Vẫn còn lâng lâng trong niềm vui trở thành thủ khoa đầu vào chuyên Sinh, Trần Gia Hân (học sinh lớp 9C, Trường THCS Đặng Thai Mai, TP Vinh) chia sẻ, bản thân em và gia đình hết sức bất ngờ trước thành tích này. “Khi thi xong, em cũng tự tính điểm và nghĩ là điểm không thấp, nhưng không ngờ là đạt được tổng điểm 55, trong đó môn Sinh 18,38 điểm” - Gia Hân nói.
Trần Gia Hân bên góc học tập của mình. Ảnh: NVCC
Sinh ra trong gia đình có bố mẹ đều là cán bộ quân đội, không có ai theo ngành Y hoặc có thiên hướng về Sinh học, tuy nhiên từ rất sớm, cô nữ sinh chăm ngoan, học giỏi đã tỏ ra hứng thú với bộ môn này.
Theo Gia Hân, Sinh học là bộ môn khoa học tự nhiên đòi hỏi sự chăm chỉ, sáng tạo, không phải cứ thuộc lòng, “học vẹt” là được mà cần nhất là học hiểu, nắm vững kiến thức cơ bản trong sách giáo khoa, sau đó biết cách xâu chuỗi, hệ thống các nội dung lại với nhau.
Với Gia Hân, “bí quyết” học tốt môn Sinh không có gì to tát. Xuất phát từ niềm đam mê của bản thân, cùng với phương pháp học hiệu quả, thường xuyên tìm kiếm và giải các bộ đề, kết quả môn Sinh của Gia Hân ngày một tăng lên. Đặc biệt, cô nữ sinh xinh xắn bật mí, mạng Internet là công cụ bổ trợ học tập hữu ích nếu mình biết cách sử dụng đúng đắn.
“Em thường xuyên tìm kiếm tài liệu, xem các clip về những hiện tượng sinh học, thế giới tự nhiên… Các clip nước ngoài được làm rất sinh động, chi tiết, giải đáp được nhiều băn khoăn và kích thích sự hiếu kỳ, lòng ham học hỏi của mình” – Trần Gia Hân chia sẻ.
Đam mê và có thành công bước đầu làm nền tảng, động lực, chúc cho Trần Gia Hân ngày càng học tốt, đạt được ước mơ đậu vào Trường Đại học Y khoa Hà Nội, trở thành người bác sỹ giỏi trong tương lai.
Thủ khoa môn Tiếng Anh: “Năng khiếu chỉ chiếm 20% trong việc học Tiếng Anh”
Đó là quan điểm của Dương Đặng Nhật Minh (học sinh lớp 9A, Trường THCS Hưng Dũng) khi được hỏi rằng, yếu tố năng khiếu, thiên bẩm chiếm khoảng bao nhiêu phần trăm trong thành công của việc học Tiếng Anh. Theo Minh, thành công phải đến từ sự nỗ lực. Nếu có năng khiếu trong việc học ngoại ngữ thì “may ra” chỉ chiếm khoảng 20%, còn lại phải dựa vào sự chăm chỉ, cố gắng không ngừng nghỉ mới có được thành công.
Các bộ đề thi Cambridge thường được Nhật Minh "thử sức" để tự đánh giá năng lực của mình. Ảnh minh hoạ: Internet
Nhật Minh từng đạt Huy chương vàng cuộc thi IOE năm học lớp 5, vì thế, kết quả thủ khoa đầu vào Chuyên Tiếng Anh, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu với tổng điểm 51,85 không làm em và gia đình quá bất ngờ. Nhật Minh cho rằng, đây không phải là thành tích lớn lao mà chỉ là kết quả bước đầu, sau này em vẫn cần phải cố gắng nhiều hơn nữa.
Điều đáng chú ý trong phương pháp học tập của Nhật Minh là em rất chăm chỉ nghe hội thoại, đọc sách báo nước ngoài và chủ động dịch các bài văn, bài thơ từ Tiếng Việt sang Tiếng Anh. Ngoài ra, em cũng thường xuyên tìm kiếm các bộ đề hay, đề khó của các trường chuyên trong nước hoặc bộ đề thi Cambridge để thử sức mình.
Tự nhận phần ngữ pháp Tiếng Anh của mình không quá nổi trội, còn phần nghe – đọc thì “nhỉnh” hơn so với một số bạn, Nhật Minh chia sẻ, em sẽ học tập chăm chỉ hơn để bổ khuyết những điểm còn chưa tốt. Hướng đi tương lai của cậu thủ khoa chững chạc này cũng đã sớm được định hình: “Em muốn học tốt Tiếng Anh để từ đó thực hiện ước mơ được làm việc, sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin ở môi trường nước ngoài”.
Thủ khoa môn Địa Lý: “Học mà chơi, chơi mà học”
Thủ khoa Đinh Thị Minh Huyền. Ảnh: NVCC
Trái ngược với những gì mà mọi người thường đinh ninh về phương pháp học các bộ môn khoa học xã hội, Đinh Thị Minh Huyền (học sinh trường THCS Hưng Dũng) - thủ khoa đầu vào Chuyên Địa lý của Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu khẳng định: “Để học tốt môn Địa lý không phải cứ học thuộc là được. Đây là môn học cần có sự liên hệ thực tiễn cuộc sống rất nhiều”.
Huyền chia sẻ, khi học nội dung nào, em thường tìm kiếm tài liệu, liên hệ giữa lý thuyết và thực tiễn để hiểu bản chất của vấn đề. Ví dụ học về vùng kinh tế đồng bằng sông Hồng thì em sẽ đọc báo, tra cứu Internet, tìm kiếm các thông tin về tài nguyên thiên nhiên, tình hình phát triển kinh tế - xã hội, sau đó liên kết thông tin lại với nhau.
Nữ sinh thủ khoa chia sẻ, em không đi học thêm nhiều và cũng không tự tạo áp lực phải đạt thành tích, điểm số cao. Với em, học mà chơi, chơi mà học, kết hợp giữa học tập và giải trí là phương pháp hiệu quả nhất.
Hỏi về ước mơ trong tương lai, Minh Huyền tâm sự, em muốn trở thành nữ doanh nhân thành đạt, đóng góp một phần sức lực của mình cho sự phát triển của quê hương.
Thủ khoa môn Vật lý: Thần tượng nhà Vật lý Albert Einstein
Yêu thích rồi dần đam mê môn Vật lý ngay từ khi “chạm ngõ” môn khoa học tự nhiên lý thú này, thủ khoa Trần Thế Trung chia sẻ: “Vật lý là bộ môn có tính ứng dụng rất cao. Mọi sự vật, sự việc trong tự nhiên, trong cuộc sống hầu như đều có thể lý giải bằng Vật lý”.
Có nền tảng thuận lợi để học tập khi gia đình có truyền thống nghề sư phạm, tuy nhiên bản thân Trung cũng phải nỗ lực rất nhiều. Trước tin vui đạt thủ khoa đầu vào Chuyên Vật lý trường Phan, Trần Thế Trung đã giành Huy chương Bạc cuộc thi IOE quốc gia năm 2017, giải Ba tin học trẻ cấp tỉnh, giải Nhất Toán tuổi thơ cấp tỉnh…
Thủ khoa Trần Thế Trung. Ảnh: NVCC
Được đánh giá là học đều tất cả các môn, nhưng vì tình yêu đặc biệt dành cho Vật lý, Thế Trung dành nhiều thời gian hơn để tìm hiểu, bồi dưỡng kiến thức về bộ môn này. Phương pháp học của em là “nắm được bản chất để hiểu về hiện tượng”, Trung học chắc, học vững lý thuyết trong sách giáo khoa, từ đó vận dụng thực hành, liên tưởng, so sánh với thực tế để nhớ lâu.
“Thần tượng của em là nhà Vật lý Albert Einstein. Em cũng rất mến mộ tài năng của anh Trần Hữu Bình Minh – học sinh trường THPT Chuyên Phan Bội Châu – Huy chương Bạc kỳ thi Vật Lý Châu Á” – Trần Thế Trung tâm sự. Hy vọng rằng, với hai tấm gương sáng trong lĩnh vực Vật lý ấy sẽ là nguồn cảm hứng, động lực cho Trung trên con đường chinh phục những đỉnh cao tiếp theo.
Nguồn tin: Báo Nghệ An