Thất bại ngay từ lần đầu
Anh Sang bên mô hình sản xuất giun quế tại nhà (ảnh Huấn Cao)
Sau khi tốt nghiệp Trường Đại học Nông Lâm (TP.HCM), ròng rã một thời gian dài không xin được việc làm, Sang trở về nhà khởi nghiệp với đàn gà vài chục con. Tận dụng nguồn giun quế đầy dinh dưỡng từ phân bò có sẵn tại nhà, Sang dùng làm thức ăn cho đàn gà. Không những thế, giun quế còn là nguồn thức ăn hỗn hợp không thể thiếu cho đàn bò của gia đình Sang.
Thương trường không phải là con đường trải đầy hoa hồng, khi đàn gà của chàng trai 9X chuẩn bị xuất chuồng ra thị trường thì trúng ngay đợt dịch, khiến Sang phải ngậm đắng nuốt cay tiêu hủy toàn bộ đàn gà, công sức của anh xem như đổ sông đổ biển.
“Vài năm trước, các hộ dân nuôi giun quế ở Củ Chi bắt đầu phát triển mạnh nhưng tất cả đều lo lắng cho đầu ra của sản phẩm. Hầu như giun quế chỉ bán cho các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ như nuôi cá, phân giun bón cỏ cho bò”, anh Sang kể.
Trại giun quế hơn 1.000m2 được chàng trai 9X nhân rộng tại Củ Chi (ảnh Huấn Cao)
Chưa tận dụng hết mục đích sử dụng của giun quế, Sang lên mạng mày mò, tìm hiểu về đặc điểm sinh sản nhanh, thích nghi với mọi môi trường. Sang nói: “Hầu như mọi người ai cũng biết kĩ thuật nuôi giun, nhưng ít người quan tâm đến lợi ích, hiệu quả là như thế nào”.
Thời điểm đó, người nuôi tôm ở miền Tây bắt đầu tìm tới giun quế để thu mua làm nguồn thức ăn cho tôm. Lúc khan hiếm, giun quế lên đến 150.000 đồng/kg. Thấy vậy, bà con nơi đây ồ ạt bắt đầu mở rộng diện tích, đầu tư chuồng trại. Tuy nhiên, sau một thời gian người nuôi tôm nhận thấy giá giun quế khá cao, không có lời nên chuyển sang thức ăn khác khiến bà con nuôi giun điêu đứng.
Chớp thời cơ
Trước những khó khăn cho đầu ra của giun quế, Sang rất muốn tìm chỗ để bao tiêu cho người dân nhưng không có mối nên anh đành phải bỏ dở công việc. Sang kể, dù còn mê nuôi giun quế nhưng nhu cầu thị trường tiêu thụ khá khó khăn, ít người biết đến. Muốn chuyển sang nghề khác kinh doanh nhưng nghĩ không giúp gì được cho gia đình cũng như bà con quê nhà nên mình cũng buồn”.
Công nhân đang được hướng dẫn về quy trình nuôi giun quế (ảnh Huấn Cao)
Nhờ những kĩ năng nhạy bén về công nghệ thông tin, Sang nảy ra ý định thành lập Công ty cổ phần giun quế Củ Chi, lập website thuê nhân viên quảng cáo sản phẩm của loài giun quế. Ban đầu còn khó khăn về đầu ra, Sang dán nhãn quảng cáo vào sản phẩm để tìm kiếm khách hàng nhưng không phát huy hiệu quả.
Nuôi giun quế vừa xử lý được chất thải từ phân gia súc, gia cầm, giảm thiểu ô nhiễm môi trường còn chuyển hóa từ phân gia súc, gia cầm thành phân hữu cơ cho cây trồng cùng việc tạo thức ăn chăn nuôi cho tôm, lươn…
Nhận thấy giun quế mang lại 3 lợi ích, sau nhiều lần suy nghĩ, chàng trai 9X cất công tìm đến các hộ nông dân trồng rau sạch ở Hóc Môn, Củ Chi, các vùng lân cận... giới thiệu nguồn phân vi sinh từ giun quế chứa nhiều axít amin. Nắm bắt được cơ hội, Sang thu gom tất cả phân thải của giun quế phân phối lại cho các hộ dân trồng rau.
Nuôi giun quế ít tốn chi phí đầu tư ban đầu (ảnh Huấn Cao)
Từ một cơ sở cung cấp nhỏ lẽ, đến nay Sang đã mở rộng sản xuất và cung cấp hơn 100 tấn phân bón giun quế mỗi tháng. Sau vài năm tạo dựng kinh tế trên chính quê nhà, cơ sở sản xuất giun quế của Nguyễn Tự Sang từ diện tích chỉ 300m2 nay mở rộng 1.000m2, giải quyết công ăn việc làm cho gần 50 lao động địa phương. Riêng Sang, hằng tháng tổng thu nhập hàng trăm triệu đồng.
Để đẩy mạnh sử dụng sản phẩm từ giun quế, Sang cho biết thời gian tới sẽ cho ra mắt bộ công cụ giúp cho người trồng rau sạch tự sản xuất phân giun tại nhà với chi phí rất thấp lại tiết kiệm được diện tích. Phương pháp này đã có ở nước ngoài nhưng Sang cũng phải mất hai năm để nghiên cứu tìm ra nguyên lý hoạt động và vật liệu để lắp ráp. Khi thị trường cung cấp sản phẩm cho rau sạch ổn định, Sang sẽ hướng nghiên cứu sản phẩm sang dành cho chăn nuôi.
Sản xuất phân giun tại nhà với chi phí rất thấp lại tiết kiệm được diện tích (ảnh Huấn Cao)
Tác giả bài viết: Huấn Cao
Nguồn tin: