵn sàng đánh đổi cà phê nguyên chất để lấy doanh số bán hàng?
Đai diện của Nestle cũng cho biết, Nescafé được sản xuất ở các quốc gia khác trên thế giới không độn, nhưng sản xuất ở Việt Nam thì phải độn. Tuy nhiên khi được hỏi tỉ lệ đậu nành và cà phê là bao nhiêu phần trăm, đại diện Nescafé đã từ chối vì cho rằng mình chỉ có nghĩa vụ công bố cụ thể thành phần với cơ quan nhà nước, còn với người tiêu dùng thì việc công bố là “không có ý nghĩa” nhằm “bảo mật bí quyết kinh doanh”.
Đáp lại câu trả lời của Nescafé, ông Nguyễn Huy Quang, Vụ trưởng Vụ pháp chế (Bộ Y tế) nói ngay: “Nếu anh đã công bố thành phần thì chắc chắn anh phải công bố hàm lượng, chứ không thể gọi là bí quyết”.
Theo ông Quang, đã đến lúc người tiêu dùng phải được biết họ bỏ tiền ra để mua sản phẩm gì? Thành phần chất lượng ra sao, có đúng với giá trị họ bỏ ra vì không thể quy gộp cà phê nguyên chất, cà phê độn thành một tên gọi chung chung là cà phê được.
Như vậy, với tuyên bố của Nescafé, liệu trong lộ trình thực hiện cam kết, Nescafé có chấp nhận cuộc chơi minh bạch tỉ lệ các thành phần trên bao bì hay không? Nếu có thì thời gian cụ thể là khi nào? Liệu đây có phải chỉ là lời hứa suông khi rõ ràng định hướng mà Nescafé đang theo đuổi là sản xuất cà phê chiều lòng khẩu vị của người Việt mà không nhất thiết phải là cà phê nguyên chất?…
Sự im lặng khó hiểu của “gã khổng lồ” Trung Nguyên
Trung Nguyên, được xem là “cây đại thụ” của cà phê Việt, khi chiếm thị phần lớn nhất của ngành lại vắng mặt tại buổi toạ đàm ngày 20/7 và cũng không xuất hiện tại Lễ ký cam kết minh bạch trong sản xuất và kinh doanh cà phê do Vinastas kêu gọi ngày 25/7.
Sự vắng mặt liên tục của Trung Nguyên tại các sự kiện cà phê đã gây không ít sự khó hiểu với người tiêu dùng. Câu hỏi đặt ra: “Trung Nguyên đang ở đâu và làm gì trong bức tranh nhộn nhạo hiện nay của ngành cà phê Việt Nam?” trong khi ngoài G7, Trung Nguyên hiện đang sở hữu rất nhiều sản phẩm cà phê trên thị trường hiện nay.
Trong ma trận cà phê "bẩn", nhiều ông lớn vẫn không lên tiếng trấn an người tiêu dùng
Trong khi câu hỏi với Trung Nguyên chưa có lời giải đáp, nhiều chuyên gia đã làm một phép so sánh: Trên thị trường hiện nay, 1kg cà phê nhân đã có giá 50.000 - 60.000 đồng. Sau khi rang xay chỉ còn lại 700g cà phê bột, cộng thêm chi phí sản xuất, đóng gói, nhân công, vận chuyển thì theo các chuyên gia, giá 1kg cà phê thành phẩm muốn bán có lời phải đội lên ít nhất gấp ba lần.
Thế nhưng một vài nhãn hàng của Trung Nguyên lại có giá rẻ “đáng ngờ”. Chẳng hạn Cà phê Chinh phục S giá 48.900 đồng/500g; Cà phê Khát vọng I giá 57.500 đồng/500g... Như vậy 1kg cà phê S hay cà phê I chỉ có giá trên dưới 100.000 đồng. Với giá thành thấp như thế, liệu trong đó có bao nhiêu phần trăm là cà phê thật sự?
Sự im lặng của Trung Nguyên có phải là sự trốn tránh trả lời “quyền được biết” của người tiêu dùng? Hay Trung Nguyên trốn tránh sự minh bạch thành phần vì không thể minh bạch?
Sự im lặng khó hiểu của Trung Nguyên khiến người tiêu dùng có quyền nghi ngờ những tuyên ngôn mạnh mẽ của Trung Nguyên về câu chuyện xây dựng thương hiệu, về triết lý kinh doanh như “Chỉ có thể là Trung Nguyên”, “Trung Nguyên No.1”, “Người Việt dùng hàng Việt”… hay về những dự án tầm cỡ cho ngành cà phê Việt.
Thiết nghĩ, Trung Nguyên cần lên tiếng về “minh bạch thành phần” trong sản phẩm cà phê của mình.
Tác giả bài viết: Việt Khuê