Pháp luật

Trách nhiệm pháp lý vụ nổ ở nhà máy tinh bột sắn

"Chủ doanh nghiệp phải có trách nhiệm chi trả toàn bộ các chi phí cho các nạn nhân trong vụ nổ trong nhà máy chế biến tinh bột sắn ở Nghệ An", luật sư Võ Công Hạnh nhận định.

Nổ kinh hoàng ở nhà máy chế biến sắn, nhiều người trọng thương

Như tin đã đưa về vụ nổ tại nhà máy chế biến tinh bột sắn - thuộc HTX cổ phần dịch vụ tổng hợp Sơn Long, đóng tại xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An. Theo đó, khoảng 12h trưa 4/4 những người dân sống gần khu vực sản xuất của nhà máy bất ngờ nghe thấy tiếng nổ lớn, sau đó thấy khói bốc lên nghi ngút từ khu vực sản xuất này.

Khi mọi người chạy tới ứng cứu và dập lửa thì phát hiện 4 công nhân bị thương nặng. Cả 4 công nhân nhanh chóng được đưa đi cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa khu vực Tây Bắc Nghệ An.

Nhận được tin báo, Công an huyện Nghĩa Đàn đã có mặt để điều tra nguyên nhân vụ nổ kinh hoàng này.

no nha may bot san 1459845193
Nhà máy chế biến tinh bột sắn, nơi xảy ra vụ nổ kinh hoàng- (Ảnh Thành Lê).

Do vết thương bỏng nặng gần như toàn bộ cơ thể nên trong chiều 4/4, anh Hà Văn Hiếu, 27 tuổi, ngụ xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn được chuyển ra Hà Nội để cứu chữa.

Được biết, những công nhân gặp nạn đều là lao động thời vụ, không có chế độ bảo hiểm. Sau khi cấp cứu, các bệnh nhân đã dần ổn định nhưng vẫn bàng hoàng trước sự việc xảy ra.

Nhận định dưới khía cạnh pháp lý của vụ việc Luật sư Võ Công Hạnh, Giám đốc công ty luật Công Khánh, Đoàn Luật Sư tỉnh Thừa Thiên Huế cho biết: "Thời gian gần đây, đã liên tiếp xảy ra các vụ việc cháy nổ tại các cơ sở sản xuất đang trong quá trình hoạt động, gây thiệt hại về tính mạng, sức khỏe cho người lao động, đe dọa đến sự an toàn của người dân sinh sống trong cùng địa bàn.

Vụ nổ lớn ở khu vực sản xuất của nhà máy chế biến tinh bột sắn ở xã Nghĩa Long, huyện Nghĩa Đàn, Nghệ An gây ra thiệt hại về sức khỏe của người lao động, 4 lao động bị bỏng nặng đang phải điều trị, nhưng bởi vì họ là lao động động thời vụ nên không được hưởng các chế độ bảo hiểm sẽ gây nên khó khăn cho gia đình của các nạn nhân trong quá trình điều trị".

Theo luật sư Công Hạnh căn cứ khoản 2, Điều 16 Bộ luật lao động 2012; điểm a, Khoản 1, Điều 2 và Khoản 1, Điều 124 Luật bảo hiểm xã hội 2014; Khoản 6, Điều 1 Luật bảo hiểm y tế 2014 thì đối với người lao động động làm việc theo hợp đồng đồng thời vụ từ đủ 1 tháng đến dưới 3 tháng, không phải là đối tượng bắt buộc phải tham gia bảo hiểm. Điều này cho thấy chúng ta cần có những văn bản pháp luật để điều chỉnh vấn đề này nhằm mang lại lợi ích tốt nhất cho người lao động, cạnh đó, người lao động cần phải cân nhắc các nội dung liên quan đến quyền và lợi ích hợp pháp của bản thân trong quá trình giao kết hợp đồng.

Để bảo vệ cho 4 lao động này thì cần nhanh chóng xác minh nguyên nhân của vụ nổ, bởi nếu là do rò khí lò hơi gây ra thì chủ doanh nghiệp của cơ sở sản xuất chế biến tinh bột sắn phải có trách nhiệm bồi thường cho 4 lao động này theo quy định tại Điều 623 BLDS 2005 (Bồi thường thiệt hại do nguồn nguy hiểm cao độ gây ra).

"Các nạn nhân sẽ được nhận các khoản bồi thường gồm có: Các chi phí hợp lý phục vụ cho việc điều trị, hồi phục sức khỏe và một khoản tiền khác để bù đắp tổn thất về tinh thần (Điều 609 BLDS 2005). Cạnh đó, vụ việc này cần phải xem xét, làm rõ nguyên nhân vì sao lò hơi phát nổ, trách nhiệm kiểm tra an toàn lao động, ai là người vận hành để có kết luận chính xác. Nếu có dấu hiệu hình sự thì cần phải khởi tố vụ án để xử lý theo quy định", luật sư Công Hạnh cho biết thêm.

Tác giả bài viết: Phương Anh

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP