Cuộc sống

Cả nhà bắt con trai phải ly hôn vợ vì cưới 9 năm không chịu đẻ, biết nguyên nhân ai cũng sững sờ

Anh Luân bị vô sinh do đột biến gen AZFb và các ống sinh tinh đã thoái hóa, vợ chồng anh phải tìm người hiến tinh trùng mới có thể có con.

Chồng điều trị hiếm muộn 9 năm vợ mới được “minh oan”

Vô sinh nam là tình trạng mất khả năng sinh sản hoặc không còn khả năng sinh sản do vấn đề về số lượng, chất lượng tinh trùng, chức năng tình dục hoặc rối loạn khác. Theo thống kê, vô sinh nam chiếm khoảng 40% các trường hợp cặp vợ chồng vô sinh, hiếm muộn hiện nay.

Anh Hoàng Minh Luân (49 tuổi, ở TP.HCM) là con trai độc đinh trong nhà và là cháu đích tôn của cả dòng họ. Sau khi kết hôn với chị Tuyết vào năm 2014, vợ chồng anh luôn bị gia đình hai bên họ hàng hỏi “khi nào sinh con”, hay “sao mãi mà chưa thấy có tin mừng”.

Anh Luân đang được ThS.BS Dương Quang Huy khám và tư vấn. Ảnh: BVCC.

Khi hai vợ chồng đi khám hiếm muộn, chị Tuyết có kết quả bình thường, còn anh Luân thì không có tinh trùng trong tinh dịch. Vì anh Luân là con trai một, lại sợ cha mẹ lo lắng, người ngoài đàm tiếu, họ quyết định giữ bí mật.

Anh Luân cho biết, những năm qua, hai vợ chồng đã điều trị hiếm muộn đông tây y và mổ thông ống nối dẫn tinh 2 lần không thành công. Kết quả sinh thiết tinh hoàn của anh Luân cho thấy, quá trình sinh tinh bị tổn thương. Xét nghiệm gen phát hiện đột biến gen AZFb dẫn đến việc không có tinh trùng.

Dù hai vợ chồng anh rất yêu thương nhau. Chị Tuyết cũng luôn đồng hành, động viên chồng điều trị để cả hai sớm có tin vui. Nhưng gia đình anh Luân cho rằng, do chị Tuyết không chịu sinh con. Hoặc việc hiếm muộn là do chị Tuyết. Họ khó chịu với con dâu, khuyên anh Luân nên ly hôn rồi kết hôn với người khác.

Sau 9 năm điều trị hiếm muộn ở các nơi không thành công, anh Luân mới quyết định công bố sự thật với cả gia đình. Điều này khiến cha mẹ anh và những người trong dòng họ ai cũng sốc. Đến lúc này, chị Tuyết mới được được minh oan. “Cả dòng họ không ai chấp nhận tôi vô sinh. Họ vẫn chờ vợ chồng tôi sinh một đứa cháu”, anh Luân nói.

Sẽ thuyết phục vợ xin tinh trùng để có con

Cuối tháng 4 vừa qua, anh Luân cùng vợ quyết định đến Trung tâm Hỗ trợ sinh sản tại một bệnh viện tư tại TP.HCM điều trị hiếm muộn lần nữa. Lần này họ xác định, nếu thất bại sẽ đi xin con nuôi.

Các bác sĩ đang phẫu thuật cho anh Luân. Ảnh: BVCC.

ThS.BS Dương Quang Huy, Trưởng Đơn vị Nam học IVF là người trực tiếp khám và điều trị cho anh Luân. Vị bác sĩ cho biết, trường hợp của anh Luân là hiếm muộn khó điều trị. Y văn thế giới chỉ ghi nhận vài trường hợp đột biến gen tương tự tìm thấy tinh trùng. Phương pháp điều trị là phẫu thuật để tìm tinh binh, nhưng tỷ lệ thành công thấp. “Tôi vẫn mong muốn được mổ. Nếu kết quả không có, vợ chồng tôi không còn băn khoăn”, anh Luân nói với bác sĩ.

Bác sĩ Huy cho biết, ca phẫu thuật tìm tinh binh của anh Luân không thành công, do các ống sinh tinh của anh đều thoái hóa.

Theo bác sĩ Huy, các nguyên nhân vô sinh nam bao gồm không có tinh trùng, tinh trùng bất thường, đột biến gen, bất thường nhiễm sắc thể, mắc hội chứng hiếm gặp, bệnh giãn tĩnh mạch thừng tinh, biến chứng sau mắc quai bị, chấn thương ở vùng kín… Không chỉ anh Luân mà nhiều nam giới là con trai một đã trở nên áp lực hơn khi phải đối diện với tình trạng này.

Đối với trường hợp vô sinh như anh Luân, TS.BS Nguyễn Khắc Hân Hoan, Trưởng khoa Xét nghiệm di truyền y học, Bệnh viện Từ Dũ (TP.HCM), giải thích AZF (azoospermia factor) là vùng được mã hóa nằm trên nhánh dài của nhiễm sắc thể Y ở nam giới. AZF gồm các tiểu vùng AZFa, AZFb, AZFc, chứa các gen quyết định khả năng sản xuất tinh trùng. Mất AZFc dẫn đến giảm mạnh số lượng tinh trùng, gây vô sinh nam...

Anh Luân cho biết sẽ thuyết phục vợ tìm người hiến tinh trùng để sinh con. Ảnh minh họa.

Hiện nay có khoảng 50% cặp vô sinh do nam giới, trong đó nguyên nhân do gen và nhiễm sắc thể chiếm 10-15% vô sinh nam và 5% trường hợp thiểu tinh nặng có bất thường về di truyền. Vô sinh nam do gen Y gây xóa gen AZF - chiếm khoảng 2%, gây rối loạn phát triển tinh bào, giảm hoặc không tạo tinh trùng… Nguyên nhân đột biến có thể do di truyền, sự tái tổ hợp thay đổi cấu trúc nhiễm sắc thể.

Do chị Tuyết hoàn toàn bình thường, các bác sĩ khuyên anh Luân có con bằng phương pháp xin tinh trùng. “Sau nhiều năm hiếm muộn, tôi hiểu mình gần như không có hy vọng. Lần phẫu thuật này giúp tôi biết tường tận hơn để quyết định hướng đi sắp tới”, anh Luân điềm tĩnh chia sẻ. Anh cũng cho biết sẽ thuyết phục vợ và gia đình xin tinh trùng để có con. “Chỉ cần có con, tôi sẽ yêu thương đứa trẻ như máu mủ của mình”, anh khẳng định.

* Tên các bệnh nhân trong bài đã được thay đổi.

Tác giả: CTV

Nguồn tin: phunuphapluat.nguoiduatin.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP