Kinh tế

"Bầu" Đức chia tay bạn đồng hành sau 30 năm gắn bó

Tỷ phú Johnathan Hạnh Nguyễn tham vọng với hàng không, lãnh đạo công ty "bầu" Đức từ nhiệm là thông tin đáng chú ý về đời sống doanh nhân tuần qua.

Người của tỷ phú Trần Bá Dương rút vốn khỏi công ty "vua cá"

Ông Nguyễn Phúc Thịnh là thành viên HĐQT Thaco và tham gia HĐQT Hùng Vương, đại diện phần vốn của nhóm cổ đông liên quan tỷ phú Trần Bá Dương tại doanh nghiệp cá tra này, từ đầu năm 2020. Tuy nhiên, mới đây, ông Thịnh đã đăng ký bán toàn bộ 2 triệu cổ phiếu HVG còn lại với mục đích cơ cấu tài chính cá nhân.

Chủ tịch HĐQT Hùng Vương Dương Ngọc Minh tại buổi lễ nhận đầu tư từ Thaco vào đầu năm 2020 (Ảnh: THA).

Trước đó, đầu tháng 4, ông Thịnh cũng chuyển nhượng 36,6 triệu cổ phiếu HVG, giảm tỷ lệ sở hữu tại Hùng Vương từ 17% xuống dưới 1%. Sau giao dịch này, ông Thịnh không còn là cổ đông lớn của doanh nghiệp thủy sản này.

Đầu tháng 7, tỷ phú Dương cùng Công ty TNHH Sản xuất và Thương mại Trân Oanh cũng đã thoái toàn bộ vốn đầu tư của mình khỏi Hùng Vương. Ông chủ Thaco và công ty riêng của mình bán ra tổng cộng gần 20 triệu cổ phiếu HVG, giảm tỷ lệ sở hữu từ 8,8% xuống còn 0%.

Với động thái thoái vốn mới nhất của ông Nguyễn Phúc Thịnh, nhóm cổ đông liên quan tỷ phú Trần Bá Dương đã rút vốn hoàn toàn khỏi Hùng Vương.

Lãnh đạo Hoàng Anh Gia Lai rút lui khỏi công ty "bầu" Đức

Ông Nguyễn Văn Minh sinh năm 1959, bắt đầu công tác tại Hoàng Anh Gia Lai từ năm 1992. Ông là một trong những cộng sự đồng hành lâu năm cùng Chủ tịch HĐQT Hoàng Anh Gia Lai Đoàn Nguyên Đức ("bầu" Đức). Cá nhân ông sở hữu gần 2,6 triệu cổ phiếu HAG, tương đương 0,3% cổ phần Hoàng Anh Gia Lai.

Song, vừa qua, đơn từ nhiệm của ông Nguyễn Văn Minh vừa được HĐQT Công ty Cổ phần Hoàng Anh Gia Lai thông qua. Ông Minh xin nghỉ với lý do sức khỏe. Trước đó, đầu năm nay, ông Minh cũng xin từ nhiệm vị trí Phó Tổng Giám đốc.

Sau khi ông Minh rút khỏi ban lãnh đạo, HĐQT của Hoàng Anh Gia Lai còn lại 5 người gồm ông Đoàn Nguyên Đức làm chủ tịch, các ông/bà: Võ Trường Sơn, Võ Thị Mỹ Hạnh, Võ Thị Huyền Lan, Nguyễn Thị Huyền làm thành viên. Trong số này, ông Võ Trường Sơn là CEO còn bà Võ Thị Mỹ Hạnh là Phó Tổng Giám đốc tập đoàn.

"Vua hàng hiệu" Hạnh Nguyễn nuôi tham vọng lập hãng bay

Trong văn bản gửi Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính báo cáo về các dự án trọng điểm của doanh nghiệp, ông Hạnh Nguyễn - Chủ tịch HĐTV Công ty TNHH Xuất nhập khẩu Liên Thái Bình Dương (IPPG) - đã đề xuất được thành lập hãng hàng không vận chuyển hàng hóa IPP Air Cargo và hệ thống kho hàng phân phối trung tâm hậu cần Bellazio Logistics.

Ông cho biết, IPP Air Cargo có kế hoạch ký biên bản ghi nhớ mua 10 tàu bay B777 Freighter vận chuyển hàng hóa trị giá khoảng 3,5 tỷ USD với Tập đoàn Boeing, Mỹ.

"Vua hàng hiệu" Johnathan Hạnh Nguyễn tính chi 3,5 tỷ USD mua 10 tàu bay chở hàng của Boeing (Ảnh: IPP).

Hồi tháng 6, Công ty cổ phần IPP Air Cargo do ông Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch đã đề nghị Bộ GTVT xem xét chấp thuận chủ trương đầu tư Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo do Công ty CP IPP Air Cargo làm chủ đầu tư.

Công ty CP IPP Air Cargo đăng ký kinh doanh tháng 3 năm nay, do ông Johnathan Hạnh Nguyễn làm Chủ tịch Hội đồng quản trị. Tổng giám đốc, người đại diện pháp luật của IPP Air Cargo là bà Lê Hồng Thủy Tiên - vợ ông Johnathan Hạnh Nguyễn - cũng là Tổng giám đốc của Tập đoàn IPPG.

Dự án thành lập hãng hàng không IPP Air Cargo có tổng mức đầu tư 2.400 tỷ đồng, tương đương 100 triệu USD. Trong đó 30% là vốn chủ sở hữu và 70% còn lại là vốn huy động.

Theo kế hoạch, trong năm đầu tiên đi vào hoạt động, IPP Air Cargo sẽ khai thác 5 máy bay chở hàng; đến năm thứ hai sẽ tăng lên 7 chiếc và tăng lên 10 chiếc vào năm thứ 3.

IPP Air Cargo lên kế hoạch vận chuyển khoảng 115.000 tấn hàng hóa, đạt doanh thu 71 triệu USD vào năm đầu tiên, dự kiến bắt đầu có lãi từ năm thứ 4 kể từ khi khai thác chuyến bay đầu tiên.

Thương vụ "khủng" kéo giá cổ phiếu tỷ phú Phạm Nhật Vượng

Tuần qua, hai mã cổ phiếu VIC và VRE tăng giá mạnh sau thông tin Vinpearl đã bán thành công 425 triệu USD trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu của Vingroup (VIC).

Theo các tổ chức đồng tư vấn và phát hành, gồm Credit Suisse, HSBC và BNP Paribas, đây là trái phiếu bền vững có quyền chọn nhận cổ phiếu đầu tiên trên thế giới và ghi nhận lượng đăng ký từ nhà đầu tư gần gấp đôi quy mô trái phiếu phát hành. Trái phiếu đáo hạn vào năm 2026, lãi suất 3,25%/năm.

Trước đó vào hồi tháng 4, Vingroup của ông Phạm Nhật Vượng cũng đã chào bán thành công 500 triệu USD trái phiếu có quyền chọn nhận cổ phiếu Vinhomes.

Tác giả: Thế Hưng

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP