► Công an thành phố Vinh: 'Cảm ơn tài xế xe tải đã kiện chúng tôi'
► Nghệ An: Cảnh sát giao thông bị tài xế kiện ra tòa
Trước phiên tòa hành chính sẽ được mở trong thời gian sắp tới theo đơn khởi kiện của tài xế Phan Đình Anh, phóng viên VietQ.vn đã có cuộc trao đổi với luật sư Hà Huy Phong - Giám đốc Công ty Luật TNHH Inteco - về vụ việc.
PV: Thưa Luật sư, gần đây dư luận đang rất quan tâm đến việc tài xế Phan Đình Anh khởi kiện Công an Tp. Vinh về việc ban hành quyết định xử phạt hành chính không đúng pháp luật. Ông có theo dõi về việc này và ý kiến của ông như thế nào? Khả năng tài xế thắng kiện như thế nào?
Luật sư Hà Huy Phong: Qua báo chí, tôi có tìm hiểu và biết một số thông tin về vụ việc. Đây là một vụ kiện hành chính do người khởi kiện không đồng ý với quyết định hành chính do cơ quan Nhà nước ban hành. Tôi còn được biết, mặc dù không đồng ý với việc xử phạt nhưng anh tài xế đã nộp phạt theo đúng quyết định và thực hiện việc khởi kiện để yêu cầu Tòa án phân xử. Đây là một hành động rất văn minh và có văn hóa. Tôi đánh giá cao hành động này của tài xế Phan Đình Anh. Công dân có quyền yêu cầu Tòa án phân xử lại việc cơ quan hành chính ban hành văn bản sai trái hoặc có hành vi sai trái gây thiệt hại tới quyền lợi của mình. Chúng ta không nên cự cãi hoặc có hành vi chống đối không đúng chuẩn mực mà có thể học theo cách của anh tài xế này.
Luật sư Hà Huy Phong Giám đốc - Công ty Luật TNHH Inteco
Theo tôi biết thì Tòa án đã thụ lý vụ án và đang trong quá trình xem xét hồ sơ, thu thập thông tin. Do đó, chúng ta không thể đưa ra kết luận cuối cùng thay Tòa được. Theo ý kiến cá nhân của tôi, khả năng tài xế thắng kiện là không nhỏ, nếu Tòa án có thẩm quyền xem xét vụ việc một cách công tâm và khách quan.
PV: Trả lời phỏng vấn của một tờ báo gần đây, ông Phó trưởng Công an TP Vinh nói rằng: “Chúng tôi phải cảm ơn tài xế vì đã kiện quyết định xử phạt hành chính của CSGT ra tòa. Vụ việc được đưa thông tin qua báo chí chúng tôi mới có dịp tuyên truyền luật được”. Như thế cho thấy là Công an Tp. Vinh rất tự tin và hẳn là Phó trưởng Công an đã phải có lý do mới tuyên bố như thế?. Ông có nhận định gì về điều này?
Luật sư Hà Huy Phong: Hiển nhiên là khi người ta phát biểu thì phải có lý do. Lý do ở đây là gì?. Có khả năng là Công an Tp. Vinh đang căn cứ vào Quyết định số 10/2016/QĐ-UBND của UBND tỉnh Nghệ An để xác định hành vi vi phạm của tài xế. Theo quy định tại Điều 1 của văn bản này, cấm các loại xe tải có tổng trọng lượng (bao gồm trọng lượng xe cộng hàng cho phép tham gia giao thông theo thiết kế) từ 4,0 tấn trở lên và xe ô tô khách từ 16 chỗ trở lên (trừ xe công vụ; xe buýt; xe hợp đồng; xe tham quan du lịch; xe đưa đón cán bộ, công nhân viên, học sinh, sinh viên, lực lượng vũ trang; xe phục vụ tang lễ, phục vụ đám cưới) hoạt động từ 06h00 đến 22h00 hàng ngày trên các tuyến đường được quy định tại phụ lục số 01 kèm theo Quyết định số 43/2014/QĐ-UBND ngày 28/7/2014. Riêng các tuyến đường: Trường Thi, Hồ Tùng Mậu, Lê Mao (đoạn từ ngã 5 Bưu điện Tỉnh đến giao đường Trần Phú) thời gian cấm 24/24 giờ hàng ngày. Tại thời điểm bị xử phạt, xe tải của tài xế Phan Đình Anh có khối lượng chuyên chở cho phép là 3,9 tấn và tải trọng bản thân xe là 3,4 tấn. Nếu căn cứ vào quy định của Quyết định 10 nêu trên đây thì xe tải của lái xe Phan Đình Anh bị coi là đi vào đường cấm, vì tổng trọng lượng lên đến 7,3 tấn.
PV: Và ông có nhận xét gì với cách giải thích nêu trên?
Luật sư Hà Huy Phong: Tôi thấy rằng, cách giải thích nêu trên nghe có vẻ hợp lý, nhưng xem xét kỹ thì thấy có nhiều mâu thuẫn và chưa chính xác.
Trước hết, chúng ta nhớ rằng, theo mô tả của tài xế thì khi xe rẽ vào đường Lê Lợi (thành phố Vinh), ông Anh thấy biển báo hình tròn, nền trắng, viền đỏ và gạch chéo màu đỏ, ở giữa có hình một xe ô tô tải, trên hình xe có hàng chữ 4T màu trắng. Đây là biển hiệu số 106b quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia số QCVN 41:2016/BGTVT. Nội dung của biển này quy định “Để báo đường cấm các loại xe ô tô tải có khối lượng chuyên chở (theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn một giá trị nhất định, phải đặt biển số P.106b. Biển có hiệu lực cấm các loại xe ô tổ tải có khối lượng chuyên chở (xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường phương tiện giao thông cơ giới đường bộ) lớn hơn giá trị chữ sô ghi trong biển (chữ số tấn ghi bằng màu trắng trên hình vẽ xe)”.
Như vậy, biển hiệu này chỉ cấm các xe tải có khối lượng chuyên chở lớn hơn con số ghi trên biển 106b mà không cấm xe có tải trọng toàn bộ xe cho phép. Theo quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia nêu trên thì “Tải trọng toàn bộ xe cho phép bằng trọng tải bản thân xe cộng với khối lượng chuyên chở cho phép xác định theo Giấy chứng nhận kiểm định”.
Như vậy, có thể hiểu là Quyết định số 10 của UBND tỉnh Nghệ An cấm xe tải có tải trọng toàn bộ xe cho phép, chứ không phải cấm khối lượng chuyên chở như quy định tại Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia.
PV: Như thế là tài xế vi phạm quy định của UBND tỉnh Nghệ An chứ không vi phạm quy định của Chính Phủ?
Luật sư Hà Huy Phong: Trong trường hợp này, tôi cho là như thế. Với hành vi lái xe có khối lượng chuyên chở cho phép là 3,9 tấn đi vào đường cắm biển cấm xe có khối lượng chuyển chở là 4 tấn thì không thể nói rằng, xe đã đi vào đường cấm nếu chiểu theo quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia. Tuy nhiên, nếu chiểu theo Quyết định số 10 của UBND tỉnh Nghệ An thì xe đã bị coi là đi vào đường cấm, vì quyết định này cấm tổng trọng lượng toàn bộ xe và lúc này xe có tổng trọng lượng lên đến 7,3 tấn.
PV: Như vậy là UBND tỉnh Nghệ An đã giải thích lại nội dung của quy định trong Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia?
Luật sư Hà Huy Phong: Tôi không nghĩ là như vậy. UBND tỉnh có quyền ban hành văn bản để thực hiện chức năng và nhiệm vụ quản lý Nhà nước trên địa bàn. Tôi không cho rằng văn bản này nhằm giải thích lại quy định của Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia.
PV: Nhưng như ông nói trên thì Công an thành phố Vinh đã căn cứ vào Quyết định này để xử phạt tài xế Phan Đình Anh?
Luật sư Hà Huy Phong: Hiện tại tôi cũng chỉ phỏng đoán là Công an Tp. Vinh căn cứ vào Quyết định nêu trên. Nếu căn cứ vào Quy chuẩn Kỹ thuật Quốc Gia và Nghị định 171/2013/NĐ-CP (Nghị định này đang có hiệu lực tại thời điểm ngày 8/3/2016, và hiện tại đã được thay thế bởi nghị định 46/2016/NĐ-CP) thì không thể xử phạt tài xế về lỗi lái xe vào đường cấm.
PV: Nếu giả định nêu trên của Ông là đúng sự thật, và Công an Tp. Vinh căn cứ vào Quyết định số 10 để xử phạt hành chính thì có chính xác không?
Luật sư Hà Huy Phong: Nếu Công an Tp. Vinh căn cứ vào Quyết định số 10 nêu trên thì sẽ là không chuẩn, vì theo quy định tại Điều 4, Luật xử lý vi phạm hành chính về thẩm quyền quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong các lĩnh vực quản lý nhà nước và chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính, thì “Căn cứ quy định của Luật này, Chính phủ quy định hành vi vi phạm hành chính; hình thức xử phạt, mức xử phạt, biện pháp khắc phục hậu quả đối với từng hành vi vi phạm hành chính; thẩm quyền xử phạt, mức phạt tiền cụ thể theo từng chức danh và thẩm quyền lập biên bản đối với vi phạm hành chính trong từng lĩnh vực quản lý nhà nước; chế độ áp dụng các biện pháp xử lý hành chính và quy định mẫu biên bản, mẫu quyết định sử dụng trong xử phạt vi phạm hành chính”.
Như vậy, UBND tỉnh Nghệ An không thể tự ý ban hành quy định hành vi vi phạm hành chính, và hành vi vi phạm quy định tại Quyết định số 10 nêu trên không thể bị coi là hành vi vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.
PV: Nhưng khi lưu thông trên đường, tài xế phải căn cứ vào biển hiệu giao thông do cơ quan giao thông công chính cắm, chứ làm sao biết được quy định riêng của tỉnh?
Luật sư Hà Huy Phong: Đó là một điều khúc mắc trong vụ án này. Lái xe đã tuân thủ biển hiệu và vẫn bị coi là vi phạm quy định của tỉnh. Biển hiệu là theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc gia và quy định của tỉnh cũng chỉ là quy định của địa phương.
Tôi cho rằng, khi lưu thông trên đường, lái xe cần căn cứ vào hệ thống biển hiệu giao thông, biển hiệu tạm thời và hiệu lệnh của người có thẩm quyền. Rất khó có thể yêu cầu lái xe nắm rõ quy định của địa phương, nhất là đối với lái xe từ các tỉnh khác đến, do đó, nếu địa phương có các quy định riêng thì phải có biển hiệu hoặc có người điều khiển. Ví dụ như ở Hà Nội vẫn thường xuyên có lệnh cấm đường để đón tiếp các đoàn khách ngoại giao hoặc phục vụ thi công, khi đó phải có biển hiệu tạm thời và người điều khiển. Không thể để văn bản trong tủ và yêu cầu tài xế đi ngoài đường chấp hành được.
PV: Như thế, tài xế đã căn cứ vào biển hiệu 106b là biển cắm theo Quy chuẩn kỹ thuật Quốc Gia nhưng lại vi phạm quy định của Quyết định số 10?
Luật sư Hà Huy Phong: Đó là kiểu râu ông nọ chắp cằm bà kia nên tài xế phải chịu tội. Tòa cần xem xét kỹ vấn đề này khi đưa ra phân xử.
Xin cảm ơn luật sư về cuộc trao đổi.
9h45' ngày 8/3, tài xế Phan Đình Anh điều khiển xe tải đi vào đầu đường Lê Lợi (TP Vinh, Nghệ An). Khi đó, ông Anh thấy biển báo hình tròn, nền trắng, viền đỏ và gạch chéo màu đỏ, ở giữa có hình một xe ô tô tải, trên hình xe có hàng chữ 4T màu trắng (biển báo số 106b). Xác định xe mình không có hàng nên không thuộc phạm vi điều chỉnh của biển báo 106b nên ông Anh vẫn cho xe vào đường Lê Lợi và bị cảnh sát giao thông phạt lỗi "đi vào đường cấm". |
Tác giả bài viết: Ninh Lan