Vận rủi mà Hemingway tiên liệu về một ngày thật xa của loài người đã trở thành hiện thực ở biển miền Trung Việt Nam.
Ngày thứ 84, kể từ khi biển miền Trung bị ô nhiễm, thủ phạm đã được nêu đích danh, cũng là 84 ngày biển chết đối với dân.
Bên cạnh mỏ neo nằm trơ, u buồn trên bãi, tàu thuyền nằm bờ, ngư dân vẫn nhìn ra biển, họ thờ ơ trước thông tin sẽ được bồi thường: Cái chúng tôi cần là biển trong lành…
Một điều mới đây thôi là lẽ đương nhiên như sáng mai thức dậy thấy mặt trời mọc, giờ thì xa lắm.
Ngư dân thấm mệt vì sự chờ đợi kéo dài, đợi biển hồi sinh, đợi công lý được thực thi!
Formosa cúi đầu xin lỗi
Ngày cuối cùng của tháng 6 là “ngày đáng xấu hổ” cho Formosa theo cách nói của hãng thông tấn CNA trích lời cơ quan đối ngoại Đài Loan.
Kết quả điều tra của Chính phủ Việt Nam đã khiến Formosa phải nhận trách nhiệm, xin lỗi và bồi thường thiệt hại 500 triệu USD đối với việc gây ô nhiễm cho môi trường biển miền Trung.
Không thể không nói đến tiếng nói chính trực của truyền thông và cá nhân trên mạng đã đấu tranh không mệt mỏi tạo áp lực nhằm đem sự cố tồi tệ này ra ánh sáng.
Phía Formosa đã đưa ra lời xin lỗi, các nghị sĩ, truyền thông Đài Loan cũng gây sức ép lên Formosa cũng như các nhà đầu tư Đài Loan vì sự xấu hổ quốc gia. Bản tin của CNA trích lời cơ quan đối ngoại của Đài Loan kêu gọi các nhà đầu tư phải tôn trọng luật lệ địa phương, cũng như chịu trách nhiệm xã hội để không ảnh hưởng tới hình ảnh của Đài Loan và quan hệ đối ngoại của vùng lãnh thổ này.
Tuy cúi đầu xin lỗi nhưng trên thực tế Formosa đã đặt người Việt vào thế đã rồi, không có nhiều lựa chọn, rất trầm trọng trong giải quyết hậu quả. Bởi vậy, câu hỏi những ai phải chịu trách nhiệm cần thiết được đặt ra.
Bộ trưởng Bộ Tài nguyên - Môi trường nói, có khoảng thời gian Formosa do sự cố điện đã đổ thẳng chất thải ra biển mà không qua xử lý, dòng hải lưu cuộn bờ đã gây ra thảm họa môi trường kinh khủng đó: Sau nhiều ngày thu thập bằng chứng, đấu tranh, cuối cùng Formosa phải thừa nhận có sự cố chập điện liên quan đến việc vận hành của quá trình kích hoạt vi sinh ở khu xử lý nước thải. Đây là khâu quyết định việc có xử lý được phenol hay không. Hệ thống này tê liệt dẫn đến nước thải bị đổ ra biển mà chưa qua xử lý.
Dưới góc độ khoa học thì ở trạng thái bình thường, toàn bộ chất thải của nhà máy này thải xuống biển trong một vài ngày cùng lắm là ảnh hưởng cho đến hết vùng biển Hà Tĩnh. Chính chúng tôi cũng rất đau đầu với câu hỏi: Cơ chế nào đưa nguồn ô nhiễm này đi theo dòng hải lưu, ảnh hưởng tới 4 tỉnh như vậy? Sau rất nhiều khảo sát, đánh giá, các nhà khoa học đã xác định, chất thải của Formosa Hà Tĩnh đã trộn với nhau ra một hợp chất phức. Hợp chất này nặng hơn nước biển, chìm xuống đáy và hút các chất độc hại phenol, xyanua vào nó. Chúng ta hình dung một cách đơn giản là nó như một tấm chăn khổng lồ chứa độc cứ thế trôi ngầm theo dòng hải lưu, đi đến đâu sẽ làm xảy ra các phản ứng hóa học ở đó và khiến cá ở tầng đáy chết hàng loạt. Phát hiện này chính là chìa khóa của vấn đề.
Bộ trưởng cũng nói rằng, chỉ mới đánh giá được thiệt hại trực tiếp của dân, mức độ tồn lưu, còn có những thiệt hại lớn hơn nữa như tổn thương tâm lý, hệ lụy khác.
Bà Phạm Chi Lan - chuyên gia kinh tế - bình luận trên truyền thông: Chính phủ Việt Nam đã làm rất tốt việc bắt Formosa phải cúi đầu chịu lỗi trước người dân Việt Nam, vì ban đầu thái độ của tập đoàn này rất ngông nghênh khi thách thức người dân Việt Nam chọn giữa “cá và thép”. Đây là một thái độ rất hỗn xược.
Tuy nhiên, ở đó vẫn có 2 thông tin chưa được giải đáp. Thứ nhất, trong bức thư mà Formosa gửi cho nhân viên thì họ nói là do lỗi của các nhà thầu phụ. Vậy ở đây, các nhà thầu phụ là ai? Có lẽ Chính phủ Việt Nam cần biết đích danh tên các nhà thầu phụ đó để đưa ra quyết định cấm họ không được vào Việt Nam thực hiện thêm bất kỳ dự án nào.
Thứ hai là về phía Việt Nam, những cá nhân, tổ chức nào có trách nhiệm trong vụ việc này khi buông lỏng sự quản lý, giám sát, hoặc là đưa ra những “ưu đãi” vượt quá quy định cho Formosa so với một nhà đầu tư nước ngoài, để họ gây ra thảm họa ngày hôm nay. Theo tôi, phải làm rõ điều này vì còn mang tính răn đe để không có trường hợp nào xảy ra trong tương lai nữa. Để những cá nhân, tổ chức này vô can là điều không thể được.
Tôi cũng rất tán thành khẳng định của Bộ trưởng Tài nguyên - Môi trường Trần Hồng Hà là không thể đánh đổi kinh tế - xã hội với môi trường.
Sao quan chức Việt Nam không xin lỗi dân?
Có những người Việt đáng xấu hổ vì đã buông lỏng quản lý, không thực hiện việc giám sát đầu tư của Formosa nói riêng và những công ty có khả năng gây thảm họa môi trường nói chung như nhà máy giấy, boxit, titan, xi măng lò đứng…
Đáng tiếc là chưa thấy họ xếp hàng ngang xin lỗi nhân dân như những người Đài Loan đã làm.
Bài học nói không với ô nhiễm môi trường đặt ra từ nhiều năm trước, không phải là bài học mới, quan chức không ngây thơ đến độ không biết, nên người dân có quyền nghi ngờ về “động cơ” như chia sẻ của nhà báo Nguyên Trân: Từ nhiều năm trước, câu hỏi có nên thu hút đầu tư bằng mọi giá đã có câu trả lời là KHÔNG. Tuy nhiên, thực tế đã không được như vậy. Trả giá trên mảnh đất thân yêu của đất nước mình quá nhiều rồi. Bây giờ phải là lúc làm nghiêm khắc, nhà máy gây ô nhiễm phải thay đổi công nghệ, quan chức cho nhà máy gây ô nhiễm vào mà không kiểm soát phải “liên đới”.
Và cả nhiều tiếng nói cá nhân trên mạng cũng phải xấu hổ vì đã công kích những tiếng nói chính trực theo kiểu truy bức “động cơ là gì?” hoặc đưa thông tin sai sự thật để bảo vệ nhóm lợi ích...
Không thể phát triển bằng hy sinh môi trường
Sự cố môi trường luôn là thảm họa kéo dài, đặc biệt khi nó xảy ra ở môi trường tán phát, lưu chuyển như nước. Một vị tiến sĩ về tài nguyên nước và môi trường nhận định: Đối với duyên hải miền Trung, điều đáng lo nhất là những di hại sau thảm họa này. Hệ động thực vật biển trong một vùng rộng lớn lan tỏa theo hải lưu chưa bị chết ngay vì mức độ nhiễm độc chưa tới ngưỡng gây tử vong tức thời nhưng cũng đã bị nhiễm độc và sẽ di hại rất lâu dài khi đánh bắt để làm thực phẩm.
Đã rõ đối với một số loại hình đầu tư như sản xuất thép, giấy, xi măng lò đứng, titan, luyện kim…, khả năng ô nhiễm môi trường là cực lớn, cần đưa vào danh mục không khuyến khích và nếu đã xuất hiện thì phải nghiêm ngặt trong toàn bộ thủ tục pháp lý, giám sát…
Tiếc rằng, với khát vọng vươn lên hàng đầu, công nghiệp hóa cực nhanh, nhiều địa phương và cán bộ thẩm quyền đã bỏ qua các thủ tục cần thiết để rồi khi xảy ra thảm họa thì toàn dân gánh chịu. Chính phủ nên xem xét lại việc phân cấp xét duyệt đầu tư cho địa phương, việc này nên tập trung lên cấp Chính phủ để đảm bảo tính khoa học, chính xác trong thẩm định và cấp phép.
Trước mắt, cần tập trung kiểm tra những quyết định phê duyệt báo cáo đánh giá tác động môi trường và giấy phép xả thải đã được cấp cho các dự án công nghiệp trong thời gian ít nhất là 5 năm qua để có đánh giá chuẩn xác về những nguy cơ gây ô nhiễm môi trường và hiệu quả thực tế của các giải pháp kiểm soát ô nhiễm của các dự án này.
Cần thực hiện theo đúng quy định trong Luật Bảo vệ Môi trường 2015 và Luật Tài nguyên Nước 2013 để cộng đồng dân cư và các tổ chức, cá nhân liên quan tham gia ý kiến một cách minh bạch và đúng thực chất. Những dự án nào chuẩn bị đưa vào hoạt động mà qua rà soát thấy chưa thực hiện các bước tham vấn ý kiến cộng đồng thì phải bắt buộc thực hiện lại.
Cần phải xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Việc thẩm định đánh giá tác động môi trường phải là thủ tục để thẳng tay loại bỏ những dự án có nguy cơ gây tổn hại tài nguyên hay gây ô nhiễm môi trường.
Tác giả bài viết: KHANG HOÀNG