Trong tỉnh

Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế

Phát biểu tại Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng nay (11/8), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường vượt qua khó khăn. Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ để chiến thắng mọi thách thức khó khăn trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục có đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển đất nước Việt Nam.

Hội nghị trực tuyến toàn quốc giữa Thủ tướng Chính phủ với doanh nghiệp diễn ra sáng nay có chủ đề “Chủ động thích ứng, phục hồi nhanh và phát triển bền vững”.

Tại điểm cầu trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có các Phó Thủ tướng Chính phủ: Lê Minh Khái, Lê Văn Thành; lãnh đạo các Bộ, ngành Trung ương; các Hiệp hội doanh nghiệp, Tập đoàn, Tổng công ty.

Tại điểm cầu Nghệ An, đồng chí Nguyễn Đức Trung – Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh chủ trì hội nghị. Tham dự hội nghị có lãnh đạo các sở, ngành; Hội, Hiệp hội doanh nghiệp và các doanh nghiệp tiêu biểu trên địa bàn tỉnh.

Quang cảnh tại điểm cầu trụ sở Chính phủ (ảnh chinhphu.vn)

Quang cảnh tại điểm cầu tỉnh Nghệ An

Chủ tịch UBND tỉnh Nguyễn Đức Trung chủ trì tại điểm cầu Nghệ An

Chủ động thích ứng phục hồi nhanh và phát triển

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng báo cáo tình hình phát triển doanh nghiệp và một số giải pháp trọng tâm hỗ trợ doanh nghiệp trong thời gian tới (chinhphu.vn)

Báo cáo tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng cho biết, nhờ nỗ lực kiểm soát dịch bệnh và việc triển khai chính sách hỗ trợ phục hồi, phát triển doanh nghiệp kịp thời của Chính phủ cũng như nỗ lực vượt qua khó khăn, tinh thần đổi mới, chủ động thích ứng của cộng đồng doanh nghiệp, khu vực doanh nghiệp thời gian qua có nhiều tín hiệu phục hồi khởi sắc.

Tính đến tháng 7/2022, cả nước có 871.275 doanh nghiệp đang hoạt động, trong đó có 11.894 doanh nghiệp trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp và thủy sản (chiếm 1,4%); 272.015 doanh nghiệp trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng (chiếm 31,2%) và 587.366 doanh nghiệp trong lĩnh vực dịch vụ (chiếm 67,4%).

Số doanh nghiệp gia nhập, quay trở lại thị trường và nguồn vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế tăng mạnh. Số doanh nghiệp gia nhập và tái gia nhập thị trường với trên 130.000 doanh nghiệp, tăng 26,8% so với cùng kỳ năm 2021, gấp 1,4 lần số doanh nghiệp rút lui khỏi thị trường. Về quy mô, tổng số vốn đăng ký bổ sung vào nền kinh tế trong 7 tháng đầu năm 2022 đạt trên 3,3 triệu tỷ đồng, tăng trên 37% so với cùng kỳ năm 2021.

Từ đầu năm 2022 đến nay, khi dịch bệnh dần được kiểm soát, doanh nghiệp trong một số ngành bị ảnh hưởng nặng nề như du lịch, hàng không, vận tải… đã có sự phục hồi ấn tượng. Thị trường đặc biệt là thị trường nội địa đã phục hồi trên
75% đến 85% so với trước khi có dịch COVID -19.

Doanh thu 7 tháng đầu năm 2022 tăng mạnh so với cùng kỳ năm trước, một số ngành còn cao hơn so với cùng kỳ trước dịch. Các ngành xuất khẩu chủ lực của Việt Nam như điện tử, dệt may, da giày, nông, lâm, thủy sản… tiếp tục là điểm sáng, đóng góp cho nền kinh tế. Niềm tin đầu tư kinh doanh tiếp tục được củng cố và có xu hướng tích cực.

Tại Hội nghị, các đại biểu đã đánh giá toàn diện tình hình sản xuất kinh doanh 7 tháng đầu năm 2022; tác động của kinh tế thế giới tới hoạt động trong nước, nhận định cơ hội, khó khăn, rào cản, vướng mắc cần tháo gỡ và lắng nghe đề xuất cụ thể một số giải pháp của cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội doanh nghiệp trong một số ngành: du lịch, hàng không, xây dựng, điện tử, công nghiệp hỗ trợ, logistics, chế biến và xuất khẩu thuỷ sản/lúa gạo/rau quả.

Bên cạnh đó, Hội nghị cũng đánh giá nền kinh tế vẫn đối diện áp lực và nguy cơ lạm phát, vấn đề giải ngân đầu tư công, triển khai một số nhiệm vụ trong chương trình phục hồi và phát triển còn hạn chế… Khu vực doanh nghiệp tiếp tục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức cả về nguồn cung và cầu do tác động bởi dịch COVID-19, xung đột quân sự Nga - Ukraine; giá xăng dầu, nhiên, nguyên vật liệu tăng cao; thiếu hụt lao động; lạm phát cao ở nhiều quốc gia trên thế giới…

"Lợi ích thì hài hoà, rủi ro thì chia sẻ".

Thủ tướng Phạm Minh Chính phát biểu tại hội nghị (ảnh: chinhphu.vn)

Phát biểu kết luận hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính ghi nhận và đánh giá cao đóng góp rất lớn của cộng đồng doanh nghiệp vào thành quả toàn diện mà đất nước đạt được trong 2 năm qua; đồng thời, chia sẻ về những khó khăn, mất mát, thậm chí có cả hi sinh trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 mà cộng đồng doanh nghiệp gặp phải. Thủ tướng Chính phủ cũng chúc mừng các doanh nghiệp đã phát huy tinh thần chủ động, sáng tạo, vượt khó vươn lên, đạt được nhiều kết quả quan trọng.

Thủ tướng Chính phủ kêu gọi cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục đoàn kết, vượt qua khó khăn và tin tưởng cộng đồng doanh nghiệp sẽ khôn khéo vượt qua, đồng cam cộng khổ, chia sẻ khó khăn với đất nước để vượt qua giai đoạn này.

Phân tích về tình hình thế giới, đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp, có nhiều biến động, theo Thủ tướng Chính phủ trong bối cảnh đó, chúng ta vừa phải triển khai các nhiệm vụ thường xuyên, vừa giải quyết các vấn đề tồn đọng, kéo dài, vừa đối phó, thích ứng với các vấn đề phát sinh. Thủ tướng Chính phủ nhấn mạnh, mục tiêu ưu tiên hiện nay là ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, thúc đẩy tăng trưởng, bảo đảm các cân đối lớn; thực hiện chính sách tiền tệ thận trọng, chủ động, linh hoạt, kịp thời, hiệu quả, phối hợp chặt chẽ, đồng bộ với chính sách tài khoá mở rộng hợp lý, tập trung, bảo đảm hiệu quả. Chúng ta cũng đang xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ ngày càng cao gắn với tích cực, chủ động hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả, muốn vậy, cần phải có đội ngũ doanh nghiệp lớn mạnh.

Cần phải thúc đẩy mạnh mẽ thị trường an toàn, lành mạnh, bền vững, công khai minh bạch như thị trường vốn, thị trường bất động sản, thị trường lao động, thị trường lao động chất lượng cao.

Cùng với đó, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tiếp tục tập trung cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh quốc gia, cải cách hành chính mạnh mẽ thông qua chuyển đổi số quốc gia, xây dựng chính phủ số, kinh tế số, xã hội số. Giữ vững ổn định chính trị, đảm bảo an toàn an ninh, trật tự xã hội để doanh nghiệp an tâm sản xuất kinh doanh, ổn định thị trường, tạo việc làm và thu nhập cho người dân.

Thủ tướng Chính phủ yêu cầu tất cả các Bộ, ngành, địa phương tổng rà soát lại các khó khăn, vướng mắc hiện nay của tất thảy doanh nghiệp và tất các nguồn vốn để có kế hoạch xử lý kịp thời hiệu quả trên cơ sở chức năng nhiệm vụ được giao. Các Bộ, ngành, địa phương thúc đẩy giải ngân các nguồn vốn đầu tư công để làm mồi và kích hoạt các nguồn lực của xã hội, trong đó có nguồn lực của doanh nghiệp.

Chính phủ, các Bộ, ngành làm tốt công tác nắm bắt tình hình, nghiên cứu chiến lược, dự báo chiến lược, cung cấp thông tin chính xác, kịp thời giúp doanh nghiệp định hướng mở rộng thị trường, sản xuất kinh doanh, đa dạng hóa các sản phẩm, đổi mới công nghệ, chuyển đổi số cho doanh nghiệp phát triển.

Đi vào nhiệm vụ cụ thể, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành khẩn trương nghiên cứu tháo gỡ rào cản pháp lý ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh; tiếp tục nghiên cứu các chính sách có liên quan đến doanh nghiệp như xăng dầu, nguyên vật liệu đầu vào, vật liệu sản xuất kinh doanh... Triển khai đồng bộ, hiệu quả các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19, trước mắt tập trung đẩy mạnh tiêm vắc xin mũi 3, mũi 4 cho các đối tượng phải tiêm và tiêm mũi 2, mũi 3 cho trẻ em từ 5-12 tuổi; thực hiện tốt Nghị quyết 38.

Đẩy mạnh kết nối cung cầu lao động, đào tạo, đào tạo lại người lao động để đáp ứng yêu cầu thị trường lao động; nâng cao chất lượng nguồn nhân lực về chuyên môn và kỹ năng. Đồng thời, đẩy mạnh công tác quy hoạch, đầu tư kết cấu hạ tầng phát triển kinh tế - xã hội nhằm nâng năng lực, sức cạnh tranh của nền kinh tế. “Chưa bao giờ đất nước lại dành nguồn lực lớn cho đầu tư hạ tầng chiến lược như lúc này. Các Bộ, ngành phải vào cuộc, doanh nghiệp cũng phải vào cuộc trên tinh thần “lợi ích thì hài hòa, khó khăn thì chia sẻ”, Nhà nước chia sẻ khó khăn với doanh nghiệp, ngược lại doanh nghiệp cũng cần chia sẻ với nhà nước trong lúc khó khăn, mỗi người phải chịu thiệt một tý để cân bằng và vượt qua khó khăn để phát triển” - Thủ tướng Chính phủ lưu ý.

Cải cách thể chế, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong sản xuất kinh doanh; chống tiêu cực tham nhũng, sách nhiễu nhất là tham nhũng vặt khi làm việc với doanh nghiệp.

Tại hội nghị này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính mong muốn cộng đồng doanh nghiệp tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, chung sức đồng lòng, phát huy tính chủ động, tự lực, tự cường, nỗ lực vượt qua khó khăn, thách thức tăng cường hợp tác để phát triển bền vững. Cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân cần nêu cao tinh thần tự hào dân tộc, ý thức tuân thủ pháp luật trong sản xuất kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, đạo đức doanh nghiệp và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp để chia sẻ, liên kết chặt chẽ với nhau, đổi mới, sáng tạo, nâng cao năng lực cạnh tranh cùng nhau phát triển kinh tế đất nước. Cùng với đó, doanh nhân Việt Nam tiếp tục xây dựng đội ngũ doanh nhân có bản sắc Việt Nam, có lòng yêu nước, tinh thần tự hào dân tộc, có bản lĩnh chính trị, trí tuệ, ý thức tuân thủ pháp luật, liêm chính trong kinh doanh, xây dựng văn hóa doanh nghiệp, có khát vọng vươn lên làm giàu cho mình, cho đất nước, có trách nhiệm với người lao động, cộng đồng, xã hội.

Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Vì một mục tiêu cộng đồng doanh nghiệp chủ động thích ứng góp phần xây dựng đất nước Việt Nam hùng cường, thịnh vượng, nhân dân được ấm no, hạnh phúc, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ luôn đồng hành và chia sẻ tối đa các ý kiến của các tổ chức hiệp hội, cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân. Đồng thời, đề nghị cộng đồng doanh nghiệp, doanh nhân tiếp tục giữ vững niềm tin, nêu cao tinh thần đoàn kết, tự lực tự cường vượt qua khó khăn. Mỗi doanh nhân, doanh nghiệp là một chiến sĩ tinh nhuệ, quả cảm, bản lĩnh trên mặt trận kinh tế, nỗ lực cùng Chính phủ để chiến thắng mọi thách thức khó khăn trong bối cảnh hiện nay, tiếp tục có đóng góp nhiều hơn nữa vào quá trình phát triển đất nước Việt Nam.

7 tháng đầu năm 2022, trên địa bàn tỉnh Nghệ An có 1.333 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới, tăng 8,5% so với cùng kỳ, đồng thời có gần 800 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động, khôi phục mã số thuế (tăng gần 170 doanh nghiệp). Lũy kế đến nay, trên địa bàn toàn tỉnh có 25.300 doanh nghiệp đăng ký thành lập, số lượng doanh nghiệp đang hoạt động là 14.307 doanh nghiệp (xếp thứ 9 cả nước và thứ 2 khu vực Bắc Trung Bộ), trong đó có khoảng 74% doanh nghiệp hoạt động có kết quả sản xuất kinh doanh, sử dụng khoảng 201.300 lao động.

Tác giả: Phan Quỳnh

Nguồn tin: nghean.gov.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP