Xe

'Hàng rào kép' chặn đứng nhập khẩu ôtô tư nhân

Nghị định 116 và Nghị định 125 ra đời cách nhau chưa đầy một tháng tạo nên "hàng rào kép" chặn đứng hoạt động nhập khẩu ôtô tư nhân.

Năm 2011, Bộ Công thương ban hành Thông tư 20 nhằm tiết giảm lượng xe nhập khẩu đổ vào Việt Nam. Kết quả là các địa lý tư nhân không thể nhập xe mới về nước.

Giải pháp kinh doanh cho các doanh nghiệp tư nhân là xe mới dạng biếu tặng và xe cũ, chạy lướt (xe sử dụng 6 tháng hoặc đã chạy 10.000 km ở nước ngoài). Dòng xe phổ thông và xe sang trước đó vốn về nước ồ ạt thì sau đó chủ yếu là dòng xe sang, siêu xe hoặc những dòng xe không phân phối chính hãng tại Việt Nam, trong đó xe cũ chiếm đa số.

Thông tư 20 tồn tại trong 5 năm, hết hiệu lực vào ngày 1/7/2016. Lúc này tranh cãi giữa các đơn vị nhập khẩu tư nhân và chính hãng nổ ra. Nghị định 116 do Chính phủ ban hành ngày 17/10/2017 giống như một phán quyết cuối cùng.

Hai hàng rào cách nhau chưa đầy một tháng

Đại lý nhập khẩu ôtô tư nhân chịu 2 hàng rào trong chưa đầy một tháng. Ảnh: Ngọc Tuấn.

Nghị định 116 quy định về điều kiện sản xuất, lắp ráp, nhập khẩu và kinh doanh dịch vụ bảo hành, bảo dưỡng ôtô, trao quyền ưu tiên cho các nhà nhập khẩu chính hãng, hoạt động chuyên nghiệp, quy mô và tổ chức bài bản.

Còn phía đại lý nhập khẩu tư nhân, các chuyên gia trong ngành đều cho rằng đã hết cửa lách. Quy định có cơ sở bảo hành, bảo dưỡng, nếu doanh nghiệp nhập khẩu ôtô tư nhân không có khả năng xây dựng, hoàn toàn có thể đi thuê.

Nhưng với văn bản xác nhận hoặc tài liệu chứng minh được quyền thay mặt doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ôtô nước ngoài thực hiện lệnh triệu hồi là bất khả thi. Từ trước đến nay, những giấy tờ này chỉ được cấp cho các nhà nhập khẩu chính hãng.

Khe cửa nhỏ khả thi cho các nhà nhập khẩu ôtô tư nhân có chăng là tài sản di chuyển hoặc quà biếu. Tuy nhiên, xe về Việt Nam theo cách này rất giới hạn về cả số lượng và khả năng cạnh tranh.

Khi những câu chuyện về Nghị định 116 chưa kịp lắng xuống, chưa đầy một tháng sau, Chính phủ tiếp tục dựng thêm hàng rào với đại lý nhập khẩu ôtô tư nhân bằng Nghị định 125/2017/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 122/2016/NĐ-CP về Biểu thuế xuất khẩu, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi. Trong đó sửa đổi và bổ sung về thuế nhập khẩu đối với mặt hàng xe ôtô đã qua sử dụng.

Mức thuế tuyệt đối trước đây áp dụng cho 2 dòng ôtô cũ, chia theo dung tích dưới 1 lít và 1 lít đến dưới 1,5 lít, với 2 mức 5.000 USD và 10.000 USD. Ở Nghị định mới, mức thuế tuyệt đối chỉ áp dụng đối với dòng xe dưới 1 lít với mức 10.000 USD.

Ôtô dung tích động cơ từ 1 lít đến dưới 2,5 lít áp dụng mức thuế hỗn hợp X + 10.000 USD. Ôtô cũ dung tích động cơ trên 2,5 lít vẫn giữ nguyên cách tính thuế X + 15.000 USD.

X = [Giá tính thuế ôtô đã qua sử dụng] x [Mức thuế suất của dòng ôtô mới cùng loại]

Theo cách tính thuế mới, ôtô đã qua sử dụng dung tích dưới 2,5 lít chịu mức thuế cao hơn. Sau đó, chiếc xe phải chịu thêm khoản thuế tiêu thụ đặc biệt và VAT dựa trên giá xe tính theo biểu thuế mới. Tiếp đến chi phí bán hàng, quảng cáo và lợi nhuận doanh nghiệp, giá bán chiếc xe không còn dễ chịu như trước.

Giá bán xưa nay vốn là lợi thế của xe cũ nhập khẩu, giờ mất đi, người tiêu dùng dễ tìm đến các lựa chọn xe chính hãng với chế độ bảo hành và hậu mãi đầy đủ hơn.

"Hàng rào kép" do Chính phủ dựng lên coi như chấm dứt đường về của xe nhập khẩu theo dạng tư nhân về cả phương diện kỹ thuật và chi phí. Lúc này, các doanh nghiệp bắt đầu đổi hướng kinh doanh.

Đại lý ôtô tư nhân tìm cách tồn tại

Anh Quang Trung - chủ doanh nghiệp kinh doanh ôtô H3T - phản ứng khá nhanh trước thời cuộc. Anh cho biết xe cũ từ nước ngoài về Việt Nam coi như hết đường, điều này buộc các doanh nghiệp phải chuyển đổi hướng kinh doanh để thích ứng.

"Các doanh nghiệp chuyên nhập khẩu xe không chính hãng hiện chỉ có 3 cách. Một là chuyển sang buôn xe cũ trong nước, xe đã có biển số và đã lưu hành tại Việt Nam. Thứ hai là xin làm đại lý ủy quyền của một hãng xe nào đó. Và cuối cùng, chỉ còn cách chuyển hướng sang kinh doanh lĩnh vực khác", anh nhận định.

"Tôi biết một số doanh nghiệp nhập khẩu ôtô cũ đã phá sản, một số khác đóng cửa hoặc chuyển hướng kinh doanh mặt hàng khác không phải ôtô", anh cho biết thêm.

Dạo quanh các đại lý ôtô tư nhân thời gian gần đây bắt đầu xuất hiện một điểm khác biệt. Điểm chung là số lượng lớn những chiếc xe trưng bày đã mang biển số, hoàn toàn trái ngược với thời gian trước đây. Khi ấy, những chiếc xe ở showroom chủ yếu là xe chạy lướt và một số xe mới từ nước ngoài về, đều chưa đăng ký biển số tại Việt Nam.

Không nhập được xe cũ từ nước ngoài khiến các đại lý ôtô tư nhân đau đầu về nguồn hàng. Muốn đảm bảo nguồn hàng tốt, họ phải có nhiều mối quan hệ với khách hàng, bên cạnh công việc vốn dĩ phải làm trước đây, như định giá chuẩn, nắm bắt được thị trường, chính sách nhà nước và biến động giá xe chính hãng.

Yếu tố "biến động giá xe chính hãng" giờ đây trở nên quan trọng hơn, bởi nguồn nhập xe chỉ dành cho các doanh nghiệp phân phối chính hãng. "Đại lý ôtô tư nhân lúc này phải dựa vào chính hãng và thị trường thôi", anh nhận định.

Hướng đi mà anh Trung tin tưởng sẽ thành công là tấn công vào điểm yếu của doanh nghiệp chính hãng. Đó là giá xe cũ. Theo anh, phía đại lý chính hãng chỉ bán xe mới, hoặc có xe lướt thì giá cũng rất cao. Vì vậy, anh lựa chọn buôn xe cũ, chạy lướt còn bảo hành chính hãng và bán ra với giá thấp hơn.

Khi được hỏi về chuyện cạnh tranh công bằng, anh giãi bày việc có môi trường cạnh tranh công bằng thì ai cũng muốn, nhưng với tình hình hiện tại, đại lý ôtô tư nhân muốn đấu lại với đại lý phân phối chính hãng là quá khó khăn.

Tác giả: Thế Anh

Nguồn tin: zing.vn

BÀI MỚI ĐĂNG

TOP