Phút bù giờ thứ 5 của hiệp 2 trận chung kết lượt về AFF Cup 2008 giữa Việt Nam và Thái Lan trên SVĐ Mỹ Đình, tỷ số cả hai lượt khi ấy đang là 2-2 chia đều cho đôi bên.
Ở thời điểm đó, giải đấu không áp dụng luật bàn thắng sân khách. Cũng vì thế, việc ghi 2 bàn trên sân Thái Lan ở lượt đi (trong khi Thái Lan mới ghi 1 bàn tại Mỹ Đình) không giúp thầy trò HLV Calisto giành được lợi thế.
Lê Công Vinh không phải là người được chỉ định sẽ thực hiện pha đánh đầu này trong lúc tập luyện. Nhưng số phận vẫn đưa anh trở thành người làm nên lịch sử cho Việt Nam. |
Pha đá phạt không đúng ý thầy “Tô”
Nếu không thể ghi thêm bàn thắng, Việt Nam cùng với Thái Lan sẽ phải bước vào hiệp phụ. “Thời điểm đấy, tỷ lệ cho 2 bên là 50-50. Không bên nào lợi hơn bên nào. Chúng ta thừa biết rằng trước đó đã có nhiều thời điểm Việt Nam đánh rơi chiến thắng tưởng chừng như nắm chắc trong tay. Tất nhiên cầu thủ chúng tôi khi ấy vẫn có niềm tin. Nhưng bóng đá chẳng thể nói trước được điều gì”, cựu trung vệ Vũ Như Thành kể lại.
Thời điểm ấy, phút cuối cùng của hiệp 2, Việt Nam được hưởng một quả đá phạt chếch bên phía cánh trái. Người thực hiện là Minh Phương. Nếu tách khỏi bầu không khí xoay quanh 4 vạn khán giả ở Mỹ Đình thì đó đơn thuần là một tình huống đá tập mà các cầu thủ Việt Nam đã rèn đi rèn lại trước đó.
Cựu tiền đạo Việt Thắng kể lại, nếu như đúng bài, Minh Phương sẽ chuyền bóng về góc xa. Khi ấy cùng lúc, Công Vinh sẽ di chuyển cắt mặt để khiến hậu vệ đối phương chú ý đến mình, qua đó mất đi sự tập trung ở góc xa, nơi Việt Thắng và Phước Tứ sẽ chạy chỗ và đánh đầu dứt điểm. Nhưng mọi thứ ở Mỹ Đình lúc bấy giờ không diễn ra đúng như bài tập ấy.
“Pha ghi bàn lịch sử của Công Vinh ở trận chung kết AFF Cup diễn ra không đúng với tính toán. Bởi vì Minh Phương đã đá sai”, cựu tiền đạo Việt Thắng kể lại.
HLV Henrique Calisto đã dự định cử Việt Thắng hoặc Phước Tứ làm người dứt điểm trong tình huống này. Ảnh: Hoàng Hà. |
Cú đánh đầu ngược lịch sử
Hồi tưởng lại pha đá phạt ấy, cựu tiền vệ Nguyễn Minh Phương thuật lại: “Khi bước chân lên thực hiện, tôi chỉ biết cố gắng sút sao cho thật khó. Để nếu bóng không đến được với ai thì cũng gây khó khăn cho thủ môn Thái Lan. Tôi không nghĩ Công Vinh có thể ghi bàn”.
“Nhưng đúng ở thời điểm ấy, Công Vinh như một bản năng, một phản xạ có điều kiện và cả đẳng cấp của một sát thủ”, cựu tiền đạo Việt Thắng ca ngợi người đồng đội. “Anh ấy đã thực hiện một cú đánh đầu ngược không tưởng. Đánh đầu ngược đã khó, đưa được bóng vào lưới lại càng khó hơn”.
“Tôi nói thật, nếu bất cứ ai khác không phải Công Vinh đánh đầu, kể cả tôi đi nữa thì bóng chắc chắn đi ra ngoài chứ không thể khiến bóng bay về góc xa rồi vào lưới đâu. Đó là sự nhạy bén, một bản năng sát thủ của Công Vinh. Cậu ấy đã có một cú chạm bóng quá tinh tế”, Việt Thắng tâm sự.
Không còn một cơ hội nào nữa cho Thái Lan. Công Vinh cũng chẳng kịp mặc lại chiếc áo mà trước đó anh đã cởi phăng trong một cơn vỡ oà nức nở. 4 vạn khán giả có mặt ở Mỹ Đình đêm ấy đã được chứng kiến một khoảnh khắc lịch sử. Cả đất nước Việt Nam ngất ngây trong niềm vui chiến thắng.
Đường chuyền lỗi của Minh Phương đã vô tình trở thành pha kiến tạo quan trọng nhất lịch sử bóng đá Việt Nam. |
“Tôi vẫn nhớ chúng tôi khi ấy bị xem là đội tuyển Việt Nam yếu nhất trong 10 năm qua”, cựu trung vệ Vũ Như Thành kể lại trong nỗi buồn. “Nhưng thực sự trong nội bộ, chúng tôi biết rằng đây là một đội tuyển đoàn kết và gắn bó nhất mà tôi từng được góp mặt”.
“HLV Calisto đã truyền cho chúng tôi một niềm tin. Để rồi phong độ của đội tuyển cứ ngày một đi lên cho đến trận đấu cuối cùng. Thực tế sau chiến thắng đầy khó khăn trước Singapore ở vòng bán kết, trước 6 vạn khán giả trên sân đối phương mà tiếng ồn của họ khiến chúng tôi như muốn hét vào tai nhau ở trên sân dù chỉ đứng cạnh nhau 2 mét, tôi đã có niềm tin rất lớn rằng Việt Nam sẽ đánh bại Thái Lan để lên ngôi vô địch. Chúng tôi không sợ Thái Lan. Và khi đội bóng kiểm soát được thế trận, bẻ gãy những đòn tấn công của Thái Lan, tất cả đã nghĩ đến chiến thắng. Và sự thật đúng là như thế. Việt Nam đã vô địch AFF Cup lần đầu tiên và duy nhất trong lịch sử”.
Tác giả: Hạnh Nguyễn
Nguồn tin: zing.vn