Giáo dục

Hiệu trưởng Tiểu học “hiến kế” chọn sách giáo khoa

Các trường Tiểu học trên cả nước đang tổ chức nghiên cứu, lựa chọn bộ sách giáo khoa theo Thông tư 01/2020 của Bộ GDĐT với nhiều băn khoăn, bỡ ngỡ. Thầy Võ Phi Hùng – Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc (Quỳnh Lưu – Nghệ An) đã nêu quan điểm và gợi ý về phương pháp chọn sách giáo khoa cho các trường tham khảo.

Giáo viên Tiểu học Nghệ An nghiên cứu, chọn sách giáo khoa lớp 1. Ảnh: PV

Tiêu chí quan trọng chọn sách giáo khoa

Theo thầy Võ Phi Hùng, hiện nay vấn đề chọn sách giáo khoa (SGK) đang được dư luận quan tâm. Vừa qua trên báo chí, mạng xã hội có phản ánh ý kiến của một số giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục chưa đúng với hướng dẫn chọn SGK của Bộ GDĐT tại Thông tư 01/2020 và nhận thức chưa sát với nội dung, quan điểm của Chương trình giáo dục phổ thông 2018 (gọi tắt là Chương trình 2018).

Cụ thể, quan điểm “Chọn SGK rồi chọn cách dạy như thế nào cho phù hợp với SGK là hết sức khó khăn” của một nhà giáo là không đúng. Thói quen dạy những cái gì đã viết trong SGK, dùng SGK để thiết kế bài dạy (soạn giáo án) của đa số giáo viên hiện nay là chưa đúng với tinh thần đổi mới của Chương trình 2018.

Triết lý, quan điểm chung của Chương trình 2018 là: “Giáo dục phổ thông phụ thuộc vào Chương trình, không phụ thuộc vào SGK”. Các gợi ý tổ chức hoạt động dạy và học trong SGK chỉ là những phương án của các tác giả đề xuất, giáo viên sử dụng như là một kênh tham khảo chứ không bắt buộc phải tuân theo.

Mặt khác với yêu cầu Chương trình 2018 bảo đảm phát triển phẩm chất và năng lực người học, nên phương pháp và hình thức giáo dục phải phát huy tính chủ động và tiềm năng của mỗi học sinh.

Chương trình 2018 được thiết kế theo hướng tiếp cận năng lực người học, khác với chương trình hiện hành thiết kế chủ yếu theo hướng tiếp cận nội dung. Tiếp cận nội dung tập trung giải quyết vấn đề: Người học cần phải biết cái gì?

Còn chương trình tiếp cận theo năng lực đặt ra yêu cầu: Người học biết làm gì?

Chuẩn đầu ra của chương trình tiếp cận năng lực gồm hệ thống năng lực tổng hợp, cụ thể. Mặt khác sự hình thành và phát triển năng lực của mỗi học sinh là riêng biệt. Như vậy tiêu chí quan trọng để chọn SGK là cần phải soi vào các nội dung “mở” có phát huy được tính linh hoạt, sáng tạo của người dạy và người học hay không; việc gợi mở các hoạt động có thể vận dụng phù hợp với đặc điểm của nhà trường và địa phương hay không.

Có sự khác biệt, nên chọn bộ nào?

Nhận xét “nội dung của 3 bộ sách giáo khoa lớp 1 khá tương đồng nhau” của một giáo viên ở Nghệ An cũng không chính xác.

Bởi vì, 5 bộ SGK lớp 1 xây dựng phải căn cứ vào chương trình và cả 5 bộ sách này đều đã được Bộ GDĐT thẩm định, phê duyệt. Tuy nhiên cùng 1 chủ đề nhưng các tác giả mỗi bộ sách có cách xây dựng và phân bố các bài học khác nhau; gợi ý, định hướng cách tổ chức các hoạt động hình thành và phát triển năng lực cũng khác nhau.

Cụ thể, môn Tự nhiên và Xã hội lớp 1 cùng chủ đề “Gia đình”, SGK “Chân trời sáng tạo” xây dựng 5 bài học, nhưng tác giả của bộ SGK “Cánh diều” lại xây dựng qua 3 bài học.

Hay chủ đề “Nhà trường”, SGK “Chân trời sáng tạo” xây dựng qua 5 bài học và đưa nội dung “Trường học của em” dạy học trước sau đó mới đến “Lớp học của em”.

Còn SGK “Cánh diều” với chủ đề này lại xây dựng qua 3 bài học và tổ chức cho học sinh tìm hiểu “Lớp học của em” trước sau đó mới đến nội dung “Trường học của em”.

Với chủ đề “Gia đình”, SGK “Chân trời sáng tạo” gợi ý việc hình thành và phát triển năng lực này bằng hoạt động “Trò chơi phỏng vấn”; còn SGK “Cánh diều” lại gợi ý tổ chức phương pháp khác.

Để học sinh xác định được vị trí nhà của mình, tác giả bộ sách “Kết nối tri thức với cuộc sống” đề xuất hoạt động “Vẽ, trang trí thiệp mời sinh nhật và gửi đến bạn của em” nhưng tác giả của bộ sách “Chân trời sáng tạo” lại đề xuất tổ chức hình thức hỏi đáp.

Một trong những điểm đáng chú ý và mới của Chương trình 2018 đó là: 1 chương trình nhưng có 5 bộ SGK. Đây là một sự đột phá lớn trong việc xây dựng chương trình giáo dục.

Giáo viên được trao quyền chủ động tới mức dạy học chỉ cần bám sát mục tiêu, yêu cầu cần đạt của từng chủ đề, môn học và điều kiện tổ chức dạy học mà có thể không cần SGK.

Vì thế, chọn SGK cần tập trung vào việc xem xét các phương án mà tác giả gợi ý để đáp ứng yêu cầu cần đạt có phù hợp với điều kiện tổ chức dạy học của nhà trường hay không. Muốn làm được điều này thì phải nghiên cứu kỹ Chương trình 2018 .

Võ Phi Hùng (Hiệu trưởng Trường Tiểu học Quỳnh Ngọc - Quỳnh Lưu - Nghệ An)

Nguồn tin: Báo Lao động

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP