Xã hội

Nếu Hồ Xuân Hương sống lại…

... Chắc nữ sĩ sẽ nổi giận thét lên: “Thôi đừng lấy tên ta đặt tên giải nữa”, khi giải thưởng văn học nghệ thuật (VHNT) Hồ Xuân Hương lần thứ năm (2010-2015) của Nghệ An - quê hương nữ sĩ - vừa công bố kết quả với lắm điều chướng tai gai mắt.

Giải Hồ Xuân Hương: Giám khảo vừa đá bóng vừa thổi còi?

Đó là chuyện bà Chủ tịch Hội VHNT tỉnh Nguyễn Thị Phước kiêm nhiệm chủ tịch chín hội đồng sơ khảo. Trả lời thắc mắc chuyện bất thường này, bà Lưu Thị Hồng Trâm, chuyên viên UBND tỉnh, người soạn thảo quy chế giải thưởng, bảo rằng: “Là chủ tịch Hội VHNT nên am hiểu hết chín chuyên ngành của giải, vì thế tham gia chấm cùng lúc chín giải là chuyện bình thường!”.

hoxuanhuonggpww xaoi
Bà chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương - Ảnh tư liệu

Câu trả lời nghe hết sức vô tư. Không chỉ bà chuyên viên soạn thảo điều lệ giải vô tư, mà hầu hết thành viên chín hội đồng sơ khảo đều rất vô tư đưa tác phẩm vào dự thi trong lúc mình chấm giải. “Vừa chấm giải vừa dự thi” vui đáo để. Giải thích việc này, bà chuyên viên soạn điều lệ giải còn vô tư hơn: “Họ có tác phẩm dự thi nhưng không được chấm tác phẩm của mình nên vẫn bảo đảm chất lượng của giải”. Thế thì ta trao đổi nhau vậy: Anh chấm tôi rồi tôi chấm anh là đúng quy chế. Kết quả là hầu hết thành viên cả chín hội đồng đều đoạt giải cao. Riêng hội đồng thơ có năm thành viên chấm giải thì bốn người có tác phẩm dự thi đều đoạt giải: Giải A được trao cho bà chủ tịch hội, hai giải B và một giải khuyến khích trao cho ba thành viên còn lại! Nhiều người nghi ngờ chuyện chấm giải thì mấy tác giả đoạt giải bảo còn có hội đồng chung khảo nữa mà. Nhưng ông phó chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An, kiêm chủ tịch hội đồng chung khảo cho biết ông không có thời gian nên chấm giải dựa trên kết quả sơ khảo. Thế là rõ.

Trao đổi với nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, Chủ tịch Hội Nhà văn Hà Nội, về chuyện “vừa chấm giải vừa dự thi” của Hội VHNT Nghệ An - quê hương ông, ông Nguyên bảo đây là chuyện không bình thường. Hội Nhà văn Hà Nội mà ông là chủ tịch thì tuyệt đối không xảy ra chuyện này. Tôi nhớ trước kia cũng có một số trường hợp có thành viên ban giám khảo đưa tác phẩm dự thi đoạt giải, dù với tên khác nhưng khi bị phát hiện, giải thưởng cũng bị thu hồi.

Nhân nói chuyện thu hồi giải thưởng tôi lại nhớ chuyện mà cố thi sĩ Phùng Quán đã kể, nghe rất ngậm ngùi. Đó là khoảng cuối năm 1975, dịch giả Nguyễn Hữu Hiệu báo tin nhà thơ Phùng Quán mới vào Sài Gòn. Bọn làm thơ trẻ chúng tôi vốn rất ngưỡng mộ Phùng Quán - một thi sĩ - kẻ sĩ nổi tiếng với bài thơ Lời mẹ dặn, đã tìm đến thăm ông. Trong câu chuyện quanh ấm trà, ông kể chuyện đời ông khốn khổ thế nào sau khi tham gia nhóm Nhân văn giai phẩm. Phùng Quán bị cấm viết và bị đuổi ra khỏi Hội Nhà văn. Ông kể khoảng năm 1960, đời sống khó khăn quá, ông liều viết một truyện thiếu nhi, ký tên vợ ông để tham dự cuộc thi truyện thiếu nhi của Nhà xuất bản Kim Đồng. Truyện đoạt giải. Giải thưởng là một chiếc xe đạp. Vợ ông nhận giải, mừng mà run, sợ rồi sẽ lộ chuyện. Và rồi chuyện đó cũng đến. Gần một năm sau, không biết ai báo cáo là truyện do Phùng Quán viết, ban tổ chức giải đã đòi giải thưởng là chiếc xe đạp lại! Phùng Quán kể xong nhoẻn miệng cười nhưng mấy đứa tôi nghe xong đều ứa nước mắt.

Tác giả bài viết: Phạm Chu Sa

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP