Giáo dục

Thí sinh "sốc" với các phương án tuyển sinh của trường đại học năm 2022

Nếu các năm trước đây, tỷ lệ xét tuyển theo điểm thi tốt nghiệp THPT chiếm chỉ tiêu lớn nhất trong các phương thức xét tuyển của nhiều trường, thì năm nay tỷ lệ này đã giảm mạnh.

Nhiều phương án xét tuyển thì cánh cổng vào đại học sẽ mở rộng hơn cho thí sinh nhưng cùng lúc phải tham gia quá nhiều kỳ thi cũng khiến thí sinh khá áp lực và mệt mỏi (Ảnh: DT)

Giảm chỉ tiêu, tăng cường nhiều phương thức tuyển sinh khác

Trước đó, như đã công bố, Đại học Bách khoa Hà Nội đưa ra 3 phương án tuyển sinh cho năm 2022 và thay đổi đáng kể về số chỉ tiêu.

Theo đó, trường chỉ dành 10 - 20% chỉ tiêu xét tuyển bằng điểm thi tốt nghiệp THPT, 60 - 70% tổng chỉ tiêu bằng hình thức xét kết quả kỳ thi đánh giá tư duy do trường tổ chức và 20 - 30% chỉ tiêu xét tuyển bằng phương thức xét tuyển tài năng.

Tại Đại học Giao thông Vận tải, năm 2020 trường dành 70 - 80% cho phương cho hình thức xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT thì năm 2022, theo công bố của trường, tỷ lệ này sẽ giảm chỉ còn khoảng 40 - 50%.

Trong đó, đáng kể nhất mới đây Đại học Kinh tế Quốc dân cho hay cũng chỉ dành 10 - 15% cho phương thức xét tuyển này, giảm khá nhiều so với trên 50% năm 2020.

Mạnh tay cắt giảm chỉ tiêu tuyển sinh theo phương thức xét tuyển truyền thống, song các trường đã bổ sung và triển khai thêm nhiều phương án khác nhằm đa dạng hóa và thể hiện tính tự chủ trong đề án tuyển sinh của mình.

Năm 2022, trường Đại học Thương mại dự kiến xét tuyển 4150 chỉ tiêu với 5 phương thức tuyển sinh. Ngoài 3 phương thức cũ bao gồm: Xét tuyển thẳng, ưu tiên; Xét tuyển kết hợp; Xét tuyển dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Năm nay trường bổ sung thêm 2 phương thức mới là:

Xét tuyển dựa trên kết quả học tập bậc THPT (học bạ) đối với thí sinh là học sinh các trường THPT chuyên toàn quốc hoặc học sinh các trường THPT trọng điểm quốc gia.

Xét tuyển dựa trên kết quả thi đánh giá năng lực do Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức năm 2022.

Cũng trong mùa tuyển sinh năm 2022, lần đầu tiên trường Đại học Kinh tế Quốc dân triển khai phương thức xét tuyển mới đó là dựa trên điểm kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội và Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh.

Tương tự, năm nay, các trường Đại học Xây dựng, Đại học Mỏ - Địa chất, Đại học Giao thông Vận tải, Đại học Thủy lợi cũng dự kiến có thêm hình thức xét tuyển dựa trên điểm bài thi năng lực tư duy của Đại học Bách khoa Hà Nội.

Thí sinh "sốc" trong các phương án tuyển sinh

Trước sự thay đổi về chỉ tiêu này, nhiều thí sinh đã tỏ ra khá "sốc" và hoang mang, cùng với đó là sự lo lắng và phân vân không biết nên chọn phương án nào là tốt nhất.

Đỗ Mai Phương - học sinh lớp 12 (Nam Định) cho biết ngay từ đầu năm học em xác định sẽ đăng ký nguyện vọng vào ngành Thương mại điện tử của Trường Đại học Kinh tế Quốc dân.

"Dù đã có sự chuẩn bị song em vẫn khá bất ngờ khi năm nay Trường Đại học Kinh tế Quốc dân dự kiến sẽ chỉ dành khoảng 10 - 15% chỉ tiêu dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp THPT. Còn lại là sẽ tuyển thẳng hoặc xét tuyển kết hợp với phương án tuyển sinh riêng".

Đặt lịch thi IELTS vào giữa tháng 2 tới, Mai Phương cho biết đã dành 3 năm ôn luyện, ngay từ khi vừa vào lớp 10. "Mục tiêu của em là đạt được thang điểm từ 8 đến 9 để có lợi thế khi xét tuyển vào đại học. Sau đó dành thời gian "nước rút" để ôn thi tốt nghiệp THPT, ngoài ra em vẫn tìm hiểu thêm các phương án khác để đề phòng rủi ro nếu kết quả không đạt yêu cầu", Phương nói.

Nguyễn Hoàng Phương Linh (lớp 12, Hà Nội) cho hay: "Hiện tại em đang cảm thấy khá lo lắng vì học trực tuyến đã ảnh hưởng ít nhiều đến kết quả học tập cũng như quá trình ôn luyện. Trong khi đó năm nay các trường đều giảm chỉ tiêu xét tuyển theo điểm thi THPT đồng nghĩa điểm chuẩn, tỉ lệ cạnh tranh sẽ rất "đáng sợ". Em vẫn đang rất phân vân, phải xin lời khuyên của thầy cô và các anh chị để lựa chọn phương án tốt nhất.

Sau khi nắm được sơ bộ đề án tuyển sinh của các trường hiện em đang phải gấp rút thay đổi kế hoạch học tập. Song song với đó là phải tìm hiểu thêm cả các phương án xét tuyển kết hợp khác để có nhiều thêm cơ hội".

Với Đức Huy (học sinh lớp 12, Hải Phòng) sử dụng kết quả của kỳ thi tốt nghiệp THPT do Bộ GD&ĐT tổ chức vẫn là lựa chọn hàng đầu. Cùng với đó là việc xét tuyển bằng học bạ, song phương án này cũng khá bấp bênh bởi điểm phải cao mới có cơ hội. "Việc các trường giảm mạnh tỉ lệ xét tuyển theo điểm thi THPT khiến em khá hoang mang và lo lắng. Để gia tăng thêm cơ hội thì em sẽ tham gia cả kỳ thi đánh giá năng lực nhưng cũng chưa thực sự tự tin".

Đặt ra kế hoạch và mục tiêu cho mình từ sớm, Thùy Dương (học sinh lớp 12, Hà Nội) cho biết: "Để có thể nắm được suất vào trường mong ước em đã chuẩn bị một vài phương án. Đầu tiên em sẽ ưu tiên việc xét tuyển bằng học bạ, sau đó sẽ tham gia kỳ thi đánh giá tư duy của Đại học Quốc gia Hà Nội tổ chức, cuối cùng mới sử dụng đến điểm thi THPT".

"Đúng là có nhiều phương án xét tuyển thì cánh cổng vào đại học sẽ mở rộng hơn nhưng cùng lúc phải tham gia quá nhiều kỳ thi cũng khiến em khá áp lực và mệt mỏi. Em chỉ tiếc một điều là dù đã chuẩn bị sớm nhưng hiện tại điểm IELTS của em vẫn chưa đạt. Nếu có được chứng chỉ này với điểm số tốt thì có lẽ cánh cửa vào đại học sẽ dễ dàng hơn nhiều", Dương chia sẻ thêm.

Với kinh nghiệm đã trải qua, bạn Nguyễn Thùy Trang (20 tuổi) chia sẻ: "Mình nghĩ các em nên xét học bạ dù trường nào đi chăng nữa. Đối với các trường mà các em quan tâm đến thì hãy nộp, đậu thì mình bớt lo còn rớt thì tìm phương án khác. Nếu có điều kiện thì hãy thi đánh giá năng lực bởi hiện tại đã có rất nhiều trường lấy điểm thi đó để xét tuyển.

Bạn nào đã có nền tảng tiếng Anh tốt thì nên thi IELTS, TOEIC, chứng chỉ ngoại ngữ quốc tế/chứng chỉ khảo thí quốc tế (ACT, SAT); các trường đều đánh giá cao và có cơ hội để xét tuyển nhiều trường và ngành học khác nhau. Còn nếu hiện tại nền tảng yếu mà giờ đánh liều thi các chứng chỉ thì cũng hơi khó và may rủi bởi thời gian cũng không còn nhiều.

Nhìn vào thực tế bây giờ, dùng điểm của kỳ thi tốt nghiệp THPT xét tuyển vào đại học cũng không hề dễ dàng, đặc biệt là với các trường top đầu, để có thể đỗ thì điểm chuẩn đầu vào sẽ cực kỳ cao và tỷ lệ cạnh tranh rất gắt gao".

"Nói chung các em hãy tự cân nhắc, tìm hiểu kỹ điều kiện xét tuyển của trường mà mình quan tâm để có phương án phù hợp. Và làm gì thì làm cũng nên tìm cho mình một đường lui", Thùy Trang nhắn nhủ thêm.

Tác giả: Nguyễn Phương Thảo

Nguồn tin: Báo Dân trí

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP