Du lịch

Bình Định - Trận đồ thế núi hình sông

Đạo quân Tây Sơn bách chiến bách thắng trong lịch sử, nổi tiếng là thiện chiến, có thể cưỡi voi, phi ngựa, đánh thủy, đánh bộ, sử dụng pháo, súng thần công và đặc biệt là thành thục chiến thuật “chiến tranh nhân dân”. Tuy nhiên, một điều dễ nhận thấy là đóng góp vào thành tựu quân sự đó có điều kiện tự nhiên của dải đất Bình Định cổ xưa, với thế núi hình sông như trận đồ.

Cổng thành Bình Định với kiến trúc triều Nguyễn. Ảnh: Thụy Văn

Thủy quân Tây Sơn với lượng chiến thuyền, hạm đội quy mô đã từng thành lập các trung tâm huấn luyện tại vùng duyên hải Bình Định và bán sơn dã phía Tây bây giờ là các huyện An Nhơn, Tây Sơn xứ thượng đạo. Sử sách ghi lại, cửa biển Đề Gi và vùng đầm phá nước ngọt có tên cổ là Đạm Thủy (nước xanh) từng là nơi tập trận và huấn luyện voi chiến của nghĩa quân Tây Sơn. Chưa kể, vai trò đặc biệt của đầm Thị Nại với cảng Nước Mặn – cảng biển lý tưởng có thể neo đậu tàu lớn, chiến hạm thời đó. Với con đường ngắn nhất nối vùng cao nguyên phía Tây (bây giờ là Tây Nguyên), đất Bình Định có một vị trí chiến lược hiểm yếu, yết hầu của miền duyên hải khi sở hữu thế trực chỉ kinh thành Thăng Long bằng đường bộ và đường thủy.

Bước ra từ lịch sử binh biến, Bình Định bây giờ trở thành mảnh đất yên tĩnh lạ thường. Ngoài tài nguyên biển xanh – mà khách du lịch thường tán tụng là nước biển Quy Nhơn trong xanh nhất biển Việt Nam, phải kể đến vốn văn hóa cổ là di tích gồm các thành quách, mộ tháp, công trình quân sự xưa kia mà bóng dáng đậm nét nhất là dấu ấn của triều đại Tây Sơn ở vùng Tây Sơn thượng đạo bây giờ.

Trong cái nắng gay gắt của vùng gió cát An Nhơn, Bình Định, tôi gặp các du khách hiếm hoi lặn lội đường xa tới viếng di tích thành Hoàng Đế. Họ chia sẻ: “Dù di tích hiện nay tọa lạc ở một vùng hoang vu, hẻo lánh, không còn là trung tâm chính trị văn hóa nữa, nhưng trong đời mình, chúng tôi chỉ muốn đến đây được một lần, tận mắt nhìn ngắm địa thế này. Không phải ngẫu nhiên, thế đất này được 3 lần các hoàng đế chọn làm nơi xây dựng tử cấm thành”.

Tên gọi hành chính của khu di tích tòa thành này hiện nay là thành Hoàng Đế. Nhưng nơi này từng là thành Đồ Bàn của người Chăm. Sau 300 năm bỏ hoang phế và vương triều Champa suy tàn, Nguyễn Nhạc lên ngôi hoàng đế nhà Tây Sơn và không tốn nhiều công sức để lựa chọn vị trí đặt kinh đô. Ông cho xây dựng trên nền cũ thành Đồ Bàn cơ nghiệp mới của mình. Vì vậy, thành Hoàng Đế là tên gọi chính thức của ngôi thành cổ vì đích thân Thái Đức Nguyễn Nhạc chọn và xây dựng. Sau đó, thành Hoàng Đế thất thủ về tay Nguyễn Ánh. Số phận tòa thành một lần nữa được định đoạt bởi một thủ lĩnh quân sự và được mang tên là thành Bình Định. Năm 1802, một lần nữa, thành về tay bên thắng trong cuộc chiến là nhà Nguyễn, Tây Sơn suy tàn ở đây và chính vua Gia Long – Nguyễn Ánh sau đó chịu nhiều sức ép của cuộc hậu chiến đã buộc phải dời kinh đô về Phú Xuân, chấm dứt vai trò lịch sử của mảnh đất tử cấm thành An Nhơn.

Chính cuộc di dời này đã “bình địa” thành Bình Định. Vua Gia Long cho tháo dỡ, di dời rất nhiều công trình ở đây về xây dựng thành Phú Xuân. Trong lịch sử, phần đất tử cấm thành được xây dựng trên một gò đồi cao hơn so với thung lũng An Nhơn, nơi có con sông Côn dữ dội chảy từ Tây Nguyên ra cửa biển. Giờ đây, thung lũng An Nhơn trải rộng một màu lúa mới trong cảnh sắc trù phú, êm đềm. Toàn bộ thế núi sông còn lại một vài di tích cũ, nhưng phần lớn lại là di tích văn hóa Chăm. Điều thú vị hơn cả là Di tích thành Bình Định còn lại dấu ấn của 3 giai đoạn đặc trưng của kiến trúc xây lăng tẩm thành quách, đền đài trong lịch sử.

Trong di tích còn nguyên tượng 3 sư tử đá từ thời Champa mà trải qua nhiều binh biến, những tượng đá này vẫn còn nguyên vẹn. Vốn là hình ảnh tượng trưng cho uy quyền của vua chúa, tượng sư tử đá được chạm khắc sống động, tinh xảo, khoáng đạt mà sau này, dù tòa thành thay đổi triều đại, nhưng tượng sư tử đá vẫn được đặt ở vị trí cũ, không hề suy suyển và trơ gan cho đến ngày nay. Tính về niên đại, những bức tượng này đã tồn tại gần một thiên niên kỷ. Đôi tượng voi chiến gồm voi đực và voi cái trước cổng tòa thành – biểu tượng của sự hưng vong binh biến suốt chiều dài lịch sử vùng đất An Nhơn cũng tương tự.

Hiện nay, dấu tích của thành Đồ Bàn còn các tượng đá. Giai đoạn thành Hoàng Đế còn để lại các mảng tường đá ong. Cho đến thời kỳ thành Bình Định lại còn dấu tích của phong cách xây dựng kiểu Kinh thành Huế với chính điện, cổng thành chạm sành, kỳ đài bề thế, bình phong đắp nổi phù điêu. Toàn bộ trong di tích vẫn còn mộ phần các võ tướng từng tử thủ giữ thành và các yếu nhân tên tuổi gắn với ngôi thành 3 lớp nhiều triều đại này.

Còn lại trong tổng thể thế núi hình sông trận đồ của Bình Định là vai trò của đầm Thị Nại với vị trí chiến lược là vịnh kín che chắn cho toàn bộ bờ biển hình trăng khuyết Quy Nhơn đang bung vỡ trong một chiến lược xây dựng cụm kinh tế dịch vụ biển. Đất Bình Định lưng tựa núi, mặt hướng biển đang trên đà phát triển là minh chứng một cách nhìn quân sự của dân tộc ta trong lịch sử.

Tác giả: Thụy Văn

Nguồn tin: Báo Biên Phòng

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP