Giải trí

Bất cập mùa hoa hậu (2): Có nên bỏ phần thi ứng xử?

Phần thi ứng xử ở các cuộc thi hoa hậu luôn khiến thí sinh, BTC "đau tim" và hao tổn nhiều công sức, thế nhưng, nó có phải là thước đo sự thông minh của họ không hay chỉ đơn thuần là thi xem ai "thuộc bài" hơn?

Bất cập mùa hoa hậu (1): Cái răng làm nên "tội"
​​​​​​​

Không thể hiện chính xác thực lực thí sinh


Lịch sử của các cuộc thi sắc đẹp trên thế giới cũng như ở Việt Nam mấy chục năm qua đều giữ nguyên format với 4 phần thi cơ bản trên sân khấu: trang phục truyền thống, dạ hội, áo tắm và cuối cùng kết thúc bằng phần thi ứng xử để chọn ra hoa hậu. Trong đó, ứng xử là phần thi được coi là đáng sợ nhất, hao tổn tâm sức nhất của các người đẹp.

Thế nhưng, chính Trưởng BTC cuộc thi - ông Lê Xuân Sơn cho rằng, phần thi ứng xử không thể hiện được chính xác thực lực của các thí sinh.

"Áp lực của một đêm chung kết quá lớn cũng như phải trải qua một quá trình dự thi dài có thể dẫn đến mệt mỏi về thể lực lẫn tinh thần, hoàn toàn có khả năng có một số em sẽ không thể hiện được chính xác thực lực của mình. Vì thế, thi ứng xử cũng chỉ là một phần thi có tỉ lệ điểm nhất định chứ nó không quyết định hoàn toàn kết quả cuối cùng", ông Lê Xuân Sơn nói.

Từ ý kiến này, đã có đề xuất nên tiến tới việc bỏ phần thi ứng xử ra khỏi đêm thi trực tiếp. Thay vào đó, hãy cho thí sinh được thi ở một hình thức khác để đánh giá được sát nhất khả năng cúa các người đẹp. Bởi khả năng của mỗi người chỉ có thể đánh giá chính xác khi đặt họ vào đúng hoàn cảnh, môi trường và cả thời điểm.

Ở các cuộc thi tên tuổi trên thế giới như Miss World, Miss Universe... thì đêm chung kết chỉ có ý nghĩa trình diễn và trao giải. Ở Việt Nam cũng không phải là ngoại lệ.

Ông Lê Xuân Sơn tiết lộ: "Theo quy định, chỉ có một BGK với thành phần ổn định xuyên suốt các vòng thi từ ngoài vào trong nên BGK biết rất rõ các thí sinh, những đặc điểm thể hình, nhan sắc đến đặc điểm cá tính của họ. Riêng vòng chung kết kéo dài gần 20 ngày và BGK định hình dần ứng cử viên của mình trong suốt quá trình đó... Đêm chung kết BGK kiểm tra lại những nhận định trước đây của họ hoặc ghi nhận các đột phá của một số thí sinh rồi đưa ra quyết định cuối cùng nên cũng không mất quá nhiều thời gian".


Không phải ngẫu nhiên mà một cuộc thi hoa hậu kéo dài trong khoảng thời gian một tháng, với nhiều phần thi như vậy. Mục đích là để thí sinh bộc lộ năng lực, khả năng giao tiếp trước BGK. Trong khoảng thời gian đó, BGK gần như đã có sự thống nhất trong việc lựa chọn ai là ứng viên hoa hậu.

Ngoài ra, để thẩm định lại lần cuối thì cuộc thi còn có đêm tổng duyệt, các thí sinh sẽ phải trình diễn như đang thi thật. Đến lúc này, gần như BGK đã đưa ra được danh sách "cứng" cho các ngôi vị. Sự thay đổi nếu có cũng rất ít và phần lớn là do khách quan mang lại.

Thi ứng xử: Đừng như "trả bài"

Có thể thấy, phần thi ứng xử được học hỏi từ các cuộc thi có lịch sử lâu đời của thế giới. Tuy nhiên, khi về Việt Nam thì nó đã được "Việt hóa". Nếu như các thí sinh của HHTG đều gần như "tay bo" trên sân khấu với câu hỏi hoàn toàn ngẫu nhiên. Còn ở Việt Nam, chính ông Lê Xuân Sơn- Trường BTC cũng đã khẳng định rằng: BTC không để thí sinh tự bơi trong phần thi ứng xử quá áp lực, bởi họ có thể “chết chìm”.

Thay vào đó, BTC hỗ trợ thí sinh bằng cách cho các thí sinh thảo luận các chủ đề liên quan đến các câu hỏi sẽ đặt ra trong đêm thi chính thức. Điều này nhằm tránh tình trạng họ bị tê liệt khi đứng cái nhìn của hàng chục triệu người xem.

Thùy Dung không được đánh giá cao phần thi ứng xử nhưng cô vẫn giành danh hiệu Hoa hậu vì BGK đánh giá dưa trên cả quá trình

Thực tế, ngay cả khi đã có chủ đề thì việc thí sinh "tự bơi" cũng rất hãn hữu. Nếu không phải là "trợ giúp từ người thân" thì cũng sẽ là từ một nhóm "cố vấn" ở bên ngoài. Như vậy, nếu có thi trực tiếp thì nó cũng không hoàn toàn là thực chất từ suy nghĩ, khả năng của chính các thí sinh.

Sẽ có ý kiến cho rằng, bỏ phần thi ứng xử là không đánh giá được toàn diện hoa hậu, vì hoa hậu là sự tôn vinh của nhan sắc và trí tuệ. Nhưng "trí tuệ" ở đây chỉ đơn thuần là phản ứng nhanh hơn người kia, "thuộc bài" hơn người kia.

Nếu như tại các cuộc thi Miss World hay Miss Universe, phần thi ứng xử luôn mang lại bất ngờ thú vị cho khán giả với những câu trả lời thông minh và cá tính thì ở Việt Nam, đó là phần thi được đánh giá là vẫn mang tính sách vở với những câu hỏi cao siêu và khô khan.

6 cựu hoa hậu dày dặn kinh nghiệm cũng không tránh khỏi run rẩy, lúng túng khi phát biểu trên sân khấu trực tiếp

Điều này không phải do thí sinh Việt kém hơn thí sinh nước ngoài mà có liên quan mật thiết đến nền tảng giáo dục. Các em không được cọ xát thực tiễn, thiếu chú trọng đến kỹ năng giao tiếp trước đám đông... Nói trước một nhóm người đã thiếu tự tin huống chi là trước hàng chục triệu người. Và chỉ đến khi đi thi, các em mới được "phổ cập giáo dục" về kỹ năng giao tiếp, hùng biện.

Hãy nhìn 6 cựu hoa hậu phát biểu cảm tưởng (được chuẩn bị trước) trong đêm chung kết hoa hậu tối 28/8 để hiểu được sự "đau tim" của các thí sinh với sự non nớt về tuổi đời và "non trẻ" của nền giáo dục đang trên đà tiệm cận với thế giới.

Phần thi bikini là "linh hồn", Miss World vẫn "đoạn tuyệt"

Miss World vốn là cuộc thi có khởi điểm từ một buổi trình diễn bikini vào năm 1951, nó cũng được coi là "linh hồn" cho cuộc thi trong suốt mấy chục năm; thế nhưng cách đây 2 năm, bà Julia Morley- Chủ tịch Miss World đã công bố với các giám đốc quốc gia rằng phần thi bikini sẽ được loại bỏ hoàn toàn kể từ năm 2015.

Hoa hậu Thế giới với xuất phát điểm là cuộc thi bikini nhưng giờ đây người ta đã loại bỏ phần thi này trên sân khấu trực tiếp

Hành động này của bà Julia Morley được tạp chí Elle đánh giá là "đang tiên phong tạo bước chuyển cho nền công nghiệp sắc đẹp và nhằm thúc đẩy những ngành khác, để việc đánh giá phụ nữ không phải là bởi vẻ hào nhoáng bên ngoài hay bằng đường cong cơ thể qua các bộ bikini". Thay vào đó, phần thi áo tắm được hợp nhất với phần thi Hoa hậu Bãi biển.

Nhưng phần thi này cũng được thi với hình thức các người đẹp tham gia một buổi chụp hình riêng để ban giám khảo chấm điểm chứ không tổ chức công khai cho tất cả các khán giả nhìn ngắm, chiêm ngưỡng.

Không phải ngẫu nhiên mà cuộc thi hoa hậu được gọi là “xem” chứ không ai gọi là đi “nghe hoa hậu”. Và hoa hậu nói hay không quan trọng bằng làm hay, sống hay. Đó mới là đích đến của một hoa hậu, khiến họ xứng đáng với danh hiệu và ý nghĩa với cộng đồng.

Tác giả bài viết: Minh Nhật

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP