Kinh tế

Thời trang Format Việt Nam: Bài 2 - Mập mờ xuất xứ sản phẩm, không cung cấp được giấy tờ nhập khẩu?

Trao đổi về vấn đề này, Luật sư Vũ Văn Biên (Công ty Luật Khoa Tín) cho rằng sản phẩm thời trang Format Việt Nam được Thương Trường phản ánh, bên cạnh sự mập mờ, không rõ ràng về nguồn gốc ghi trên nhãn chính so với thông tin của nhãn phụ, còn có dấu hiệu vi phạm nhiều quy định về nhãn hàng hóa.

Dấu hiệu vi phạm về nguồn gốc, nhãn của sản phẩm?

Tháng 9/2018, Thương Trường đăng tải bài viết: “Thời trang Format Việt Nam: Không tìm được nguồn gốc sản phẩm, vi phạm nhãn mác?”, phản ánh tình trạng nhiều sản phẩm thời trang do Format (thương hiệu thuộc sở hữu của Công ty TNHH Gianni Việt Nam; địa chỉ số 25 ngách 354/137 đường Trường Chinh, phương Khương Thượng, quận Đống Đa, TP. Hà Nội) bày bán tại showroom không rõ ràng về nguồn gốc từ thông tin ghi trên nhãn chính và sau khi đối chiếu với nhãn phụ của sản phẩm.

Sản phẩm được bán tại các showroom Format không tìm được nguồn gốc theo thông tin ghi trên nhãn chính.

Điển hình như dòng sản phẩm "áo lót tàng hình-B9BRA001B" được bán tại showroom Format do Công ty TNHH HSH Việt Nam, địa chỉ số 160 ngõ 72 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) nhập khẩu và phân phối có nhãn chính ghi: Format Japan, địa chỉ tại Tokyo, Nhật Bản, miền format.co.jp nhưng nhãn phụ lại ghi có xuất xứ Trung Quốc.

Cùng với sự nhập nhèm về nguồn gốc trên nhãn chính khi tiến hành đối chiếu với thông tin tìm được thì nhãn phụ thì sản phẩm áo lót tàng hình-B9BRA001B cũng có dấu hiệu vi phạm về nhãn mác so với các quy định hiện hành.

Đại diện Format nói một đằng, làm một nẻo

Để làm rõ nghi vấn trên, bảo vệ quyền lợi chính đáng của người tiêu dùng, PV Thương Trường đã đặt lịch làm việc, gửi các câu hỏi đến Format Việt Nam.

Ngày 25/9/2018 trong buổi trao đổi thông tin với PV tại trụ sở tòa soạn, người phụ nữ giới thiệu tên Trang, phụ trách truyền thông của Format Việt Nam cho biết doanh nghiệp này có đủ các giấy tờ pháp lý thể hiện nguồn gốc, xuất xứ và chất lượng của các sản phẩm bày bán, bao gồm cả sản phẩm được báo chí phản ánh. Người này khẳng định sẽ gửi các tài liệu này cho PV trong ngày để chứng minh cho cam kết, thế nhưng sau đó không hề phản hồi như đã hứa hẹn?

Luật sư nói gì?

Nhằm rộng đường dư luận, thêm căn cứ pháp lý về sản phẩm Format Việt Nam để gửi tới độc giả, PV đã có cuộc trao đổi với Luật sư Vũ Văn Biên (Công ty luật Khoa Tín). Về nhãn chính của sản phẩm ghi địa chỉ trang web là format.co.jp, tuy nhiên khi truy cập trang web này lại chỉ đến một trang web Việt Nam của chính Format Việt Nam (fomar.vn), Luật sư Biên đặt dấu hỏi về tính xác thực của hàng hóa này.

"Theo định nghĩa quy định tại Nghị định 43/2017/NĐ-CP, nhãn gốc của hàng hóa là nhãn thể hiện lần đầu do tổ chức, cá nhân sản xuất hàng hóa gắn trên hàng hóa, bao bì thương phẩm của hàng hóa. Do đó, trang web trên nhãn gốc hàng hóa phải là trang web của tổ chức sản xuất sản phẩm đó. Từ đây có thể thấy dấu hiệu của hàng giả.

Thêm vào đó, tại nhãn hàng hóa sản phẩm của thời trang Format cũng không hề thể hiện tên của tổ chức/cá nhân sản xuất sản phẩm mà chỉ thể hiện địa chỉ là Nhật Bản, điều này khiến nguồn gốc của hàng hóa này càng mập mờ, không rõ ràng", Luật sư Biên nói.

Theo quy định tại nghị định 185/2013/NĐ-CP, hàng giả bao gồm hàng hóa có nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa ghi chỉ dẫn giả mạo về nguồn gốc hàng hóa, nơi sản xuất, đóng gói, lắp ráp hàng hóa.

Hành vi này của Format sẽ bị xử lý theo quy định tại Điều 13 Nghị định 185/2913/NĐ-CP, được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 124/2015/NĐ-CP như sau:

“Điều 13. Hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa

1. Đối với hành vi buôn bán hàng giả mạo nhãn hàng hóa, bao bì hàng hóa quy định tại điểm đ và e khoản 8 Điều 3 Nghị định này, mức phạt tiền như sau:

a) Phạt tiền từ 200.000 đồng đến 500.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị dưới 1.000.000 đồng;

b) Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 1.000.000 đồng đến dưới 3.000.000 đồng;

c) Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 3.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 3.000.000 đồng đến dưới 5.000.000 đồng;

d) Phạt tiền từ 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng;

đ) Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 10.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng;

e) Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 30.000.000 đồng;

g) Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng trong trường hợp hàng giả tương đương với số lượng của hàng thật có giá trị từ 30.000.000 đồng trở lên mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự.

2. Phạt tiền gấp hai lần các mức tiền phạt quy định tại khoản 1 Điều này đối với hành vi nhập khẩu hàng giả hoặc hàng giả thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Là lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh, thuốc phòng bệnh cho người mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

b) Là thức ăn chăn nuôi, phân bón, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật, giống cây trồng, giống vật nuôi mà không bị truy cứu trách nhiệm hình sự;

c) Là phụ gia thực phẩm, chất bảo quản thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, thực phẩm chức năng, mỹ phẩm, chất tẩy rửa, diệt côn trùng, trang thiết bị y tế, xi măng, sắt thép xây dựng, mũ bảo hiểm.

3. Hình thức xử phạt bổ sung:

a) Tịch thu tang vật vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Tước quyền sử dụng giấy phép, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.

4. Biện pháp khắc phục hậu quả:

a) Buộc loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc tiêu hủy hàng giả đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

b) Buộc thu hồi loại bỏ yếu tố vi phạm trên nhãn, bao bì hàng giả hoặc buộc thu hồi tiêu hủy hàng giả đang lưu thông trên thị trường đối với hành vi vi phạm quy định tại Điều này;

c) Buộc đưa ra khỏi lãnh thổ Việt Nam hoặc buộc tái xuất hàng giả đối với hành vi nhập khẩu hàng giả quy định tại Điều này;

d) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại Điều này.”

Luật sư Vũ Văn Biên đồng thời cho rằng nhãn phụ sản phẩm áo lót tàng hình B9BRA001B do Format bày bán tại các showroom ghi “Made in China” thay vì cụm từ sản “xuất tại Trung Quốc” là không đúng theo quy định hiện hành.

“Đối với các hàng hóa nhập khẩu vào Việt Nam (theo khoản 3 Điều 7 Nghị định số 43/2017/NĐ-CP) mà trên nhãn chưa thể hiện hoặc thể hiện chưa đủ những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt thì phải có nhãn phụ thể hiện những nội dung bắt buộc bằng tiếng Việt và giữ nguyên nhãn gốc của hàng hóa. Nội dung ghi bằng tiếng Việt phải tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc.

Khoản 4, Điều 8 Nghị định này cũng quy định cụ thể, nội dung ghi trên nhãn phụ là nội dung dịch nguyên ra tiếng Việt từ các nội dung bắt buộc ghi trên nhãn gốc và bổ sung các nội dung bắt buộc khác còn thiếu theo tính chất của hàng hóa theo quy định. Tổ chức, cá nhân ghi nhãn phải chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của nội dung ghi. Nội dung ghi trên nhãn phụ gồm cả nội dung được ghi bổ sung không làm hiểu sai nội dung trên nhãn gốc và phải phản ánh đúng bản chất và nguồn gốc của hàng hóa”, Luật sư Vũ Văn Biên tiếp tục.

Vẫn theo Luật sư Biên thì nhãn phụ của sản phẩm thời trang Format Việt Nam có nội dung không tương ứng với nội dung ghi trên nhãn gốc hàng hóa. Cụ thể, nhãn gốc hàng hóa rõ ràng thể hiện nguồn gốc hàng hóa là ở Nhật Bản, nhưng nhãn phụ lại thể hiện hàng hóa có nguồn gốc từ Trung Quốc.

Chưa hết, nhãn phụ hàng hóa không thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc theo quy định. Đối với các sản phẩm hàng hóa dệt may, nhãn hàng hóa phải thể hiện các thông tin về thành phần hoặc thành phần định lượng; Thông số kỹ thuật; Thông tin cảnh báo; Hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản; Năm sản xuất. Trường hợp nhãn hàng hóa không đủ để thể hiện nội dung này thì phải ghi tại tài liệu kèm theo hàng hóa và trên nhãn phải chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Tuy nhiên dù nhãn chính hàng hóa do Format bày bán không có nhưng nhãn phụ của sản phẩm này cũng không bổ sung các nội dung này hay chỉ ra nơi ghi các nội dung đó.

Khi PV đặt lịch làm việc với Công ty phân phối sản phẩm Công ty TNHH HSH Việt Nam, (địa chỉ số 160 ngõ 72 đường Nguyễn Trãi, quận Thanh Xuân, TP. Hà Nội) đơn vị nhập khẩu và phân phối sản phẩm do Format Việt Nam bày bán thì nơi đây không có hoạt động của doanh nghiệp và không người tiếp nhận nội dung làm việc.

Liên quan đến dấu hiệu vi phạm của thời trang Format Việt Nam, PV Thương Trường đã đặt lịch làm việc với Chi cục quản lý thị trường Hà Nội. Đại diện cơ quan này cho biết đã nhận được thông tin phản ánh và sẽ tiến hành kiểm tra thực tế rồi thông tin cho báo chí sau.

Tác giả: Huỳnh Minh

Nguồn tin: Tạp chí Điện tử Thương Trường

  Từ khóa: Thương hiệu ,thời trang

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP