Điều đáng nói là kể từ khi xảy ra vụ việc gây tai nạn cho cháu Nguyễn Trần Đức Sang, những bên có liên quan gây ra thảm cảnh cho cháu lại “đá bóng” trách nhiệm cho nhau (?!).
Sự việc diễn ra vào ngày 2/8/2016, cháu Nguyễn Trấn Đức Sang đi từ nhà ông nội sang nhà ông ngoại chơi. Khi đến trước nhà chị Nguyễn Thị Vân tại thôn Xuân Hòa, cháu Sang dừng lại chơi (thường ngày cháu vẫn chơi ở đây). Tại thời điểm đó, công nhân của Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà đang thi công việc di dời cột điện. Cháu Nguyễn Trần Đức Sang đứng xem. Thế nhưng, do việc thi công không đảm bảo an toàn của công nhân đã làm cột điện đổ xuống, đè lên chân trái của cháu Nguyễn Trần Đức Sang. Hậu quả là cháu Sang bị dập nát chân trái, gãy xương đùi trái, máu ra rất nhiều.
Sau khi tai nạn xảy ra, mọi người đưa cháu Sang đến Bệnh viện Đa khoa huyện Lộc Hà cấp cứu rồi chuyển lên Bệnh viện Đa khoa tỉnh Hà Tĩnh. Do chấn thương quá nặng, cháu lại được đưa ra Bệnh viện Việt Đức (Hà Nội) để chữa trị. Nhưng trên đường đi, cháu bị chảy máu quá nhiều nên phải ghé Bệnh viện Sản nhi tỉnh Nghệ An để cấp cứu. Do vết thương quá nặng, không cầm được máu, cháu phải phẫu thuật cắt cụt chân trái. Sau 1 tuần điều trị, cháu Nguyễn Trần Đức Sang bị nhiễm trùng và tiếp tục phải chuyển ra Bệnh viện Việt Đức cấp cứu, điều trị, phẫu thuật lại và cắt bỏ phần hoại tử và phẫu thuật cố định diện gãy xương đùi trái.
Kể từ khi sự việc xảy ra đến nay, vợ chồng anh chị Nguyễn Đức Quế - Trần Thị Hường đã làm đơn đề nghị gửi đến Trung tâm Viễn thông Lộc Hà và các ban, ngành chức năng có liên quan yêu cầu Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà phải có trách nhiệm khắc phục hậu quả đã gây ra với cháu Nguyễn Trần Đức Sang, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết khiến gia đình rất bức xúc.
Ngày 24/10/2016, Văn phòng UBND huyện Lộc Hà đã có Văn bản số 146/UBND-VP gửi Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà đề nghị phải có trách nhiệm với gia đình cháu Nguyễn Trấn Đức Sang. Ngày 27/10/2016, Trung tâm Viễn thông Lộc Hà đã có Công văn số 48/CV-TTVTLH gửi chị Trần Thị Hường (mẹ cháu Sang) yêu cầu gia đình kê khai các khoản bồi thường. Sau đó gia đình chị Trần Thị Hường đã làm bảng kê khai, nhưng đến nay vẫn chưa được giải quyết?
Điều đáng nói, trong Công văn gửi gia đình chị Trần Thị Hường, Trung tâm Viễn thông Lộc Hà lại có ý định đùn đẩy trách nhiệm cho 3 người thi công hôm đó (gồm các ông Hồ Bá Tam, Lê Chí Thanh, Trần Mạnh Hà). Ba người đã được Trung tâm Viễn thông huyện Lộc Hà có hợp đồng thuê di dời cột điện.
Từ khi cháu Nguyễn Trần Đức Sang bị tai nạn phải cưa chân, vợ chồng chị Trần Thị Hường và người thân trong gia đình rơi vào khủng hoảng tinh thần, cứ nghĩ đến đứa con mới 5 tuổi là anh chị lại uất nghẹn trong bất lực. Tổn thương về tinh thần khiến anh chị suy sụp. Anh chị nhìn cháu với những giọt nước mắt đau đớn.
Chị Hường bùi ngùi trong nước mắt: “Cứ nghĩ con phải cả đời mất đi một chân, tôi lại đau buồn không biết phải làm thế nào. Trước cháu nhanh nhẹn lắm, giờ thấy các bạn cùng trang lứa vui chơi, tôi như đứt từng khúc ruột”.
Anh Nguyễn Đức Quế (bố cháu Sang) mắt lệ đỏ hoe chua xót: “Nhìn con mất một chân, phải ngồi xe lăn, tôi đau đớn lắm. Từ ngày xảy ra chuyện, cháu thấy ai cũng sợ, cứ chui trong gầm bàn, gầm giường. Rồi đây, không biết tương lai của cháu như thế nào”.
Từ một cậu bé nhanh nhẹn, giờ đây cháu Sang đã mất đi một chân, đối diện với một tương lai bất định, là gánh nặng cho gia đình. Các bên liên quan cần có những hành động để bù đắp cho nỗi đau của cháu Nguyễn Trần Đức Sang bởi đời cháu sẽ không còn được may mắn như các bạn khác. Cần có sự bù đắp và động viên cha mẹ cháu bởi sự ám ảnh về đứa con anh chị đã dứt ruột đẻ ra giờ là gánh nặng lớn cho gia đình.
Thương hiệu & Công luận sẽ tiếp tục thông tin về vụ việc này trong các số báo tiếp theo.
Tác giả bài viết: Danh Tạo
Nguồn tin: Thương Hiệu & Công Luận