Xã hội

35 mùa Tết chạnh lòng trên sông

Hơn 35 năm, cuộc sống 6 con người trong gia đình ông Cường vẫn tối ngày lênh đênh trên chiếc thuyền. Đời sống hằng ngày chỉ phụ thuộc vào con tôm, con cá trên dòng sông Hiếu (Nghệ An) đỏ ngầu.

Gặp ông Võ Văn Cường (SN 1959, phường Hòa Hiếu, TX.Thái Hòa, Nghệ An), sau nhiều lần cố gắng liên lạc qua người thân. Ông vừa cho thuyền neo vào bến vừa nói với: “Gần 3 tiếng đồng hồ mới về tới đây đó chú”.

Hôm nay, chỉ vợ chồng ông về vì trời mưa rét nên các con đang dựng tạm căn lều ở ven sông Hiếu, đoạn qua huyện Quỳ Châu (Nghệ An).

Ông Cường tranh thủ lúc nói chuyện thả bẫy tôm. Ảnh: Văn Bình
Ông Cường tranh thủ lúc nói chuyện thả bẫy tôm. Ảnh: Văn Bình

Ông Cường và gia đình không ở một chỗ mà lênh đênh trên dòng sông Hiếu (huyện Nghĩa Đàn) cho tới mạn Quế Phong (Nghệ An), giáp biên giới với Lào.

Một tháng, gia đình ông chỉ về thị xã một vài lần để thăm người thân rồi lại xuống thuyền vì không có đất ở.

Năm nay, tóc ông Cường đã lốm đốm nhiều sợi bạc, nước da đen thâm nhưng tay chân vẫn còn cứng cáp. Vợ chồng ông có 4 người con (2 trai, 2 gái). Cuộc sống chủ yếu sinh hoạt trên sông.

Hằng ngày, cả nhà đi thả lưới bắt cá đem lên chợ bán mua gạo, thức ăn.

Dọn lưới xong, ông ngồi trầm ngâm trên thuyền, trải lòng về hơn nửa cuộc đời cùng chúng tôi.

Ông là con trai đầu trong gia đình có 7 anh em. Bố mẹ làm nghề trên sông nước, từ nhỏ đã sớm làm quen với việc đi thuyền, thả lưới.

Năm 1977, ông đi lính ở tỉnh Hà Sơn Bình (nay là Hà Nội và Hòa Bình), thuộc Trung đoàn 36, Sư đoàn 308 và tham gia chiến tranh biên giới. Đến năm 1982, ông giải ngũ. Trên đường từ đơn vị về quê, ông làm rơi hành lý và mất hết giấy tờ tùy thân. Khi làm thủ tục để hưởng chế độ người có công, ông không được công nhận.

Trở về bên dòng sông Hiếu bình lặng, người thân có truyền thống đánh bắt cá đã sắm cho ông chiếc thuyền gỗ và các đồ nghề tự kiếm sống.

Năm 1984, ông nên duyên với bà Nguyễn Thị Đông (SN 1962, quê huyện Tân Kỳ, Nghệ An). Sau khi cưới, hai vợ chồng tiếp tục cuộc sống trên chiếc thuyền gỗ.

Cuộc sống trên sông nước và điều kiện kinh tế không cho phép, nên các con sinh ra không được đi học như bao đứa trẻ khác.

“Sinh con ra mà không lo cho chúng, nhiều lúc cũng thấy có lỗi lắm. Nhưng hoàn cảnh gia đình như vậy biết làm sao? Cuộc sống suốt ngày chỉ lênh đênh trên sông nay đây mai đó, kinh tế bữa no, bữa đói lấy đâu ra cho con ăn học. Không biết tương lai chúng nó sẽ như thế nào?”- ông nghẹn ngào.

Hằng ngày, 6 con người vẫn ra vào chiếc thuyền rộng hơn 1m, dài 3m, bên trong là những đồ dùng sinh hoạt: nồi niêu, bát đũa, vài chiếc chăn mỏng, quần áo...

Không có gì giá trị hơn ngoài những tay lưới, cần câu và một số vật dụng mưu sinh. Đôi bờ sông Hiếu đều là nhà, chỉ cần dừng lại bất kỳ điểm nào là cả gia đình lên dựng lều nấu nướng, tắm giặt... rồi lại xuống thuyền.

Ông Cường buồn bã: “Những lúc mái thuyền dột, có khi ướt hết, nhìn các con mà chảy nước mắt. Nhưng cũng không biết làm gì hơn”.

Cả gia đình ông đi thả lưới, bữa nào trúng đem ra chợ bán cũng chỉ được khoảng 100 ngàn đồng. Tiền mua gạo, thức ăn cho cả nhà dùng trong ngày.

Cái Tết buồn thứ 35 trên sông

Khi nhắc đến Tết, ông Cường lại đượm buồn nói: “Đã 35 năm, Tết năm nào nhìn mọi người đi sắm Tết tôi lại thấy tủi thân. Không có năm nào được đón cái Tết đúng nghĩa”.

Đối với ông và gia đình, khi mọi người đua nhau mua sắm, chơi Tết thì cả nhà vẫn đang lọ mọ dưới sông, cầu may bắt được con tôm, con cá.

Ông Cường đang mài lại lưỡi câu chuẩn bị bắt cá. Bộ đồ ông đang mặc do em trai tặng. Ông mặc để chụp ảnh cho đẹp. Ảnh: Văn Bình
Ông Cường đang mài lại lưỡi câu chuẩn bị bắt cá. Bộ đồ ông đang mặc do em trai tặng. Ông mặc để chụp ảnh cho đẹp. Ảnh: Văn Bình

Đến ngày 30, mùng 1 Tết, cả gia đình thả thuyền trôi về TX.Thái Hòa, lên bờ chơi với anh em mấy ngày rồi lại xuống sông.

“Đến Tết về với anh em tý vậy thôi, không dám ở lâu ngại lắm. Tết đối với tôi cũng chẳng có ý nghĩa lắm, chỉ mong đánh được nhiều cá hơn vì bán có giá hơn ngày thường” - ông Cường ngậm ngùi.

Bà Nguyễn Thị Đông nói: “Tết nào cũng ở trên sông nước vậy thôi chú! Có nhà đâu mà về”.

Khi đến thời khắc đón giao thừa của mọi nhà, mọi người vùi vầy trên đất liền thì gia đình ông ngồi tựa lưng trên thuyền nhìn nhau.

Bà Đông nghẹn ngào: “Cả nhà nhìn nhau ứa nước mắt. Chẳng có gì để gọi là ăn Tết thật đúng nghĩa. Khổ lắm chú...”.

Cứ thế, vợ chồng ông Cường, bà Đông và các con đã 34 năm ăn cái Tết trên sông Hiếu tủi phận như vậy.

Nói về mong muốn trong năm mới, người lính năm xưa nói: “Tôi chỉ mong có mảnh đất ở, có căn nhà tạm cho các con ổn định lên bờ, kiếm nghề nghiệp khác. Để đời con cháu bớt khổ”.

Ông Kiều Đình Việt - Phó chủ tịch UBND phường Hòa Hiếu cho biết, trường hợp của ông Cường nằm trong 13 hộ dân được hỗ trợ 50% giá trị đất ở theo quyết định của UBND tỉnh.

Hiện, UBND phường đang làm mọi thủ tục để cấp đất ở cho các hộ dân này.

Tác giả bài viết: Văn Bình

Nguồn tin:

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP