KDL Suối Tiên có diện tích 55 ha, với khoảng 150 công trình, mô hình vui chơi giải trí, đa dạng dành cho mọi nhóm đối tượng. Hàng năm, KDL này đón khoảng 4,5 triệu lượt khách đến tham quan. Ảnh: KDL.
Công viên Văn hoá Đầm Sen là nằm trên đường Hòa Bình, quận 11. Công viên có diện tích 50 ha gồm 20% là mặt hồ và 60% cây xanh và vườn hoa. Hiện công viên có khoảng 80 trò chơi dành cho khách tham quan mọi độ tuổi. Ảnh: Lê Quân.
Thảo Cầm Viên có hơn 150 năm tuổi. Nơi đây đang sở hữu hơn 2.500 cây xanh thuộc 360 loài, nuôi dưỡng hơn 1.000 động vật cùng nhiều hiện vật có giá trị văn hóa - lịch sử. Ảnh: Lê Quân.
Dinh Thống Nhất được xây trên diện tích rộng 12 ha. Công trình gồm một dinh thự lớn với mặt tiền rộng 80 m và một khuôn viên rộng với nhiều cây xanh và thảm cỏ. Từ sau 1975, dinh Độc Lập được đổi tên thành Dinh Thống Nhất hoặc được gọi là Hội trường Thống Nhất. Ảnh: Tuấn Mark.
Chợ Bến Thành là một trong những biểu tượng tiêu biểu của TP HCM. Ban đầu, chợ được xây bằng gạch, sườn gỗ, lợp tranh. Năm 1860, người Pháp đã cho xây lại bằng cột gạch, sườn gỗ và lợp lá. Đến tháng 7/1870, chợ bị cháy một gian, phải xây cất lại bằng cột gạch, sườn sắt, lợp bằng ngói. Ảnh: Tuấn Mark.
Sky Deck nằm trên độ cao 180 m, là điểm để bạn thưởng thức vẻ đẹp “Hòn ngọc Viễn đông” bao quát và khoáng đạt nhất. Ảnh: Lê Quân.
Bảo tàng Chứng tích chiến tranh nằm trên đường Võ Văn Tần, quận 3. Đây là nơi trưng bày một số hiện vật, hình ảnh trong Chiến tranh Việt Nam với nhiều chủ đề. Trong đó, hai mẫu vật khiến người ta ám ảnh nhất là máy chém và hai ngăn "chuồng cọp" mô phỏng nhà tù Côn Đảo. Ảnh: Loca.
Bảo tàng TP HCM tọa lạc tại 65 Lý Tự Trọng quận 1. Công trình được xây dựng trên khu đất rộng gần 2 ha và được giới hạn bởi các con đường Lý Tự Trọng, Pasteur, Lê Thánh Tông và Nam Kỳ Khởi Nghĩa. Tòa nhà được thiết kế theo phong cách cổ điển - phục hưng, kết hợp Âu - Á. Nơi đây trưng bày các mẫu vật văn hóa, lịch sử, thương mại, nghề thủ công... của TP HCM. Ảnh: Museum.edu.
Bảo tàng Hồ Chí Minh khởi đầu là một thương cảng được xây dựng từ 1864 trên khu vực gần cầu Khánh Hội (quận 4). Vào ngày 5/6/1911, tại đây, chàng thanh niên Nguyễn Tất Thành đã lên tàu Amiral Latouche Treville làm phụ bếp để có điều kiện sang châu Âu tìm đường cứu nước. Từ 1975 toà trụ sở xưa của thương cảng Nhà Rồng đã được xây dựng lại thành khu lưu niệm Hồ Chí Minh. Ảnh: Tuấn Mark.
Tác giả bài viết: An Huỳnh