Trong tỉnh

Nghệ An: Đầu tư tiền tỷ, dân vẫn khát nước sạch

Nhiều nhà máy nước sạch ở Nghệ An được đầu tư hàng chục tỷ đồng, vậy nhưng dân vẫn “khát” nước sạch. Nguyên nhân cơ bản là do thiếu vốn, không đủ năng lực vận hành, thiếu đầu tư tái tạo... gây lãng phí ngân sách nhà nước, tạo bức xúc trong nhân dân.

Nhà máy nước sạch Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên được đầu tư gần 26 tỷ đồng, không có năng lực vận hành.

Đội vốn, thiếu năng lực

Hai tháng qua, tại địa bàn tỉnh Nghệ An, tình trạng nắng nóng kéo dài dẫn đến khô hạn diện rộng, kéo theo đó là thiếu nước sinh hoạt. Tại nhiều địa phương, tuy có nhà máy nước sạch được đầu tư nhiều tỷ đồng, nhưng không thể hoạt động.

Điển hình như tại xã Hưng Thông, huyện Hưng Nguyên, vào năm 2015 sau khi được phê duyệt của UBND huyện Hưng Nguyên, Nhà máy nước sạch Hưng Thông chính thức được khởi công. Nhà máy có công suất 1.000 m3/ngày đêm, đáp ứng nhu cầu sử dụng của khoảng hơn 1.300 hộ dân. Dự án có tổng mức đầu tư gần 26 tỷ đồng. Sau 3 năm xây dựng, năm 2018, nhà máy hoàn thành, tuy nhiên từ đó đến nay nhà máy nước sạch này chưa một lần đi vào hoạt động.

Không có nước sạch, hàng trăm hộ dân xã Hưng Thông phải sử dụng nước giếng, nước tự nhiên cho sinh hoạt và ăn uống mà chất lượng thì không được đảm bảo. “Nhà máy xây xong để đó, dân chúng tôi đã có nước sạch dùng mô. Mà nếu có nước, chưa chắc dân chúng tôi đã sử dụng bởi nguồn nước thô lấy từ kênh Nông Nông, kênh này rất bẩn, ô nhiễm”, bà Cương người dân xóm Hồng Hà, xã Hưng Thông cho biết.

Tương tự, Nhà mày nước sạch Quỳnh Thọ, huyện Quỳnh Lưu sau hơn 7 năm triển khai, đến nay cũng vẫn còn phải “đắp chiếu” vì thiếu vốn. So với các nhà máy nước sạch khác, Nhà máy nước sạch Quỳnh Thọ phải gia hạn thời gian hoàn thành 3 lần với tổng mức lên tới gần 28 tỷ đồng (đội vốn gần 10 tỷ đồng), nhưng nước vẫn không có để người dân sử dụng. Điều đáng nói, xã Quỳnh Thọ là địa phương nằm ở vùng biển nên đất bị nhiễm mặn, người dân chủ yếu phải dự trữ nước mưa để sử dụng. Cả xã có 6 xóm với 1.300 hộ dân thì 3 xóm nằm ở vùng nước mặn, từ trước đến nay phải lợi dụng vào việc thủy triều lên xuống để lọc nước sử dụng.

Công suất nhỏ giọt

Khác với 2 nhà máy trên, nhà máy nước sạch Kim Sơn, huyện Quế Phong được khởi công xây dựng vào năm 2009, với tổng số vốn hơn 40 tỷ đồng, công trình do UBND huyện Quế Phong làm chủ đầu tư. Theo thiết kế, nhà máy khi đi vào hoạt động sẽ có công suất cung cấp nước sạch 1000m3/ngày đêm, cung cấp nước sạch cho 1.000 hộ dân thị trấn Kim Sơn và vùng phụ cận. Cuối năm 2017, dự án hoàn thành và triển khai đấu nối đường ống đến tận các hộ dân đăng ký sử dụng.

Tuy nhiên, cho đến nay, nhà máy nước thị trấn Kim Sơn chưa thực hiện được việc đấu thầu quản lý, vận hành, nên dẫn đến tình trạng hoạt động không thường xuyên. Hiện nhà máy mới chỉ được vận hành 2h/ngày. Công tác vận hành máy cũng cơ bản chỉ nhằm mục tiêu chính là bảo trì máy móc thiết bị, súc rửa hệ thống đường ống cấp I, cấp II và đường ống chỉ đấu nối cho hơn 700 hộ dân trên địa bàn thị trấn Kim Sơn và một số ít khách hàng thuộc xã Mường Nọc, Tiền Phong…

Theo ông Ngô Đức Quý - Khối trưởng khối Trung Sơn, thị trấn Kim Sơn, huyện Quế Phong cho biết: Nhà máy nước thị trấn Kim Sơn từ khi xây dựng đến khi khai thác thì mới chỉ thấy đấu nối đến đồng hồ. Còn thực tế nước thì hầu như chưa có.

Lý giải về vấn đề nhà máy nước đã xây dựng xong không thể vận hành, ông Lê Phạm Hùng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hưng Nguyên cho biết: Nguyên nhân nhà máy chưa thể hoạt động là do năng lực vận hành, bởi vì để cho nhà máy hoạt động phải có một đơn vị có chuyên môn, có năng lực để vận hành. Hiện chúng tôi đang có tờ trình cho Sở Tài chính thẩm định tài sản về dự án này, sau đó ký hợp đồng bàn giao cho một đơn vị có chuyên môn để quản lý nhà máy.

Còn Bà Vi Thị Duyên, Giám đốc Ban QLDA huyện Quế Phong, cho biết: trong thời gian vừa qua UBND và BQLDA tiếp nhận rất nhiều phản ánh của nhân dân về thời gian bơm nước hơi ít, chỉ có 2h/ngày, nguyên nhân là do thiếu kinh phí trả tiền điện, tiền hóa chất, tiền nước chưa thu được của nhân dân nên kinh phí chủ yếu xin hỗ trợ từ UBND huyện. Trong khi đó, lãnh đạo xã Quỳnh Thọ cho rằng do thiếu vốn, bởi số vốn đối ứng 10% của chủ đầu tư hiện chưa có đồng nào.

Theo thống kê, hiện nay trên địa bàn tỉnh Nghệ An có trên 500 công trình cấp nước sạch sinh hoạt cho người dân, nhưng trong số đó chỉ có hơn 100 công trình hoạt động hiệu quả, số còn lại thì hoạt động kém hiệu quả hoặc ngừng hoạt động.

Tác giả: ĐIỀN BẮC

Nguồn tin: Báo Đại đoàn kết

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP