|
"Chúng tôi từng chi 150.000 USD (khoảng 3,8 tỷ đồng) để trở thành thành viên cộng đồng và đợi thêm vài năm để có một cuộc gặp với ‘chuyên gia’", ông Nguyễn Đức Hạnh, CEO All Asia Vacation, nói với Tri Thức - Znews.
“Chuyên gia”, theo ông Hạnh, là các agency giỏi nhất trong những người giỏi. Họ được giới thượng lưu, người nổi tiếng lựa chọn để tổ chức các chuyến du lịch độc quyền.
Chưa thể trực tiếp tiếp cận những vị khách thuộc giới siêu giàu, ông Hạnh chọn cách tham gia mạng lưới có “chuyên gia”, giới thiệu đến họ dịch vụ đáng tiền, đáng thời gian mà mình sở hữu và xác định chưa chắc đã thành công.
Đến hiện tại, dịch vụ của ông Hạnh và đội ngũ đã nhận cái gật đầu của không ít người thuộc tầng lớp "1% dân số thế giới", trong đó có Larry Page - nhà đồng sáng lập Google hay Bill Gates - nhà sáng lập Microsoft, trong chuyến du lịch đến Đà Nẵng hồi tháng 3.
Tiền chỉ là thứ yếu
Sau hơn 20 năm tổ chức những chuyến du lịch cao cấp cho giới siêu giàu, ông Hạnh cho rằng yếu tố quan trọng để tiếp cận tệp khách này là sự kiên trì và sáng tạo; thu hút khách bằng những giá trị mang lại chứ không phải bằng việc cạnh tranh về giá.
Đối với khách siêu giàu, thứ duy nhất họ không thể tạo ra thêm đó là thời gian, từng giây, từng phút của họ rất quan trọng. Khách luôn đặt câu hỏi "tại sao": "Tại sao chúng tôi phải đến đây?", "Tại sao phải làm điều này?"..., và doanh nghiệp lữ hành phải dùng những giá trị, trải nghiệm độc đáo để trả lời cho câu hỏi ấy.
"Nếu trải nghiệm không có sẵn, chúng tôi phải tạo ra nó", ông nói.
|
|
|
Jetski trên sông Nho Quế hay bữa ăn ngắm nhìn núi rừng Hà Giang là 2 trong số nhiều dịch vụ độc quyền được cung cấp cho khách du lịch thượng lưu. Ảnh: All Asia Vacation. |
Theo ông Hạnh, du lịch xa xỉ không phải là những dịch vụ đắt đỏ nhất, điều đó ai cũng có thể làm. Thứ du khách cần là những trải nghiệm độc nhất, mang tính cá nhân hóa.
"Khi chúng tôi hỏi về những điểm nổi bật sau mỗi chuyến đi, không tỷ phú nào kể về khách sạn 5 sao hay bữa ăn tại nhà hàng Michelin. Thay vào đó, họ nhớ đến những trải nghiệm thú vị. Tuy nhiên, để kết nối và tạo ra những trải nghiệm như vậy thật sự không dễ", ông nói.
Ông kể về năm 2018, khi đơn vị của mình đón gia đình một tỷ phú nổi tiếng trong giới tài chính tại Mỹ. Họ di chuyển bằng máy bay tư nhân từ New York (Mỹ) sang Thái Lan rồi đến Việt Nam du lịch.
"Chúng tôi mời khách ngồi trên vỉa hè thưởng thức ẩm thực đường phố, lái xe băng qua những ngõ ngách nhỏ, khám phá chợ trời ở thủ đô Hà Nội. Cuối cùng, đây lại là những trải nghiệm đáng nhớ nhất của họ trong những ngày ở Việt Nam", ông Hạnh kể.
Đôi khi, đơn vị phải bao trọn quán nguyên ngày hoặc nửa ngày chỉ để khách uống cà phê trong 30 phút.
"Chúng tôi luôn cố gắng mang đến cho khách không gian riêng tư nhưng vẫn giữ bầu không khí địa phương. Chúng tôi bố trí những thực khách 'không bình thường' ngồi ăn uống, trò chuyện để khách không lạc lõng và không bị quấy rầy", ông Hạnh nói.
Topas Ecolodge Sapa là nơi lưu trú của Mark Zuckerberg trong chuyến du lịch Việt Nam năm 2011. Ảnh: Topas Ecolodge. |
Giản dị và gần gũi đời sống người dân bản địa, đó cũng là cách khu nghỉ dưỡng Topas Ecolodge Sapa (Lào Cai) tiếp đón Mark Zuckerberg - CEO Facebook (bây giờ là Meta) vào năm 2011.
Chia sẻ với Tri Thức - Znews, đại diện resort này cho biết đã tổ chức cho Mark cùng nhóm bạn đạp xe, trekking qua các bản làng dân tộc Dao, Mông và tham gia các trò chơi của dân tộc bản địa như ném còn, bịt mắt bắt dê, cưỡi trâu...
Đại diện đơn vị Topas Ecolodge cho biết các tỷ phú quốc tế thường đặt trước dịch vụ vài tháng đến cả năm với lịch trình chi tiết được lên rất kỹ. Họ thường lưu trú từ 2-3 đêm để có thể trải nghiệm đầy đủ các dịch vụ và tìm hiểu văn hóa địa phương.
"Khách luôn muốn có trải nghiệm chân thực nhất nên không gian phòng ốc đều được chúng tôi giữ nguyên, đậm nét bản địa. Họ thường tham gia các tour trekking ngắm ruộng bậc thang và khám phá văn hóa", vị này cho biết.
Bên cạnh đó, khu nghỉ dưỡng còn cung cấp dịch vụ quản gia riêng. Người này sẽ nghiên cứu kỹ các thói quen, sở thích của khách để phục vụ chu đáo nhất.
"Không gì là không thể"
Với khả năng chi trả không giới hạn, nhóm khách siêu giàu có đặc thù thay đổi ý định liên tục ngay trong chuyến đi. Vì vậy, những doanh nghiệp như của ông Hạnh phải chuẩn bị rất nhiều phương án dự phòng với sự hỗ trợ của lượng lớn nhân sự.
Tệp khách thượng lưu thường khảo sát điểm đến, dịch vụ nhiều tháng trước chuyến đi, điều chỉnh và thay đổi nhiều lần.
Ông Hạnh cho biết đôi lúc khách gửi đội ngũ đến đi thử lần một để đánh giá về lịch trình, hoạt động, sau đó góp ý điều chỉnh. Tiếp đến, đội ngũ an ninh sẽ sang Việt Nam để đi thử lần 2, mọi thứ đều được rà soát kỹ lưỡng trước khi thân chủ chính thức đặt chân đến Việt Nam.
Để chinh phục đối tượng khách này, ông Hạnh cùng đội ngũ làm việc với khẩu hiệu "nothing impossible" - tạm dịch "không gì là không thể".
"Có lần, chúng tôi đón vị khách người Do Thái đến nghỉ dưỡng tại Zannier Hotels Bãi San Hô (Phú Yên). Họ yêu cầu thực phẩm phải đạt tiêu chuẩn theo chứng nhận Kosher, chúng tôi buộc phải ship đồ ăn gần 500 km từ TP.HCM ra Phú Yên chỉ để phục vụ cho một bữa ăn tối", ông Hạnh kể.
Một lần khác, khách thích loại đồ uống mà Việt Nam không có. Đơn vị đã cử người chuẩn bị sang Philippines mua về, rất may vào phút chót đã tìm thấy đơn vị cung cấp ở TP.HCM và nhờ chuyển nó ra Hội An để phục vụ khách.
Khách thượng lưu được đưa đón bằng trực thăng đến điểm nghỉ dưỡng. Ảnh: All Asia Vacation. |
Ông Hạnh ví người làm tour như đầu bếp, sử dụng nguyên liệu để làm nên những món ăn đặc biệt, trở thành trải nghiệm khó quên cho du khách. Mỗi du khách có một "khẩu vị" khác nhau, vì vậy không phải khi nào trải nghiệm thành công với người này cũng có thể áp dụng cho vị khách khác.
Doanh nghiệp lữ hành phải liên tục nghiên cứu, sáng tạo, quan sát phản ứng của khách ngay trong hành trình để tạo ra trải nghiệm khác biệt, phù hợp với từng chân dung du khách.
"Chúng ta cần biết khách hàng muốn gì và cung cấp những thứ khách muốn chứ không phải phục vụ những gì chúng ta có", ông Hạnh chia sẻ.
Ví dụ, đón du khách tại Sapa, đội ngũ của ông Hạnh tìm cách gia giảm món thắng cố nổi tiếng sao cho phù hợp với khách cao cấp, nhưng vẫn giữ được giá trị văn hóa bản địa
Hay như tại Hà Giang, để tạo nên trải nghiệm độc nhất cho khách khi đến địa phương này, ông Hạnh đã xin phép chính quyền địa phương để có thể tổ chức cho khách đi bè tre, lái jeski ngắm cảnh trên sông Nho Quế…
Là một thị trường ngách đầy hấp dẫn, ít cạnh tranh, nhóm khách hàng siêu giàu được xem là "đại dương xanh" chứa đựng nhiều cơ hội để phát triển. Tuy nhiên, đây cũng là thị trường rất khó để tiếp cận và chinh phục.
Mặc dù đã đón khách siêu giàu trong 20 năm qua, ông Hạnh vẫn luôn có cảm giác hồi hộp, lo lắng khi chuẩn bị đón khách. Theo ông, bí quyết để thành công chinh phục khách đó là để lại ấn tượng, gây thiện cảm cho khách trong lần đầu gặp mặt bằng sự chuyên nghiệp, nụ cười chân thành trong 30 giây đầu tiên.
"Ấn tượng ban đầu rất quan trọng bởi vì 'đầu xuôi thì đuôi mới lọt'", ông cho hay.