|
Sắn là một nguồn cung cấp carbohydrate dồi dào, giàu calo và chứa các vitamin, khoáng chất quan trọng. Sắn là một nguồn cung cấp vitamin C, thiamine, riboflavin và niacin. Sắn cũng là một nguồn cung cấp tinh bột kháng, có thể tăng cường sức khỏe đường ruột bằng cách giúp nuôi dưỡng các vi khuẩn có lợi cho đường ruột.
Mặc dù vậy, trong sắn có chứa một thành phần độc tố khá nguy hiểm, mọi người cần hết sức cẩn trọng khi ăn.
Trong củ sắn có chứa chất độc là axit cyanhydric (HCN), một chất có thể gây độc chết người. Lượng chất độc trong sắn phụ thuộc vào nơi trồng, giống sắn (sắn đắng, sắn cao sản chứa HCN cao hơn sắn ngọt). Độc tố axit cyanhydric của củ sắn nằm ở 3 bộ phận: hai đầu củ sắn, xơ sắn và nhiều nhất là ở vỏ sắn.
Mọi người không nên ăn sắn sống, sắn nấu chưa chín, ăn sắn cả vỏ hay ăn quá nhiều vì có thể dễ hấp thụ chất độc này. Khi ăn và hấp thụ quá nhiều axit cyanhydric có thể làm suy giảm chức năng tuyến giáp và thần kinh. Nó cũng có thể gây tê liệt và tổn thương các cơ quan, và thậm chí gây tử vong Việc ngâm và nấu chín sắn sẽ làm cho các hợp chất này trở nên vô hại.
Biểu hiện ngộ độc sắn |
Mức độ nhẹ: Người bị ngộ độc thấy váng đầu, nóng bừng mặt, ù tai, chóng mặt, ngứa ngáy, tê chân tay, buồn nôn và đau bụng…
Mức độ nặng: Người bị ngộ độc có biểu hiện vật vã, khó thở, run và co giật. Sau đó đi vào hôn mê, rối loạn nhịp thở, hạ huyết áp, truỵ mạch, có thể tử vong nếu không được cấp cứu kịp thời.
Cách xử trí ngộ độc sắn |
Khi bị ngộ độc sắn, việc đầu tiên cần làm là gây nôn cho nạn nhân. Gây nôn bằng cách cho nạn nhân uống nhiều nước, lấy tay sạch chạm nhẹ vào họng.
Trong khi nạn nhân nôn, người bên cạnh cần đỡ lấy đầu nạn nhân, để nghiêng về một bên và dùng khăn lau sạch các chất dịch. Sau đó cần đưa ngay nạn nhân đến cơ sở y tế, mang theo thức ăn gây độc hoặc đồ đựng còn dính thức ăn đó để xác định chất độc.
Trong trường hợp nặng, nạn nhân có biểu hiện rối loạn ý thức, hôn mê, cần đặt nạn nhân ở tư thế nằm nghiêng an toàn và nhanh chóng chuyển ngay đến cơ sở y tế gần nhất để cấp cứu kịp thời.
Người không nên ăn sắn |
- Phụ nữ mang thai: Củ sắn chứa axit cyanhydric (HCN) có thể gây rối loạn tiêu hóa, ngộ độc. Do đó, bà bầu nên tránh ăn món này để an toàn cho cả mẹ và bé.
- Trẻ nhỏ dưới 3 tuổi: Hệ tiêu hóa của trẻ còn non nót nên chưa thực hiện tốt việc tiêu hóa cũng như đào thải chất độc do đó phụ huynh không nên cho bé ăn nhiều những món chứa chất độc như măng, sắn kẻo chất độc tích tụ trong cơ thể. Đặc biệt, không cho trẻ ăn sắn khi đói.
Cách chế biến sắn không gây ngộ độc |
-Ăn sắn tươi: Ăn sắn tươi cũng là một cách nhiều người lựa chọn để thưởng thức loại củ bổ dưỡng này. Tuy nhiên, cần đặc biệt lưu ý phải ngâm sắn trong nước để làm giảm các chất độc hại cho sức khỏe.
Thời gian ngâm sắn cần thiết là 2 ngày. Trong 2 ngày này, cứ 3 đến 4 giờ thì thay nước một lần. Như vậy sau 2 ngày, bạn có thể thưởng thức sắn tươi theo ý muốn của mình.
-Nấu chín sắn: Với những thực phẩm có nguy cơ gây độc như sắn, mặc dù có thể ăn sắn tươi theo cách trên tuy nhiên cách chế biến đó không được khuyến khích. Thực phẩm tươi khó có thể đảm bảo được an toàn thực phẩm. Cách an toàn nhất là gọt vỏ, hấp, luộc, nấu chín tùy ý.
Không nên ăn những củ sắn lâu năm hoặc sắn dẻo không bở, sắn có vị đắng, đọt sắn non. Những loại này có chứa nhiều HCN có thể gây ngộ độc.
Sắn cắt lát và phơi khô cũng làm giảm chất độc. Tuy nhiên, không nên ăn nhiều sắn khi đói bụng và nên ăn kèm với các thức ăn khác.
Khi ăn sắn nên chấm với đường hay mật để trung hòa chất độc. Nếu thấy sắn có vị đắng nên bỏ đi vì sắn càng đắng thì càng nhiều axít cyanhydric.
Cần lưu ý: Không nên ăn nhiều sắn vào lúc đói. Không nên ăn sắn nhiều vào buổi tối, vì nếu bị ngộ độc, nạn nhân đang ngủ khó phát hiện. Không nên cho trẻ nhỏ ăn sắn vì trẻ dễ bị ngộ độc và khi bị ngộ độc thường nặng hơn.
Tác giả: Thanh Huyền
Nguồn tin: Báo Tiền phong