Đêm hôm ấy, phạm nhân (PN) Trương Hữu Th. chẳng thể nào chợp mắt được vì không ngăn nổi xúc động. Tuy đã cố không làm ảnh hưởng giấc ngủ bạn tù bên cạnh nhưng vẫn có lúc anh ngồi bật dậy, vuốt lại vạt áo, đưa tay sờ mặt... Ngày mai, sau tám năm đằng đẵng, Th. mới lại được gặp vợ trong sự riêng tư.
Vun lại yêu thương
Hiện Th. đã bước sang năm thứ chín của chặng đường 20 năm thi hành án vì tội giết người ở trại giam Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Năm ấy, Th. 33 tuổi. Một bữa đi nhậu về, tức người hàng xóm vốn có mâu thuẫn đất đai; Th. vác dao sang chém. Người chết, kẻ đi tù.
Gia đình Th. rất nghèo, lại càng khốn khó hơn từ dạo ấy. Làm mướn kiếm sống, nuôi ba con ăn học; nhưng dành được đồng nào là chị Ng. lại đùm túm đi thăm chồng. Sau hai năm, chị buồn bã báo cho Th. biết, hai con lớn đã phải nghỉ học, phụ mẹ mưu sinh. Đứng sau chắn song của phòng thăm nuôi, Th. bưng mặt khóc.
Anh xót xa nhớ những đêm vợ chồng động viên nhau ráng nuôi con ăn học, để con không phải theo cái “nghiệp khổ” của mình. Rồi không dưng Th. lạnh lùng đuổi vợ về: “Sao cô không ráng lo cho con, tìm ai phù hợp để cùng lo cho con, chứ chờ “thằng này” đến bao giờ?”.
Rớt nước mắt suốt 70 cây số đường về, chị Ng. tủi thân trách chồng sao nỡ nói với mình như vậy. Bình tâm, chị thử đặt mình vào hoàn cảnh của chồng. Về đến nhà, chị liền viết thư gửi chồng. Đó thật sự là lá thư ấm áp, ngọt ngào nhất mà Th. nhận được trong suốt cuộc đời mình, dù nét chữ nhảy múa, nguệch ngoạc. Thư viết: “Anh đừng cư xử vậy, em buồn lắm. Em có chồng rồi làm sao có ý nghĩ tìm người khác? 20 năm chứ cả đời em cũng chờ anh”.
Lá thư đã xua tan mặc cảm của người tù, nối lại yêu thương. Tám năm dằng dặc cũng đã trôi qua. Một lần vợ lên thăm, Th. hào hứng khoe phần thưởng của nhiều năm tích cực cải tạo: anh được ban giám thị duyệt nguyện vọng cho gặp riêng vợ ở “buồng hạnh phúc”. Chị Ng. đỏ mặt, quay đi.
Anh chị vốn đến với nhau không đăng ký kết hôn nên ngay chiều hôm ấy, chị Ng. viết đơn gửi chính quyền, xin chứng nhận mối quan hệ vợ chồng. Ngày 26/9/2015, chị đến trại. Chị bẽn lẽn kể lại lần gặp chồng ấy, mà chị ví von “từa tựa đêm tân hôn”: “Khi nghe chồng giải thích “buồng hạnh phúc” là sao, tui thấy… kỳ kỳ; nhưng chồng thuyết phục, ở đó hai người được nói chuyện riêng tư hơn nên tui đồng ý”.
Chị nhớ lại cái cảm giác khi đặt chân vào “buồng hạnh phúc”: “Không khác gì… khách sạn. Lúc đầu chúng tôi nhìn nhau bối rối lắm, chỉ dám nắm tay hỏi han. Rồi, vì là vợ chồng nên… quen”. Tính đến nay, vợ chồng Th. đã có ba lần được riêng tư ở “buồng hạnh phúc”.
Đối diện tù tội, nhất là thời hạn án phạt dài, người trong cuộc thường suy sụp tinh thần, nghĩ đời mình coi như đã chấm hết. Nhiều trường hợp PN có gia đình, sự cách trở cả không gian, thời gian khiến nỗi sợ hãi bị người bạn đời bỏ rơi, phản bội đã trở thành một ám ảnh. Vì thế, việc được gặp nhau trong “buồng hạnh phúc” ví như chất keo níu giữ tình vợ chồng, vun lại ngọn lửa của yêu thương.
Tháng 10/2016, Bộ Công an đã ban hành dự thảo thông tư “Quy định việc PN gặp thân nhân; nhận, gửi thư, tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân” để lấy ý kiến. Nếu được thông qua, dự thảo thông tư này sẽ thay thế Thông tư 46/2011 của Bộ Công an.
Theo đó, khoản 3, điều 5 của dự thảo cho phép PN nữ được gặp chồng tại buồng riêng (còn gọi là “buồng hạnh phúc” có ở mỗi cơ quan thi hành án hình sự) nhưng phải sử dụng biện pháp tránh thai và cam kết không có thai.
Theo nhiều giám thị trại giam, thực ra việc cho phép PN gặp vợ/chồng tại buồng riêng đã được áp dụng kể từ khi có pháp lệnh Thi hành án phạt tù, nay là Luật Thi hành án hình sự. Thông tư 46/2011 cũng đã cụ thể quy chế thăm gặp; nhưng giữa lúc vấn đề nhân quyền được đề cao, dự thảo lần nữa càng tô đậm tính nhân văn, tôn trọng quyền con người. Ngoài cải thiện tâm lý PN, tạo điều kiện cho gia đình tham gia giáo dục, còn qua đó giúp PN cải tạo tích cực hơn.
Tấm lòng của người bên ngoài
Lần đầu bước vào “buồng hạnh phúc”, PN Hồ Thị N. ngỡ ngàng, bật khóc. Chồng N. cũng rưng rưng. Tuy yêu thương riêng tư trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, nhưng căn phòng chốn trại giam lại quá khang trang so với hình dung của họ; càng “lộng lẫy” so với cái “tổ ấm” dựng bằng bạt, giường chiếu cũ nát trong căn nhà xập xệ của họ ở quê. N. đang thụ án 13 năm tù vì tội giết người, cướp tài sản ở trại giam Định Thành (tỉnh An Giang).
Gia đình N. vốn rất nghèo, vợ chồng mò cua bắt ốc nuôi hai con nhỏ và người mẹ bệnh tật, cha chồng tai biến nằm một chỗ. Nhiều lần để ý thấy người hàng xóm đeo sợi dây chuyền, N. sinh lòng tham. Một ngày đầu năm 2015, vô tình gặp người đó, N. vờ khoe mẻ cá vừa giăng lưới được muốn bán rẻ, dẫn người hàng xóm ra bến sông để xem.
Rồi N. bất ngờ dùng dây xiết cổ nạn nhân, tháo lấy sợi dây chuyền. N. về đến nhà thì nạn nhân tỉnh lại, hô hoán… Anh Nguyễn Văn S. - chồng N., rất buồn; thương vợ vì nghèo mà nghĩ quẫn, rồi tự trách mình bất tài không lo được cho vợ con. Một tháng sau ngày N. nhập trại, S. lên thăm. N. quyết liệt bắt chồng phải… quên mình đi để làm lại cuộc đời. N. nói: “Thà là chồng đồng ý bỏ em, nỗi đau ấy chỉ “vắt cạn” tâm hồn em một lần rồi thôi; chứ trong chốn lao tù, giày vò bởi ý nghĩ chồng vắng mình rồi tìm vui với người này, người khác, em không chịu nổi”.
Lần ấy, S. đáp lời vợ: “Em ráng cải tạo tốt, sớm về với cha con anh. Anh không bỏ em đâu, đừng nghĩ quẫn”. Nhà ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, tháng nào S. cũng phóng xe máy, qua hai con phà đi thăm vợ. Bao yêu thương anh dồn hết trong cà mèn, khi thì cá lòng tong kho, lúc mớ sặt rim mặn - “đặc sản” S. giăng lưới được. Nhờ sự động viên và tình cảm của chồng, N. cải tạo rất tích cực. Sau ba tháng nhập trại, với thành tích lao động xuất sắc; N. đã viết đơn trình bày nguyện vọng được gặp chồng trong buồng riêng.
Không phải PN nào có nguyện vọng cũng đều được xét duyệt cho gặp vợ/chồng ở buồng riêng. Theo quy chế hiện hành và cả dự thảo thông tư, PN được xem xét gặp chồng/vợ phải đáp ứng các yêu cầu như chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công; “buồng hạnh phúc” như là một phần thưởng. Tuy nhiên, trong nhiều câu chuyện, chốn riêng tư ấy cũng đã trở thành nỗi xót xa của không ít PN.
Ở các trại giam, chuyện vợ/chồng vừa bị tuyên án đã bị người bạn đời quay lưng từng xảy ra rất nhiều, huống gì cho nhau lời hứa sẽ thăm gặp. Con người, suy cho cùng, luôn cần chỗ nương náu mang tên được-thương-yêu và chịu rất nhiều chi phối bởi chốn nương náu ấy. Trượt dài hay mạnh mẽ đứng lên, đôi khi chỉ phụ thuộc “cú đạp” hay cái chìa tay của yêu thương.
Vì thế, qua công tác quản lý PN, nhiều cán bộ nhận định, trong quá trình thi hành án, PN an tâm hay bấn loạn, nỗ lực hay bất cần, buông xuôi cuộc đời hay phấn đấu làm lại… tùy thuộc rất lớn vào tác động tình cảm của thân nhân, nhất là người bạn đời.
Thực tế, theo Trung tá Trần Thanh Vũ - Phó giám thị trại giam Định Thành, một nửa sự thành công của “buồng hạnh phúc” phụ thuộc những người chồng/vợ đang có vợ/chồng là PN. Cởi bỏ được tâm lý phải gặp gỡ người bạn đời trong chiếc áo tù nhân, giữa chốn chẳng đặng đừng, không phải chuyện dễ và không phải người nào cũng vượt qua được.
Năm 2009, PN Võ Thị Hoàng O. chịu án 12 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đang có thai, O. được hoãn thi hành án. Năm 2012, chị nhập trại Định Thành. Thương chồng, nhớ con, O. cố gắng cải tạo. Bốn tháng sau chồng vào thăm, O. khoe thành tích lao động, cho biết có thể được phép gặp gỡ riêng tư.
Đến ngày hẹn, chồng O. mang theo đăng ký kết hôn, giấy khám sức khỏe theo quy chế trại giam đi thăm gặp vợ. Trước khi bước vào “buồng hạnh phúc”, O. đã được cán bộ cho uống thuốc ngừa thai. Nhưng, khi xếp gọn chiếc áo PN của mình đặt sang bên; O. ngỡ ngàng bắt gặp ánh mắt lạnh lẽo của chồng, trân trân theo chiếc áo, vừa như khinh rẻ, vừa như sợ hãi. Bất ngờ, chồng O. đứng lên, đi như chạy ra ngoài. Từ đó, anh viện lý do bận nuôi con và mưu sinh, không đến thăm vợ nữa…
Mong chờ “giờ” hạnh phúc - vội vã bày tỏ yêu thương với bạn đời, giữ được tình cảm với nhau trong giờ khắc ấy, động viên nhau suốt chặng đường thi hành án, với mỗi PN mới thật sự là hạnh phúc trọn vẹn. Giữa bề bộn cuộc đời, để có được hạnh phúc ấy, tình yêu thương phải chắt chiu, lắng đọng…
Vun lại yêu thương
Hiện Th. đã bước sang năm thứ chín của chặng đường 20 năm thi hành án vì tội giết người ở trại giam Cao Lãnh (tỉnh Đồng Tháp). Năm ấy, Th. 33 tuổi. Một bữa đi nhậu về, tức người hàng xóm vốn có mâu thuẫn đất đai; Th. vác dao sang chém. Người chết, kẻ đi tù.
Gia đình Th. rất nghèo, lại càng khốn khó hơn từ dạo ấy. Làm mướn kiếm sống, nuôi ba con ăn học; nhưng dành được đồng nào là chị Ng. lại đùm túm đi thăm chồng. Sau hai năm, chị buồn bã báo cho Th. biết, hai con lớn đã phải nghỉ học, phụ mẹ mưu sinh. Đứng sau chắn song của phòng thăm nuôi, Th. bưng mặt khóc.
Anh xót xa nhớ những đêm vợ chồng động viên nhau ráng nuôi con ăn học, để con không phải theo cái “nghiệp khổ” của mình. Rồi không dưng Th. lạnh lùng đuổi vợ về: “Sao cô không ráng lo cho con, tìm ai phù hợp để cùng lo cho con, chứ chờ “thằng này” đến bao giờ?”.
Rớt nước mắt suốt 70 cây số đường về, chị Ng. tủi thân trách chồng sao nỡ nói với mình như vậy. Bình tâm, chị thử đặt mình vào hoàn cảnh của chồng. Về đến nhà, chị liền viết thư gửi chồng. Đó thật sự là lá thư ấm áp, ngọt ngào nhất mà Th. nhận được trong suốt cuộc đời mình, dù nét chữ nhảy múa, nguệch ngoạc. Thư viết: “Anh đừng cư xử vậy, em buồn lắm. Em có chồng rồi làm sao có ý nghĩ tìm người khác? 20 năm chứ cả đời em cũng chờ anh”.
Lá thư đã xua tan mặc cảm của người tù, nối lại yêu thương. Tám năm dằng dặc cũng đã trôi qua. Một lần vợ lên thăm, Th. hào hứng khoe phần thưởng của nhiều năm tích cực cải tạo: anh được ban giám thị duyệt nguyện vọng cho gặp riêng vợ ở “buồng hạnh phúc”. Chị Ng. đỏ mặt, quay đi.
Anh chị vốn đến với nhau không đăng ký kết hôn nên ngay chiều hôm ấy, chị Ng. viết đơn gửi chính quyền, xin chứng nhận mối quan hệ vợ chồng. Ngày 26/9/2015, chị đến trại. Chị bẽn lẽn kể lại lần gặp chồng ấy, mà chị ví von “từa tựa đêm tân hôn”: “Khi nghe chồng giải thích “buồng hạnh phúc” là sao, tui thấy… kỳ kỳ; nhưng chồng thuyết phục, ở đó hai người được nói chuyện riêng tư hơn nên tui đồng ý”.
Chị nhớ lại cái cảm giác khi đặt chân vào “buồng hạnh phúc”: “Không khác gì… khách sạn. Lúc đầu chúng tôi nhìn nhau bối rối lắm, chỉ dám nắm tay hỏi han. Rồi, vì là vợ chồng nên… quen”. Tính đến nay, vợ chồng Th. đã có ba lần được riêng tư ở “buồng hạnh phúc”.
Đối diện tù tội, nhất là thời hạn án phạt dài, người trong cuộc thường suy sụp tinh thần, nghĩ đời mình coi như đã chấm hết. Nhiều trường hợp PN có gia đình, sự cách trở cả không gian, thời gian khiến nỗi sợ hãi bị người bạn đời bỏ rơi, phản bội đã trở thành một ám ảnh. Vì thế, việc được gặp nhau trong “buồng hạnh phúc” ví như chất keo níu giữ tình vợ chồng, vun lại ngọn lửa của yêu thương.
Tháng 10/2016, Bộ Công an đã ban hành dự thảo thông tư “Quy định việc PN gặp thân nhân; nhận, gửi thư, tiền, đồ vật và liên lạc điện thoại với thân nhân” để lấy ý kiến. Nếu được thông qua, dự thảo thông tư này sẽ thay thế Thông tư 46/2011 của Bộ Công an.
Theo đó, khoản 3, điều 5 của dự thảo cho phép PN nữ được gặp chồng tại buồng riêng (còn gọi là “buồng hạnh phúc” có ở mỗi cơ quan thi hành án hình sự) nhưng phải sử dụng biện pháp tránh thai và cam kết không có thai.
Theo nhiều giám thị trại giam, thực ra việc cho phép PN gặp vợ/chồng tại buồng riêng đã được áp dụng kể từ khi có pháp lệnh Thi hành án phạt tù, nay là Luật Thi hành án hình sự. Thông tư 46/2011 cũng đã cụ thể quy chế thăm gặp; nhưng giữa lúc vấn đề nhân quyền được đề cao, dự thảo lần nữa càng tô đậm tính nhân văn, tôn trọng quyền con người. Ngoài cải thiện tâm lý PN, tạo điều kiện cho gia đình tham gia giáo dục, còn qua đó giúp PN cải tạo tích cực hơn.
Tấm lòng của người bên ngoài
Lần đầu bước vào “buồng hạnh phúc”, PN Hồ Thị N. ngỡ ngàng, bật khóc. Chồng N. cũng rưng rưng. Tuy yêu thương riêng tư trong hoàn cảnh bất đắc dĩ, nhưng căn phòng chốn trại giam lại quá khang trang so với hình dung của họ; càng “lộng lẫy” so với cái “tổ ấm” dựng bằng bạt, giường chiếu cũ nát trong căn nhà xập xệ của họ ở quê. N. đang thụ án 13 năm tù vì tội giết người, cướp tài sản ở trại giam Định Thành (tỉnh An Giang).
Gia đình N. vốn rất nghèo, vợ chồng mò cua bắt ốc nuôi hai con nhỏ và người mẹ bệnh tật, cha chồng tai biến nằm một chỗ. Nhiều lần để ý thấy người hàng xóm đeo sợi dây chuyền, N. sinh lòng tham. Một ngày đầu năm 2015, vô tình gặp người đó, N. vờ khoe mẻ cá vừa giăng lưới được muốn bán rẻ, dẫn người hàng xóm ra bến sông để xem.
Rồi N. bất ngờ dùng dây xiết cổ nạn nhân, tháo lấy sợi dây chuyền. N. về đến nhà thì nạn nhân tỉnh lại, hô hoán… Anh Nguyễn Văn S. - chồng N., rất buồn; thương vợ vì nghèo mà nghĩ quẫn, rồi tự trách mình bất tài không lo được cho vợ con. Một tháng sau ngày N. nhập trại, S. lên thăm. N. quyết liệt bắt chồng phải… quên mình đi để làm lại cuộc đời. N. nói: “Thà là chồng đồng ý bỏ em, nỗi đau ấy chỉ “vắt cạn” tâm hồn em một lần rồi thôi; chứ trong chốn lao tù, giày vò bởi ý nghĩ chồng vắng mình rồi tìm vui với người này, người khác, em không chịu nổi”.
Lần ấy, S. đáp lời vợ: “Em ráng cải tạo tốt, sớm về với cha con anh. Anh không bỏ em đâu, đừng nghĩ quẫn”. Nhà ở huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp, tháng nào S. cũng phóng xe máy, qua hai con phà đi thăm vợ. Bao yêu thương anh dồn hết trong cà mèn, khi thì cá lòng tong kho, lúc mớ sặt rim mặn - “đặc sản” S. giăng lưới được. Nhờ sự động viên và tình cảm của chồng, N. cải tạo rất tích cực. Sau ba tháng nhập trại, với thành tích lao động xuất sắc; N. đã viết đơn trình bày nguyện vọng được gặp chồng trong buồng riêng.
Không phải PN nào có nguyện vọng cũng đều được xét duyệt cho gặp vợ/chồng ở buồng riêng. Theo quy chế hiện hành và cả dự thảo thông tư, PN được xem xét gặp chồng/vợ phải đáp ứng các yêu cầu như chấp hành nghiêm chỉnh nội quy, quy chế trại giam hoặc lập công; “buồng hạnh phúc” như là một phần thưởng. Tuy nhiên, trong nhiều câu chuyện, chốn riêng tư ấy cũng đã trở thành nỗi xót xa của không ít PN.
Ở các trại giam, chuyện vợ/chồng vừa bị tuyên án đã bị người bạn đời quay lưng từng xảy ra rất nhiều, huống gì cho nhau lời hứa sẽ thăm gặp. Con người, suy cho cùng, luôn cần chỗ nương náu mang tên được-thương-yêu và chịu rất nhiều chi phối bởi chốn nương náu ấy. Trượt dài hay mạnh mẽ đứng lên, đôi khi chỉ phụ thuộc “cú đạp” hay cái chìa tay của yêu thương.
Vì thế, qua công tác quản lý PN, nhiều cán bộ nhận định, trong quá trình thi hành án, PN an tâm hay bấn loạn, nỗ lực hay bất cần, buông xuôi cuộc đời hay phấn đấu làm lại… tùy thuộc rất lớn vào tác động tình cảm của thân nhân, nhất là người bạn đời.
Thực tế, theo Trung tá Trần Thanh Vũ - Phó giám thị trại giam Định Thành, một nửa sự thành công của “buồng hạnh phúc” phụ thuộc những người chồng/vợ đang có vợ/chồng là PN. Cởi bỏ được tâm lý phải gặp gỡ người bạn đời trong chiếc áo tù nhân, giữa chốn chẳng đặng đừng, không phải chuyện dễ và không phải người nào cũng vượt qua được.
Năm 2009, PN Võ Thị Hoàng O. chịu án 12 năm tù giam vì tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Do đang có thai, O. được hoãn thi hành án. Năm 2012, chị nhập trại Định Thành. Thương chồng, nhớ con, O. cố gắng cải tạo. Bốn tháng sau chồng vào thăm, O. khoe thành tích lao động, cho biết có thể được phép gặp gỡ riêng tư.
Đến ngày hẹn, chồng O. mang theo đăng ký kết hôn, giấy khám sức khỏe theo quy chế trại giam đi thăm gặp vợ. Trước khi bước vào “buồng hạnh phúc”, O. đã được cán bộ cho uống thuốc ngừa thai. Nhưng, khi xếp gọn chiếc áo PN của mình đặt sang bên; O. ngỡ ngàng bắt gặp ánh mắt lạnh lẽo của chồng, trân trân theo chiếc áo, vừa như khinh rẻ, vừa như sợ hãi. Bất ngờ, chồng O. đứng lên, đi như chạy ra ngoài. Từ đó, anh viện lý do bận nuôi con và mưu sinh, không đến thăm vợ nữa…
Mong chờ “giờ” hạnh phúc - vội vã bày tỏ yêu thương với bạn đời, giữ được tình cảm với nhau trong giờ khắc ấy, động viên nhau suốt chặng đường thi hành án, với mỗi PN mới thật sự là hạnh phúc trọn vẹn. Giữa bề bộn cuộc đời, để có được hạnh phúc ấy, tình yêu thương phải chắt chiu, lắng đọng…
Tác giả bài viết: Tuyết Dân
Nguồn tin: