Thế giới

Báo Trung Quốc: Người dân xem ông Tập Cận Bình là 'lãnh đạo xuất chúng'

Chủ tịch Tập Cận Bình được dân Trung Quốc ngưỡng mộ và xem như nhà lãnh đạo xuất chúng khi ví ông với Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, theo khảo sát do một tạp chí thuộc Nhân dân nhật báo công bố.

Ông Tập Cận Bình được dân Trung Quốc ngưỡng mộ và xem như nhà lãnh đạo xuất chúng, theo một khảo sát của tạp chí Diễn đàn nhân dân

Tạp chí Diễn đàn nhân dân trong số mới nhất phát hành hồi đầu tuần này đăng kết quả khảo sát với 15.000 người, viết rằng: “Sự vươn lên của một quốc gia vĩ đại cần nhà lãnh đạo mạnh, xuất chúng và duy nhất” để dẫn dắt đất nước.

"Phẩm chất đặc biệt của Tổng bí thư Tập Cận Bình với tư cách là người lãnh đạo một quốc gia vĩ đại đã giành được sự tin yêu và sự ủng hộ của đại đa số cán bộ", tạp chí viết, và thêm rằng tất cả mọi tầng lớp trong xã hội

Trung Quốc "trông chờ" vào phẩm hạnh của ông Tập.

Tạp chí này ví ông Tập như Mao Trạch Đông và Đặng Tiểu Bình, những nhà lãnh đạo quyền lực nhất của Trung Quốc trong những thập niên trước đây đã làm thay đổi diện mạo đất nước.

"Chính chủ tịch Mao đã làm chúng ta đứng lên, nếu không chúng ta vẫn còn mò mẫm rất lâu trong bóng tối", tạp chí viết, trong khi cho rằng ông Đặng Tiểu Bình đã mang lại sự giàu có cho Trung Quốc. Tuy nhiên công và tội của những nhà lãnh đạo này vẫn còn nhiều tranh cãi, theo AFP.

"Bây giờ Trung Quốc phải ‘vững mạnh’, người dân có thể nhìn thấy điều đó rõ ràng và rằng chúng ta phải dựa vào Tổng bí thư Tập”, tạp chí viết tiếp.

Bài báo ra đời trong bối cảnh vừa qua 400 nhà lãnh đạo của đảng Cộng sản Trung Quốc nhóm họp tại Bắc Kinh để bàn về những thay đổi trong cấu trúc lãnh đạo và kỷ luật của đảng.

Ông Tập lãnh đạo Trung Quốc từ năm 2012 và nổi lên như một người quyền lực nhất đại lục kể từ sau thời Mao Trạch Đông. Các nhà phân tích cho rằng ông Tập đang tìm cách kéo dài nhiệm kỳ quyền lực của mình hơn thời hạn qui định 10 năm, theo AFP ngày 26.10.

Hình ảnh của ông Mao Trạch Đông và ông Tập Cận Bình

Ông Willy Lam, giáo sư chính trị tại đại học Trung Quốc của Hồng Kông nói rằng trong nền chính trị của Trung Quốc, nhà lãnh đạo "xuất chúng" biểu thị mức độ thẩm quyền cá nhân mà không bị hạn chế bởi giới hạn nhiệm kỳ,

"Ý tưởng về nhà lãnh đạo ‘xuất chúng’ sẽ cho phép ông ta không bị ràng buộc bởi tuổi nghỉ hưu. Đây là một trở ngại rất lớn cho cải cách chính trị và thể chế vì sự hồi sinh của việc sùng bái cá nhân theo chủ nghĩa Mao", ông Lam nói với AFP.

Ông Lam cho biết khái niệm nhà lãnh đạo “xuất chúng” sử dụng cho ông Tập từ cuối tháng 12.2015, nhưng sau đó biến mất, có thể do có nhiều người phản đối.

Tạp chí cho biết nhiều người được khảo sát nói rằng họ ngưỡng mộ tư duy chiến lược của ông Tập, cả bản lĩnh đối mặt với vấn đề và "uy tín cá nhân" của ông.

Bài báo kết luận với cảnh báo đáng sợ rằng nếu làm suy yếu nhà lãnh đạo “xuất chúng”, “có thể sẽ dẫn đến nội chiến, sự xâm lược của nước ngoài và cảnh cùng cực của người dân. Đây là bài học xương máu 100 năm trong lịch sử Trung Quốc”.

Tác giả bài viết: Minh Quang

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP